Kinh tế tư nhân và những rào cản cần tháo gỡ để trở thành động lực quan trọng
EmailPrintAa
14:08 11/04/2017

Kế thừa tư duy khoa học và kinh nghiệm đạt được trong lãnh đạo, phát triển nền kinh tế đất nước qua các kỳ đại hội, nhất là việc phát huy vai trò của kinh tế tư nhân (KTTN), Nghị quyết Đại hội XII của Đảng khẳng định: “KTTN là một động lực quan trọng” trong sự phát triển của đất nước.

Vì vậy, Đảng ta chủ trương “khuyến khích hình thành các tập đoàn KTTN đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế Nhà nước". Để tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện cho KTTN phát triển, thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế, Đại hội XII của Đảng xác định giải pháp quan trọng, hàng đầu là: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích”, “Hoàn thiện chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp”. Quan điểm này của Đại hội XII không chỉ là một sự xác nhận vai trò mới của KTTN mà còn mở ra những cơ hội mới để thành phần kinh tế này phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm sắp tới.

 
Ảnh minh họa.  

Từ quan điểm đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách lớn nhằm hỗ trợ cho khu vực KTTN phát triển. Các ngành, các địa phương thực hiện nhất quán chính sách đối với KTTN, tạo lập môi trường và điều kiện thuận lợi, an toàn, tin cậy, hấp dẫn thu hút các nguồn đầu tư của KTTN (cả trong và ngoài nước) để thúc đẩy phát triển sản xuất, CNH-HĐH, tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội theo phương hướng và mục tiêu xác định. Các quan điểm và chính sách của Đảng, của Chính phủ được bổ sung, hoàn chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội từng giai đoạn, có tác động tích cực tới sự phát triển của khu vực KTTN. Nhờ sự khơi thông về mặt lý luận và mở đường về đường lối, cơ chế, chính sách mà KTTN nước ta vốn có sức sống bền bỉ, năng động và phát triển với tốc độ khá cao, trở thành một trong những lực lượng kinh tế chủ yếu của nền kinh tế quốc dân. Nhờ đó, vai trò động lực của KTTN ở Việt Nam ngày càng được thể hiện rõ nét. Sự phát triển của KTTN trở thành một đối chứng hiện thực năng động thúc đẩy các khu vực kinh tế khác phấn đấu vươn lên tự đổi mới, tự hoàn thiện và nâng cao hiệu quả trong nền kinh tế thị trường. KTTN ngày càng chứng tỏ là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân.

Tính đến cuối năm 2015, cả nước có hơn 500.000 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động, đóng góp 30% ngân sách, 40% GDP. Tỷ trọng đóng góp vốn đầu tư của khu vực KTTN tăng mạnh, chiếm hơn 2/3 tổng vốn đầu tư xã hội. Khu vực kinh tế này hiện giải quyết cho 4,72 triệu lao động có việc làm thường xuyên, chiếm 57,1% tổng số việc làm của khu vực doanh nghiệp, bình quân mỗi năm tăng thêm 8,7% lao động. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã phát triển mạnh mẽ và thành lập tập đoàn kinh tế, tạo dựng được thương hiệu có uy tín trong nước và quốc tế.

Nhìn chung khu vực KTTN đã và đang có vai trò ngày càng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội trên tất cả các ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, cả về mặt kinh tế và văn hóa, cả trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, khu vực KTTN vẫn còn tồn tại nhiều yếu kém, thách thức trong quá trình phát triển. Trong đó, “rào cản” lớn nhất là những vấn đề chưa thực sự rõ ràng trong lý luận và quan điểm về vai trò của khu vực KTTN, khiến hệ thống cơ chế, chính sách tạo lập môi trường kinh doanh chưa được hoạch định đồng bộ, triển khai thiếu nhất quán; tình trạng phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp thuộc các khu vực kinh tế sở hữu khác nhau vẫn tồn tại, trong đó doanh nghiệp Nhà nước được dành nhiều ưu đãi hơn so với doanh nghiệp tư nhân.

"Rào cản" thứ hai là hệ thống thể chế chính sách chưa đồng bộ, đặc biệt là chính sách tín dụng, đất đai và đào tạo nguồn nhân lực. Về chính sách tín dụng, những hạn chế trong tiếp cận các khoản vay tín dụng đối với các doanh nghiệp khu vực KTTN chủ yếu liên quan đến: Sự sẵn sàng cho vay của ngân hàng đối với doanh nghiệp và khả năng các doanh nghiệp khu vực KTTN đáp ứng được những yêu cầu, thủ tục vay vốn khác nhau của các ngân hàng. Vẫn còn tồn tại dai dẳng sự ưu tiên từ các ngân hàng thương mại nhà nước dành cho các doanh nghiệp Nhà nước vay vốn do những mối quan hệ đã có từ lâu. Về chính sách đất đai, KTTN vẫn khó khăn trong tiếp cận mặt bằng do một số địa phương chưa có quy hoạch ổn định, nên khó tìm được địa điểm thuê phù hợp, giá thuê đất thường cao, trường hợp sử dụng đất tự có, đất mua lại thường gặp khó khăn, thiệt thòi trong việc chuyển mục đích sử dụng đất. Về chính sách hỗ trợ, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hệ thống đào tạo nghề lạc hậu, chương trình đào tạo được thiết kế dựa theo năng lực của trường, mà không theo nhu cầu xã hội, nặng về giải ngân ngân sách nhà nước để hoàn thành kế hoạch, chạy theo số lượng chứ không coi trọng chất lượng, nên không đáp ứng được yêu cầu phát triển của doanh nghiệp cả về ngành nghề và chất lượng, khiến kinh phí ngân sách bị sử dụng lãng phí, doanh nghiệp tốn chi phí phải đào tạo lại.

Thứ ba là những trở ngại xuất phát từ tồn tại, yếu kém trong nội tại doanh nghiệp khu vực KTTN. Các doanh nghiệp khu vực KTTN nói chung còn thiếu chiến lược và kế hoạch đầu tư phát triển dài hạn một cách hợp lý, thường tìm kiếm cơ hội đầu tư vào lợi ích ngắn hạn. Tính liên kết giữa các khu vực KTTN còn yếu, tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân có quan hệ làm ăn với các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Nhà nước rất thấp, tương ứng chỉ có 6,9% và 15%. Các doanh nghiệp tư nhân còn yếu kém về quản trị công ty, trình độ công nghệ và hạn chế về chất lượng nguồn nhân lực, cũng như khả năng tiếp cận thị trường... Chính những "rào cản" nêu trên hạn chế rất lớn đến sự phát triển của khu vực kinh tế này.

Để phát huy hơn nữa vai trò của KTTN theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; để KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, Nhà nước cần tiếp tục bảo đảm quyền tự do kinh doanh theo pháp luật, bảo hộ quyền sở hữu tài sản hợp pháp của công dân, tuân thủ các nguyên tắc về thông lệ quốc tế, đặc biệt là các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; đổi mới phương thức quản lý kinh tế của Nhà nước theo hướng tạo điều kiện cho mọi doanh nghiệp được tự do kinh doanh theo pháp luật, bình đẳng, cùng có lợi, nhất là trên những định hướng ưu tiên của Nhà nước, kết hợp hài hòa các lợi ích kinh tế-chính trị-xã hội và môi trường; nghiên cứu đề ra các chính sách hỗ trợ, trong đó tập trung giải quyết các khó khăn của khu vực KTTN về đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, vốn, năng lực khoa học-công nghệ và thị trường...

Nhà nước cần cải cách thể chế mạnh mẽ, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch. Thể chế kinh tế cần đổi mới với ba cấu thành, gồm: Các thể chế kinh tế tương thích và tuân thủ các cam kết hội nhập quốc tế (điều chỉnh, hoàn thiện pháp luật kinh tế phù hợp với các cam kết hội nhập); các thể chế phòng vệ nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng, giảm các tác động không thuận lợi khi thực hiện các cam kết hội nhập (chống độc quyền, bảo vệ cạnh tranh lành mạnh, tiêu chuẩn công nghệ-môi trường, hỗ trợ các đối tượng dễ tổn thương...); các thể chế hỗ trợ để tranh thủ cơ hội, lợi ích của hội nhập quốc tế (khuyến khích cạnh tranh, sáng tạo, đổi mới công nghệ...).

Ở góc độ cụ thể hơn, để phát huy vai trò kiến tạo, Nhà nước cần xây dựng, triển khai các công cụ quản lý và hỗ trợ mới đối với khu vực KTTN, chuyển từ mục đích “quản chặt” sang “hỗ trợ” doanh nghiệp bằng định hướng chính sách, thông tin thị trường và những khuyến khích tài chính cũng như tinh thần theo ngành, sản phẩm, địa bàn, chứ không theo từng doanh nghiệp, dự án cụ thể hoặc tính chất sở hữu; tiếp tục đẩy mạnh cải cách nền hành chính quốc gia, đặc biệt coi trọng cải cách thủ tục hành chính, xây dựng bộ máy quản lý Nhà nước trong sạch, nâng cao trình độ nắm và thi hành pháp luật của đội ngũ công chức quản lý Nhà nước có liên quan trực tiếp đối với KTTN, bảo đảm cho các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở thực sự là chỗ dựa vững chắc và là người hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, kiểm soát “thân thiện” đối với KTTN.

Cần xây dựng hệ thống thông tin, phân tích và dự báo các xu hướng thị trường, cung cấp thông tin và các dịch vụ về pháp lý, thương mại, thị trường, các thông lệ và tiêu chuẩn xuất khẩu quốc tế, hỗ trợ xây dựng thương hiệu và đăng ký thương hiệu cho doanh nghiệp tư nhân... Đồng thời cần có những chương trình giáo dục, đào tạo khoa học và công nghệ, cũng như có chế độ khen thưởng thích đáng kịp thời để động viên, khuyến khích, tôn vinh và nhân rộng các điển hình của hoạt động KTTN trong nền kinh tế thị trường...

Với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của KTTN, sẽ ngày càng xuất hiện nhiều hơn các hiện tượng phá sản, giải thể, chia tách, sáp nhập, mua bán, chuyển nhượng lại các doanh nghiệp, các cổ phần, cổ phiếu doanh nghiệp, thậm chí là hiện tượng độc quyền KTTN của các doanh nghiệp... ảnh hưởng đến đời sống kinh tế-xã hội của địa phương và đất nước. Bên cạnh đó, tranh chấp kinh tế, thương mại, lao động và các dạng tội phạm trực tiếp phát sinh từ toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng sẽ gia tăng với mức độ nhiều hơn và phức tạp hơn. Điều này đòi hỏi những giải pháp phòng ngừa và xử lý nhanh, hiệu lực, hiệu quả và mang tính bao quát của nền hành chính Nhà nước. Do vậy, Nhà nước cũng cần phát triển hệ thống an ninh xã hội, hệ thống phòng ngừa rủi ro, cảnh báo sớm các nguy cơ và giải quyết kịp thời các chấn động kinh tế-xã hội do quá trình thúc đẩy phát triển KTTN và hội nhập kinh tế quốc tế gây ra.

Theo qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc