Khơi thông dòng vốn xã hội hóa
EmailPrintAa
17:09 21/01/2021

Các dự án cơ sở hạ tầng nói chung, trong đó có hạ tầng giao thông (HTGT) thường đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn trong khi ngân sách nhà nước có hạn; vì vậy, việc thu hút vốn xã hội hóa là yêu cầu tất yếu.

Thời gian qua, một lượng vốn lớn từ các thành phần kinh tế đã tập trung cho dự án HTGT với phương thức hợp tác công-tư (PPP). Tuy nhiên, dòng vốn này đang có dấu hiệu chững lại, cần có giải pháp khơi thông nhằm tăng thêm nguồn lực đầu tư cho hạ tầng.

Hai dự án thành phần trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam vừa được chuyển đổi phương thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công. Đây là những dự án PPP mới nhất không thành công trong việc thu hút vốn xã hội hóa. Điểm chung của các dự án này là không tìm kiếm được nhà đầu tư, có trường hợp không đơn vị nào tham gia hoặc phương án kỹ thuật của nhà đầu tư không đáp ứng yêu cầu. Điều này đặt ra lo ngại về tính hấp dẫn của dự án PPP giao thông. Trong đó có việc tính toán lưu lượng phương tiện khi tuyến đường hoàn thành, khả năng thu hồi vốn của dự án, những cơ sở quan trọng để xây dựng phương án tài chính khả thi. Ngoài ra, quá trình thi công thường mất nhiều thời gian, đi kèm là nguy cơ bị chậm trễ do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng cũng khiến không ít nhà đầu tư e ngại.

Nhiều tuyến đường tại tỉnh Long An được xây dựng mới, góp phần đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải và đi lại của nhân dân. Ảnh:TTXVN.

Để tham gia đầu tư PPP, nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp trực tiếp góp vào dự án chỉ chiếm một phần nhỏ, còn phần lớn là vốn vay từ các tổ chức tín dụng. Cần nhìn nhận một thực tế, những méo mó tại một số dự án BOT giao thông thời gian qua đã làm ảnh hưởng đến niềm tin của xã hội đối với phương thức đầu tư PPP vào HTGT. Có thể kể đến như những trường hợp nâng cấp, cải tạo trên đường hiện hữu, dựng trạm thu phí bị người dân phản đối hay có dự án đã xây xong đường nhưng không được thu phí. Phương án tăng phí theo lộ trình không thực hiện được và còn nhiều lý do khác khiến ngân hàng tài trợ vốn bị vướng vào nợ xấu. Những trường hợp này tuy chỉ là cá biệt nhưng cũng làm nhiều tổ chức tín dụng không mặn mà khi nhắc đến cho vay làm HTGT. Vì vậy, nhà đầu tư dù muốn tham gia dự án mới cũng phải “bó tay” vì không tiếp cận được nguồn vốn.

Phương thức PPP được đánh giá là mang nhiều tính ưu việt khi huy động nguồn lực lớn của xã hội. Nhà nước chỉ bỏ ra vốn "mồi" ban đầu, phục vụ cho các công việc, như: Thiết kế, lập dự án, giải phóng mặt bằng... Đảng, Nhà nước đã khẳng định chủ trương thu hút mạnh các thành phần kinh tế, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia phát triển kết cấu hạ tầng, đồng thời, bảo đảm lợi ích thỏa đáng của nhà đầu tư. Cụ thể hóa chủ trương này, các cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư đã được ban hành, trong đó, Luật Đầu tư theo phương thức PPP ra đời đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, giúp nhà đầu tư yên tâm hơn khi thực hiện dự án PPP, đặc biệt là cơ chế chia sẻ rủi ro cũng như lợi ích giữa các chủ thể liên quan.

Cùng với sự phát triển của kinh tế đất nước, lưu lượng giao thông trên các tuyến đường huyết mạch không ngừng gia tăng, nhu cầu vận tải ngày càng lớn. Đây là cơ sở để các dự án PPP tăng sức hấp dẫn, có dư địa đẩy mạnh hơn trong thời gian tới. Một trong những vướng mắc cần giải quyết là xây dựng niềm tin của nhà đầu tư để tiếp tục đồng hành cùng phát triển HTGT với tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm. Theo ý kiến của đại diện nhiều doanh nghiệp, mong muốn của họ khi tham gia dự án PPP là được ứng xử như một đối tác, bảo đảm công bằng, bình đẳng. Vấn đề hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư vẫn được xác định là yếu tố mấu chốt quyết định thành công của dự án. Người dân cần được bảo đảm quyền lựa chọn: Trả phí để sử dụng dịch vụ tốt hơn hoặc vẫn đi trên đường đang có. Niềm tin, sự ủng hộ của xã hội đối với phương thức PPP sẽ là điều kiện hàng đầu để dự án được hiện thực hóa, góp phần vào mục tiêu đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Nguồn: Đỗ Mạnh Hưng/qdnd.vn

( https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/khoi-thong-dong-von-xa-hoi-hoa-649689 )


    Ý kiến bạn đọc