Lộ trình và giải pháp đưa công nghiệp Việt Nam phát triển bền vững
EmailPrintAa
16:51 10/05/2017

Với dân số hơn 90 triệu người, đứng thứ 13 và chiếm 1,26% dân số thế giới, đang trong thời kỳ dân số vàng, Việt Nam vừa là thị trường tiêu thụ tiềm năng, vừa là nguồn cung lực lượng lao động lớn trên thế giới.
 
Ảnh minh họa. Nguồn: vov.vn
 

Cùng với những thay đổi về tình hình phát triển của các nền kinh tế hậu khủng hoảng và sự điều chỉnh chiến lược kinh doanh, chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia, công nghiệp Việt Nam được nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước nhận định sẽ có cơ hội phát triển nhanh và trở thành điểm sáng trong khu vực.

Trong khu vực châu Á, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đang phát triển trở thành trung tâm chế tạo của khu vực và thế giới sau khoảng hai, ba thập kỷ tiến hành công nghiệp hóa. Trong hai đến ba thập kỷ gần đây, Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan cũng đã thành công trong việc đưa công nghiệp đất nước trở thành công xưởng của thế giới, nhờ đó GDP bình quân đầu người từ năm 1990 đến nay của Ấn Độ đã tăng gấp 5 lần, của Trung Quốc tăng gấp 10 lần và của Thái Lan tăng gấp 2 lần.

Việc đẩy mạnh sản xuất công nghiệp sẽ tạo cơ hội việc làm cho người dân, cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp và cơ hội nâng cao kỹ năng, trình độ kỹ thuật cho người lao động, đưa các ngành công nghiệp Việt Nam tiến lên những bậc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, việc chỉ đơn thuần dựa vào cơ hội từ bên ngoài mang lại mà không chủ động đón nhận cơ hội đó với tầm nhìn chiến lược dài hạn có thể đưa nền kinh tế trong nước vào tình trạng suy kiệt tài nguyên và sức lao động, khó bứt phá khỏi tình trạng tăng trưởng dựa trên thâm dụng lao động và dễ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Để thực sự tận dụng được cơ hội trong thời kỳ dân số vàng, tránh bẫy thu nhập trung bình và làm chủ các bậc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam cần thống nhất được tầm nhìn chiến lược, mục tiêu và các giải pháp cụ thể từ Trung ương đến địa phương, từ các tổ chức công đến khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ để tất cả các bên đồng sức, đồng lòng thực hiện mục tiêu đã đặt ra.

Trước khi đề xuất lộ trình, giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp Việt Nam bền vững, cần phân tích một số bài học rút ra từ việc phát triển ngành công nghiệp Việt Nam trong hơn 30 năm qua.

Sau hơn 30 năm đổi mới, công nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp to lớn vào công cuộc đổi mới đất nước. Cụ thể, theo số liệu tính đến điểm mốc năm 2015 của giai đoạn 2011-2015, ngành công nghiệp và xây dựng đóng góp hơn 38,5% giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tỷ trọng hàng công nghiệp xuất khẩu (nhóm nhiên liệu, khoáng sản và nhóm hàng công nghiệp chế biến) chiếm 79,38% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Sản phẩm công nghiệp phát triển ngày càng đa dạng và phong phú hơn về chủng loại, chất lượng được cải thiện, từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh, bảo đảm cung cầu của nền kinh tế, giữ vững thị trường trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Mặc dù về cơ bản đã đạt được những mục tiêu đặt ra, ngành công nghiệp cần khắc phục một số vấn đề tồn tại, hạn chế cụ thể như: Tăng trưởng ngành công nghiệp chưa thật bền vững, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp thấp, thể hiện chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành còn chậm được cải thiện. Ngành công nghiệp chủ yếu phát triển theo bề rộng, tỷ trọng gia công, lắp ráp là chủ yếu. Những công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị như nghiên cứu phát triển, thiết kế (thượng nguồn), marketing, phân phối (hạ nguồn) của nhiều ngành công nghiệp còn yếu. Công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển nên sản xuất trong nước cũng như xuất khẩu không ổn định vì phụ thuộc nhiều vào nguyên, phụ liệu đầu vào và biến động của giá cả thế giới. Năng suất lao động, trình độ quản lý chưa cao, lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp chế tạo đòi hỏi trình độ kỹ năng cao.

Về hướng đi của công nghiệp Việt Nam trong giai đoạn sắp tới có thể khái quát như sau: Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là nhóm sản phẩm cơ khí, hóa chất, điện tử viễn thông, đồng thời tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu. Tăng cường phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chú trọng phát triển công nghiệp phục vụ an ninh, quốc phòng. Từng bước phát triển công nghiệp vật liệu mới và công nghiệp môi trường. Tăng cường phát triển các ngành công nghiệp theo hướng kết hợp mô hình liên kết ngang và liên kết dọc. Điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp, bảo đảm phù hợp giữa các vùng trên toàn quốc, giải quyết tình trạng mật độ công nghiệp cao ở một số khu vực, bảo đảm cân đối và hài hòa giữa các vùng và địa phương.

Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng đã xác định trong những năm tới, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đồng thời xây dựng nền công nghiệp và thương hiệu công nghiệp quốc gia với tầm nhìn trung, dài hạn, có lộ trình cho từng giai đoạn phát triển.

