Kinh tế Việt Nam tăng trưởng tích cực và đồng đều
EmailPrintAa
14:49 03/07/2018

Trong nửa đầu năm 2018, bất chấp nhiều động thái đáng quan ngại của tình hình kinh tế và chính trị thế giới, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng tích cực và đồng đều, với một số điểm nhấn nổi bật sau:

GDP tăng cao nhất so với cùng kỳ 7 năm qua

GDP quý I tăng 7,45%; quý II tăng 6,79% và 6 tháng qua ước tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất 7 năm qua. Đặc biệt, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,93%, trong đó ngành nông nghiệp tăng cao nhất 6 năm qua và riêng sản lượng thủy sản ước tăng 5,7%, còn xuất khẩu cá tra tăng 17,3% nhờ mở rộng thị trường xuất khẩu sang Thái Lan, Singapore, Philippines và Trung Quốc. Khu vực dịch vụ tăng 6,90% (cao nhất 7 năm qua). Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,07%, trong đó, ngành công nghiệp tăng 9,28% (riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,02% cao nhất trong 7 năm gần đây), dù ngành khai khoáng giảm 1,3%. Chỉ số sản xuất công nghiệp của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân là 63,4%, là mức tồn kho thấp nhất những năm qua. Tổng thu ngân sách Nhà nước đến thời điểm 15-6-2018 ước bằng 44,1% và tổng chi ngân sách Nhà nước ước bằng 38,5% dự toán năm.

Ảnh minh họa: vov.vn

Doanh nghiệp (DN) tiếp tục tăng cả về số lượng và quy mô vốn

Cả nước có 64.531 (tăng 5,3%) DN đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là 649 nghìn tỷ đồng (tăng 8,9%). Vốn đăng ký bình quân đạt 10,1 tỷ đồng/DN, tăng 3,4%. Vốn đầu tư tăng thêm tới 1.192,2 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, có 16.449 DN quay trở lại hoạt động, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.

Số DN thành lập mới tại các vùng trong cả nước đều tăng, với mức cao nhất là vùng Đồng bằng sông Hồng (tăng 34,4%) và thấp nhất là vùng Tây Nguyên (tăng 1,4%). Theo kết quả điều tra DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thì có 82,6% số DN có tình hình sản xuất kinh doanh quý II-2018 tốt hơn quý trước hoặc ổn định. Có 88,5% DN đánh giá xu hướng Quý III-2018 sẽ tốt lên hoặc sẽ ổn định so với quý II-2018. Tuy nhiên, số DN tạm ngừng hoạt động hoặc phá sản trong 6 tháng đầu năm 2018 là 52.803 DN, tăng tới 39,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó 32% số DN gặp khó khăn về tài chính hoặc không tuyển được lao động theo yêu cầu; 26,9% DN phàn nàn lãi suất vay vốn cao.

Xuất siêu hàng hóa và nhập siêu dịch vụ

Kim ngạch xuất khẩu, nhất là một số mặt hàng chủ lực, tiếp tục tăng khá, cả nước đạt 113,93 tỷ USD, tăng 16% (trừ yếu tố giá, tăng 15,2%), trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 19,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt tăng 14,5%, nhưng chiếm 71% tổng kim ngạch xuất khẩu. Hiện có 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Đặc biệt, xuất khẩu rau quả tăng vững chắc, với mức đạt 2 tỷ USD, tăng 20,9%; tức bằng cafe và vượt xuất khẩu gạo, hạt điều, cao su, hạt tiêu và xuất khẩu dầu thô cùng kỳ so sánh. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt 21,5 tỷ USD, tăng 9,2%.

Tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 111,22 tỷ USD, tăng 10% (trừ yếu tố giá, tăng 8,9%), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập 46,01 tỷ USD, tăng 12,9%; có 23 mặt hàng ước tính kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 1 tỷ USD, chiếm 82% tổng kim ngạch nhập khẩu. Cả nước xuất siêu từ tháng 1 đến tháng 4, nhưng đã bắt đầu nhập siêu trong tháng 5 và tháng 6-2018. Tính chung 6 tháng qua xuất siêu hàng hóa 2,71 tỷ USD (khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,94 tỷ USD). Nhập siêu dịch vụ trong 6 tháng là 1,3 tỷ USD, bằng 18% kim ngạch xuất khẩu dịch vụ. Việt Nam tiếp tục nhập siêu lớn từ Hàn Quốc (đạt 22,5 tỷ USD), từ Trung Quốc (đạt 14,5 tỷ USD); thị trường ASEAN (đạt 3,1 tỷ USD); Nhật Bản (đạt 0,2 tỷ USD). Trong khi đó, Việt Nam xuất siêu sang Mỹ (đạt 15,9 tỷ USD), EU và một số nước châu Âu khác ngoài EU.

Thu hút FDI tăng khá mạnh về vốn thực hiện và vốn góp, mua cổ phần

Tính đến 20-6, cả nước có 1.366 dự án cấp phép mới, tổng vốn đăng ký đạt 11.799,8 triệu USD, tăng 15,5% về số dự án và giảm 0,3% về vốn đăng ký; có 507 lượt dự án tăng vốn đầu tư đạt 4.434,2 triệu USD, giảm 13,8%. Riêng FDI thực hiện ước đạt 8,37 tỷ USD, tăng 8,4%. Đặc biệt, có 2.749 lượt góp vốn, mua cổ phần là 4,1 tỷ USD, tăng 82,4%.

Đặc biệt, lần đầu tiên từ trước đến nay vốn FDI trong kinh doanh bất động sản là lớn nhất về tỷ trọng vốn đăng ký mới, đạt 4.971,1 triệu USD, chiếm 42,1% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 4.098,4 triệu USD, chiếm 34,7%. Điều này cho thấy, ảnh hưởng trực tiếp của chủ trương thành lập đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2016 của Quốc hội…đã tác động rõ rệt đến luồng vốn FDI vào khu vực bất động sản nước ta thời gian qua.

Thị trường tài chính-tiền tệ ổn định dù sức ép lạm phát tăng

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện (theo giá hiện hành) ước đạt 747,6 nghìn tỷ đồng và bằng 32,9% GDP, tăng 10,1%. Dư nợ tín dụng tăng 6,35%, thấp hơn mức tăng GDP, cho thấy sự tăng trưởng kinh tế không còn phụ thuộc chủ yếu vào tăng trưởng vốn, tức hiệu quả đầu tư xã hội đang được cải thiện. Hệ thống ngân hàng có thanh khoản cao. Nợ xấu nội khối chỉ còn dưới 2,81% (cuối quý I-2018). Mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6%-9%/năm đối với ngắn hạn; 9%-11%/năm đối với trung và dài hạn. Cơ cấu tín dụng tiếp tục theo hướng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, thận trọng cho vay đối với lĩnh vực bất động sản và tiêu dùng...

Đáng lưu ý là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6-2018 tăng 0,61% so với tháng trước (cao nhất trong 7 năm qua; tăng 2,22% so với tháng 12-2017; tăng 4,67% so với cùng kỳ năm trước và CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2018 tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. Lạm phát cơ bản tháng 6-2018 tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 1,37% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2018 tăng 1,35% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.

Áp lực lạm phát tăng do tăng giá dịch vụ công (y tế, học phí..); tăng giá xăng dầu thế giới, tăng lương tối thiểu và tăng trưởng tín dụng, phương tiện thanh toán và lạm phát ngoại nhập...

Giá vàng trong nước biến động cơ bản phù hợp theo giá vàng thế giới (tháng 6-2018 giảm 0,79% so với tháng trước; tăng 2,08% so với tháng 12-2017 và tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước). Nhờ áp dụng tốt chính sách tỷ giá trung tâm, Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 6-2018 chỉ tăng 0,46% so với tháng 12-2017 và tăng 0,52% so với 6-2017.

An sinh xã hội được quan tâm

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi tăng dần (quý I-2018 là 1,52%; quý II ước tính là 1,50%) và tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 0,64%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 1,95%, tức cao hơn đô thị. Cả nước có 94 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 39,6% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 373,9 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 41,5%.

Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm, thực hiện đồng bộ từ Trung ương tới địa phương. Các tổ chức từ Trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 6,9 nghìn tấn lương thực. Tổng các suất quà trao tặng cho các đối tượng chính sách, người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội là 3,6 nghìn tỷ đồng và  có 21,7 triệu thẻ bảo hiểm y tế, sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí…

Với đà tăng trưởng như hiện nay, mục tiêu tăng trưởng kinh tế hơn 6,7% trong năm 2018 là có thể đạt được.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc