Khơi thông xuất khẩu nông sản
EmailPrintAa
16:26 09/03/2020

Theo số liệu thống kê, xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2020 ước đạt 36,9 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là một trong những điểm sáng của nền kinh tế nước ta, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn đang ảm đạm bởi dịch Covid-19.

Tuy nhiên, nhìn vào từng ngành hàng tham gia dòng chảy xuất-nhập khẩu thì thấy, một số mặt hàng nông sản của nước ta có sự sụt giảm xuất khẩu rất mạnh, như: Thủy sản giảm 17,7%; cà phê giảm 9,8%; rau quả giảm 17,4%; hạt điều giảm 19,3%; hạt tiêu giảm 18,8%. Đây là những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp Việt Nam. Điều đó cho thấy, một số sản phẩm nông nghiệp của nước ta đang phải chịu ảnh hưởng rất nặng nề bởi sự ngưng trệ của thị trường trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng.

Đây là điều có thể dự báo trước, bởi xuất khẩu một số mặt hàng nông sản của nước ta phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. Với dân số hơn 1,4 tỷ người, rõ ràng, thị trường Trung Quốc là cực kỳ quan trọng, không chỉ với nông sản mà với bất kỳ ngành hàng nào, không chỉ với Việt Nam mà với rất nhiều nước khác. Nhưng việc phụ thuộc quá lớn vào một thị trường không khác nào để hết cả trứng vào cùng một giỏ.

Ảnh minh họa

Trong khi ngành sản xuất hàng nông sản của nước ta vẫn loay hoay giải quyết vấn đề thì các ngành hàng khác đã tìm được hướng đi phù hợp. Vì thế, dù cũng chịu ảnh hưởng rất lớn từ dịch Covid-19 nhưng xuất khẩu của các ngành hàng này vẫn tăng trưởng khá. Tại sao các mặt hàng nông sản của nước ta chưa thể làm được như các ngành hàng khác?

Một trong những nguyên nhân quan trọng là sản xuất nông nghiệp của nước ta lâu nay vẫn chưa thoát khỏi tình trạng nhỏ lẻ, manh mún, dẫn tới giá thành sản xuất cao và doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian để thu mua, tăng chi phí bảo quản. Sản xuất nhỏ lẻ cũng khiến cho chất lượng nông sản không đồng đều, ảnh hưởng không nhỏ tới giá trị xuất khẩu, thậm chí không đáp ứng được điều kiện xuất khẩu vào các thị trường khó tính. Hà Lan-nước có nền nông nghiệp phát triển hàng đầu thế giới-đã rất thành công với mô hình hợp tác xã để tích tụ đất đai, tập trung nguồn lực sản xuất, cung ứng hàng hóa nông sản quy mô lớn. Vì thế, nông dân Hà Lan có thể đóng vai trò dẫn dắt thị trường. Việt Nam có thể phát triển rộng rãi mô hình này không?

Ngoài ra, dịch vụ logistics của Việt Nam hiện vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu vận chuyển nhanh, bảo quản hàng hóa tươi sống trong điều kiện tốt nhất để nông sản Việt Nam nhanh chóng đi từ cánh đồng tới thị trường tiêu dùng với chất lượng tốt nhất, giá cả hợp lý nhất. Hàng hóa vận chuyển đường bộ đang phải cõng nhiều loại phí cả chính thức và phi chính thức; vận chuyển đường sắt và vận chuyển đường thủy chưa đáp ứng được yêu cầu về tốc độ và điều kiện bảo quản hàng hóa tươi sống; hàng không đang phát triển trong lĩnh vực vận chuyển hành khách, lĩnh vực vận chuyển hàng hóa chưa được chú trọng… Một khi chưa khắc phục được những vấn đề này, hàng nông sản Việt Nam vẫn sẽ phải phụ thuộc vào các thị trường lân cận, rất khó để vươn xa.

Việt Nam đang tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước, khu vực, trong đó có những hiệp định với độ mở rất lớn như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sắp tới là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Đây là cơ hội rất lớn cho hàng nông sản Việt Nam tiếp cận và chiếm lĩnh những thị trường mới. Tuy nhiên, những thị trường mới này đều có đòi hỏi rất cao về chất lượng và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Bởi thế, nếu không cải tổ phương thức sản xuất nông nghiệp và phát triển dịch vụ logistics, nông dân Việt Nam cũng không thể tận dụng tốt nhất những cơ hội to lớn này, giống như người đi xe đạp thì không thể tham gia giao thông trên đường cao tốc vậy.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc