Kinh tế Việt Nam vững vàng “vượt ải” Covid-19
EmailPrintAa
15:34 07/10/2020

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III-2020 tăng 2,62%, sau khi chỉ tăng 0,39% trong quý II cho thấy đà phục hồi của nền kinh tế.

Việc hoạch định chính sách hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 giúp Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm quốc gia tăng trưởng kinh tế tốt nhất thế giới giai đoạn hiện nay. Trong những tháng cuối năm, nền kinh tế Việt Nam cũng có những cơ hội để phục hồi, bứt tốc, phát triển.

Nhiều khu vực kinh tế lấy lại đà tăng trưởng

Quý I, kinh tế nước ta tăng trưởng 3,82%. Sang quý II, nền kinh tế “lao dốc”, tốc độ tăng trưởng chỉ còn 0,39% (do cách ly toàn xã hội). Quý III, khi dịch Covid-19 tái bùng phát trong tháng 7, các chuyên gia kinh tế lo ngại tình hình kinh tế có thể sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, quyết định chính xác của Chính phủ trong thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo hướng “khoanh vùng” nhỏ nhất có thể, còn các nơi khác phải ở trong “trạng thái bình thường mới” để phát triển, cùng với tác động tích cực từ những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân của Chính phủ đã góp phần quan trọng giúp nền kinh tế vững vàng vượt qua khó khăn.

Trong quý III, tăng trưởng GDP đạt 2,62%, đưa con số tăng trưởng của 9 tháng lên 2,12%. Đây là mức tăng thấp nhất của 9 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020. Nhưng nhìn tổng thể, trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ra một cú sốc lớn làm kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu suy thoái sâu thì việc nền kinh tế Việt Nam vẫn có tăng trưởng dương đã là kết quả đáng ghi nhận. Con số này cũng cho thấy sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong thực hiện mục tiêu kép-vừa ngăn chặn, phòng, chống dịch, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế.

Đáng chú ý, trong 3 tháng qua, các khu vực kinh tế có dấu hiệu khởi sắc hơn quý II và là động lực cho tăng trưởng kinh tế chung của đất nước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng dương 2,93%, công nghiệp và xây dựng tăng 2,95%, dịch vụ tăng 2,75%. Với mức tăng trưởng cao, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục khẳng định vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, đồng thời duy trì bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu và là cơ sở quan trọng để thực hiện mục tiêu an sinh, an dân trong bối cảnh đại dịch.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, hoạt động thương mại, dịch vụ trong tháng 9 đã tăng trưởng trở lại, thị trường hàng hóa và đời sống của người dân dần ổn định, các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố đã mở cửa trở lại. Các hoạt động kích cầu tiêu dùng, du lịch đang được triển khai quyết liệt. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9-2020 tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 4,9% so với cùng kỳ.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast, Tập đoàn Vingroup. Ảnh: LA DUY

Một điểm sáng nổi bật của nền kinh tế đó là hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục đạt mức xuất siêu lên tới gần 17 tỷ USD sau 9 tháng, mức xuất siêu này gấp 2,6 lần cùng kỳ năm 2018 và gấp 2,3 lần cùng kỳ năm 2019. Khu vực kinh tế trong nước đã trở thành động lực tăng trưởng xuất khẩu với kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 9 tháng tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 35,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. “Xuất khẩu tăng trong đại dịch chứng tỏ các nước vẫn đặt hàng hóa Việt Nam ở vị trí ưu tiên. Xuất siêu lớn còn mang lại tác động tích cực tới tỷ giá hối đoái, tới dự trữ ngoại hối trong bối cảnh Việt Nam cần có thêm nguồn lực để chuẩn bị cho phục hồi kinh tế hậu Covid-19”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.

Giải ngân vốn đầu tư công tuy chưa đạt mức kỳ vọng nhưng tốc độ giải ngân tháng 9 và 9 tháng qua đều đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020, trở thành một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê) nhấn mạnh: Giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng mới đạt gần 60% kế hoạch nhưng đã tập trung chủ yếu cho các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội trọng điểm. Khi nguồn vốn này được giải phóng có vai trò như vốn mồi thu hút nguồn vốn từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài, góp phần tăng tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội.

Nhiều cơ hội để nền kinh tế tăng tốc

Kinh tế nước ta đã đi qua "đáy" trong quý II và đang phục hồi theo hình chữ V. Nhiều tổ chức quốc tế cũng đưa ra dự báo khả quan cho sự phục hồi của kinh tế Việt Nam, nhận định Việt Nam nằm trong số ít nước tăng trưởng dương trên thế giới trong năm 2020 nhờ lợi thế kiểm soát tốt dịch Covid-19. Hầu hết các tổ chức quốc tế cũng cho rằng, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư trên thế giới và việc Việt Nam tham gia một số lượng lớn các hiệp định thương mại song phương và đa phương sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển, đặc biệt việc Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu vừa được đưa vào thực thi.

Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings vừa công bố dự báo Việt Nam đứng thứ hai ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương về tốc độ phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng do tác động của Covid-19. S&P cũng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2020 sẽ đạt 1,9% và 11,2% vào năm 2021.

Trước đó, Báo cáo cập nhật triển vọng và phát triển châu Á 2020 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá, nền kinh tế Việt Nam được dự kiến tăng trưởng 1,8% trong năm 2020 và gia tăng ở mức 6,3% trong năm 2021. Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries, nhận định: “Tiêu dùng nội địa giảm sút và nhu cầu toàn cầu suy yếu do Covid-19 đã ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam nhiều hơn dự kiến. Nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn sẽ vững vàng trong năm 2020, phần lớn là nhờ thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19. Tăng trưởng kinh tế sẽ được hỗ trợ bởi sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam, tăng cường chi tiêu công và những cải cách đang tiến hành nhằm cải thiện môi trường kinh doanh”.

Đánh giá cao về triển vọng phục hồi và phát triển của nền kinh tế Việt Nam, bà Victoria Kwakwa, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương cho rằng, Việt Nam đang có cơ hội tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu. “Đại dịch Covid-19 có thể khởi phát những thay đổi lâu dài về tổ chức và công nghệ đối với cách thức hoạt động của doanh nghiệp... Do đó, việc tái phân bổ cơ sở sản xuất, kinh doanh của các công ty đa quốc gia theo hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và việc hình thành các liên minh kinh tế mới chính là cơ hội cho các nước đang phát triển. Việt Nam nên nắm bắt tốt cơ hội này”, bà Victoria Kwakwa bày tỏ.

Nhận định về tăng trưởng quý IV và cả năm 2020, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới, nhất là nền kinh tế nước ta có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường. Song theo bà Nguyễn Thị Hương, đà tăng trưởng sẽ khá hơn trong quý IV và tăng trưởng cả năm đạt mức 2-3% là khả thi. Một trong những động lực tăng trưởng là kinh tế thế giới được dự báo đang phục hồi dần sẽ làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, kiểm soát tốt dịch bệnh là cơ sở cho kinh tế 3 tháng cuối năm phục hồi. Trong thời gian tới, cần có cơ chế, giải pháp chính sách mạnh mẽ, quyết liệt để tạo sức bật cho cả nền kinh tế, kích thích cả 3 động lực tăng trưởng chủ yếu (đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng) để phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020. Cùng với đó, bối cảnh “hậu Covid-19” và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra cơ hội thuận lợi để tái cơ cấu, chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình hướng tới tăng trưởng nhanh, bền vững.

Nguồn: Vũ Dung/qdnd.vn

( https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/kinh-te-viet-nam-vung-vang-vuot-ai-covid-19-640008 )


    Ý kiến bạn đọc