Kinh tế vĩ mô ổn định, GDP tăng trưởng tốt
Theo đánh giá của các chuyên gia trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019. Đặt trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới mới thấy rõ những kết quả mà Việt Nam đạt được rất đáng khích lệ. Theo đó, Việt Nam vẫn rất thành công trong kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá hối đoái và cán cân thanh toán, những yếu tố quan trọng giúp duy trì sự ổn định của kinh tế vĩ mô.
Từ kết quả thống kê của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và báo cáo của Chính phủ do Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trình bày trước Quốc hội tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ bảy cho thấy: Năm 2018, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,54% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra khoảng 4%; lạm phát lõi chỉ tăng 1,48% so với cùng kỳ năm trước. Có được kết quả này là do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã chủ động điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng, giảm tỷ lệ tăng trưởng tín dụng và cung tiền, làm giảm áp lực tổng cầu lên lạm phát; các bộ, ngành nỗ lực bảo đảm thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD), giúp nguồn cung hàng hóa dồi dào, đồng thời tăng cường các biện pháp quản lý để ngăn chặn hiện tượng tăng giá do yếu tố tâm lý và kiểm soát chặt diễn biến giá cả của các mặt hàng thiết yếu.
Chế biến cá tra phi lê xuất khẩu. Ảnh: TTXVN
Cùng với đó, việc giữ tỷ giá VND/USD chỉ tăng khoảng 2,6% trong năm 2018 được đánh giá là một điểm rất tích cực của Việt Nam. Đồng thời, nhờ kịp thời mua ròng USD trong năm 2018 và đầu năm 2019, NHNN Việt Nam đã duy trì mức dự trữ ngoại hối ở mức khá cao. Cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục thặng dư 6,8 tỷ USD trong năm 2018-đạt mức cao kỷ lục và cao hơn nhiều so với mức 2,91 tỷ USD của năm 2017. Đó là những điểm rất thuận lợi để Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách ổn định tỷ giá, góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong khi dòng vốn quốc tế có nhiều biến động với xu hướng dịch chuyển khỏi các thị trường mới nổi, năm 2018, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam. Tính đến hết năm 2018, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 35,47 tỷ USD; vốn FDI giải ngân đạt 19,1 tỷ USD.
Tiếp nối năm 2018, những tháng đầu năm 2019, tình hình kinh tế vĩ mô nước ta tiếp tục duy trì được sự ổn định. CPI tháng 4-2019 tăng 0,31% so với tháng trước, bình quân 4 tháng đầu năm 2019 tăng 2,71% so với cùng kỳ năm 2018-mức tăng bình quân 4 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm gần đây. Lạm phát cơ bản tháng 4-2019 tăng 0,09% so với tháng trước và tăng 1,88% so với cùng kỳ, bình quân 4 tháng tăng 1,84% so với bình quân cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2019 đạt 78,8 tỷ USD, xuất siêu 711 triệu USD. Vốn FDI tính đến 20-4-2019 đạt mức cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Cụ thể, vốn đăng ký và tăng thêm đạt 7,5 tỷ USD, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm 2018; vốn thực hiện ước đạt 5,7 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018. Đến hết tháng 4-2019, đồng tiền Việt Nam vẫn được đánh giá là đồng tiền ổn định và ít biến động nhất trong khu vực, chỉ giảm nhẹ 0,3% so với đồng đô la Mỹ.
Năm 2018 ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế của nước ta cao ở mức kỷ lục trong vòng 10 năm trở lại đây, với mức tăng cả năm đạt 7,08%. Tăng trưởng GDP quý I-2019 đạt 6,79%. Với mức tăng trưởng này, nếu các quý còn lại trong năm đều đạt mục tiêu đề ra, tăng trưởng cả năm sẽ đạt chỉ tiêu Quốc hội giao là từ 6,6 đến 6,8%.
"Nói chung, chúng ta có được những mảng sáng là chính", Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình nêu ý kiến như vậy khi đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội (KT-XH) năm 2018 và những tháng đầu năm 2019.
Vẫn còn rủi ro tiềm ẩn
Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta cũng còn tiềm ẩn những yếu tố rủi ro. Kết quả thặng dư thương mại có được chủ yếu nhờ xuất khẩu tăng mạnh ở các mặt hàng điện tử, máy tính; linh kiện, điện thoại và linh kiện, máy móc thiết bị-những mặt hàng chủ yếu do khối doanh nghiệp FDI sản xuất. Điều này cho thấy sự phụ thuộc của hoạt động xuất khẩu vào khu vực doanh nghiệp FDI. Chỉ số giá tiêu dùng và lạm phát chịu sức ép tăng do tác động của việc tăng giá điện, xăng dầu và giá một số dịch vụ công. Áp lực biến động tỷ giá cũng không nhỏ khi Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang căng thẳng thương mại, đẩy áp lực giảm giá đồng nội tệ của Trung Quốc lên cao, đồng thời cũng đẩy áp lực giảm giá đồng nội tệ của các quốc gia khác để tăng khả năng cạnh tranh, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai rất khó dự đoán, dịch bệnh nguy hiểm cũng không loại trừ khả năng gây ảnh hưởng tới hoạt động SXKD, đặc biệt là trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Bởi vậy, nếu không đề cao tinh thần quyết tâm, nỗ lực cao của cả hệ thống chính trị, việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển KT-XH trong năm 2019 sẽ rất khó khăn.
"Rõ ràng, hiện nay đang tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao bởi giá xăng dầu thế giới vừa rồi tăng; vàng, USD mấy ngày gần đây tăng; lương thực, thực phẩm cứ sau một số năm lại tạo ra mặt bằng mới", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định phân tích về nguy cơ tiềm ẩn tác động lên lạm phát nước ta trong năm 2019.
Khó khăn còn nhiều, rủi ro tiềm ẩn còn lớn, nhưng với tinh thần nỗ lực cao nhất để đạt và vượt cả 12 chỉ tiêu mà Quốc hội giao, bước vào năm 2019, Chính phủ xác định phương châm hành động với 12 chữ: "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả"; tìm mọi cách để nới rộng dư địa cho điều hành vĩ mô và thúc đẩy SXKD phát triển.
Việc nới rộng dư địa điều hành chính sách vĩ mô đã và đang được Chính phủ thực hiện rất thành công. Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đang cố gắng hết sức để tạo thêm dư địa thúc đẩy phát triển KT-XH thông qua việc cải cách hành chính, cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là thủ tục kiểm tra chuyên ngành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp phát triển SXKD. Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm tổ trưởng luôn hoạt động rất tích cực. Trong hầu hết các cuộc họp triển khai, kiểm tra và đốc thúc các nội dung công việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đều nhấn mạnh quan điểm: Cải cách hành chính, cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính chính là dư địa để phát triển KT-XH.
Để kết nối các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết: Bộ KH&ĐT đang trình các cơ quan có thẩm quyền về đề án định hướng lại việc thu hút FDI, trong đó có đưa ra một số chính sách gắn với ưu đãi để khuyến khích họ kết nối với doanh nghiệp trong nước. Đồng thời thúc đẩy chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tự nâng cao trình độ, năng lực tiệm cận với tiêu chuẩn và năng lực của doanh nghiệp nước ngoài.
Với sự điều hành quyết liệt, chủ động, sáng tạo và hiệu quả của Chính phủ, đặc biệt là nỗ lực cải cách hành chính, cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho SXKD; với sự đồng hành và ủng hộ của Quốc hội thông qua việc xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng và giám sát việc thực hiện, tin rằng, 12 chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2019 sẽ được cán đích thành công.
Nguồn: qdnd.vn
Tin mới cập nhật
- Chú trọng phát triển trí tuệ thông minh, cơ sở dữ liệu, nền tảng để bứt phá tới tương lai ( 23/01)
- Chính phủ ban hành Nghị quyết về giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025 ( 16/01)
- Ngoại giao kinh tế đâu phải vì mục tiêu viển vông! ( 14/01)
- 10 sự kiện nổi bật của ngành Tài chính năm 2024 ( 31/12)
- Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp để năm 2025 tăng trưởng kinh tế hai con số ( 29/12)
- Triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp để "cả hai cùng thắng" ( 17/12)