Để thực hiện mục tiêu nêu trên, công nghiệp Việt Nam cần một hệ thống chính sách đồng bộ và hiệu quả. Thực tiễn cho thấy, chúng ta không thiếu chính sách. Nhưng dường như, ngoài một số ít chính sách có hiệu quả, có tác động tạo sự đột phá, thì nhiều chính sách được ban hành còn chưa kịp thời và ít tác dụng.

Giải pháp trong thời gian tới là, chúng ta cần đổi mới tư duy khi xây dựng chính sách, thay vì chủ quan tư duy theo hướng cũ là “đưa chính sách vào cuộc sống” (chính sách được soạn thảo và ban hành theo ý chủ quan của các cơ quan quản lý) thì bây giờ phải làm ngược lại, là “đưa cuộc sống vào chính sách”, tức là, trên cơ sở các định hướng và mục tiêu phát triển trong từng giai đoạn, phải xuất phát từ những đòi hỏi của cuộc sống để ban hành những chính sách phù hợp. Các ưu đãi đề xuất cần phải được cân nhắc kỹ, căn cứ vào nguồn lực, để sau khi ban hành, chính sách có thể triển khai thực hiện được.

Dưới đây là một số gợi ý về cơ chế, chính sách cần được triển khai nhằm đưa công nghiệp Việt Nam phát triển bền vững trong 20 năm tới.

Trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, cần tập trung giải quyết tình trạng “đa nhưng không tinh” của các sản phẩm chế biến, đặc biệt là vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm. Các chính sách cần tập trung hỗ trợ các nhà sản xuất đổi mới công nghệ, định hướng phát triển vào các thị trường khó tính, đòi hỏi chất lượng cao; tiếp tục đưa các dự án cơ khí nông nghiệp, cơ khí chế biến vào danh mục được hưởng ưu đãi của Chương trình cơ khí trọng điểm, nhưng cần có các chính sách hỗ trợ thực sự hiệu quả. Các hoạt động hỗ trợ khác, ngoài các hoạt động xúc tiến thương mại thông thường, còn rất cần sự trợ giúp của Nhà nước trong việc đàm phán để ký kết các hiệp định thương mại song phương và đa phương với các quốc gia, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam nói chung và hàng công nghiệp chế biến nói riêng có điều kiện thâm nhập vào thị trường thế giới; kịp thời trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp khi xảy ra các tranh chấp thương mại.

Trong lĩnh vực đầu tư, không đầu tư dàn trải vào tất cả các ngành, các lĩnh vực; tập trung tối đa vào một số ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu nhằm thúc đẩy tăng trưởng, xây dựng thương hiệu mạnh và chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và nước ngoài. Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, đổi mới công nghệ, đổi mới quản lý. Có chính sách ưu tiên thu hút những nhà đầu tư chiến lược, những dự án có quy mô lớn, công nghệ cao, công nghệ sạch, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ.

Trong lĩnh vực thị trường, cần xác định phát triển thị trường hàng hóa là yếu tố quan trọng cho sự phát triển công nghiệp, cần kết hợp cả thị trường trong nước lẫn thị trường quốc tế, đặc biệt chú ý tới việc chuẩn bị các điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp hội nhập vững vàng.

Trong lĩnh vực liên kết ngành, cần phát huy sức mạnh tổng thể của các thành phần kinh tế, khai thác mọi nguồn lực cho phát triển. Tăng cường hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành và ngoài ngành, giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, liên kết giữa các ngành để khai thác tối đa lợi thế của nhau cùng phát triển.

Trong giai đoạn tới, cần tận dụng cơ hội các Hiệp định Khu vực thương mại tự do (FTAs) mang lại để hình thành chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng mới cho các ngành chủ đạo. Thời gian vừa qua, Việt Nam đã ký kết được các FTAs với nhiều đối tác quan trọng như: EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN… Việt Nam cần nghiên cứu, rà soát lại chuỗi giá trị của một số ngành quan trọng để tận dụng cơ hội từ các FTAs mang lại hình thành nên các chuỗi giá trị mới, tăng giá trị tạo ra trong nước và cơ hội xuất khẩu. Điều chỉnh lại chiến lược thu hút FDI một cách có chiến lược, có chọn lọc hơn, hướng vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhằm tăng tỷ trọng FDI trong công nghiệp chế biến, chế tạo. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế giám sát, hỗ trợ hậu đầu tư để kịp thời điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư, tăng chất lượng, hiệu quả của các dự án FDI. Xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp trong nước thông qua các chương trình hỗ trợ, đào tạo về kỹ năng quản lý sản xuất, chương trình bác sĩ doanh nghiệp, hỗ trợ xúc tiến thương mại. Học hỏi công nghệ, trình độ kỹ thuật từ các nước tiên tiến thông qua các chương trình hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới nói chung và công nghiệp nói riêng đang phát triển mạnh mẽ, nhất là lĩnh vực khoa học và công nghệ đã có những bước tiến vượt bậc, để phát triển, các nước đi sau phải đổi mới toàn diện, sâu sắc cả nhận thức lý thuyết lẫn hành động chính sách về cơ cấu kinh tế, khoa học công nghệ, quản lý kinh tế và năng lực cạnh tranh quốc gia. Xu hướng tác động này sẽ loại trừ tức thời hoặc dần dần những công nghệ có trình độ thấp. Đó là xu hướng phát triển kinh tế chung của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam trong giai đoạn tới.

Theo Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương/qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc