Mô hình phát triển nhờ công nghệ
EmailPrintAa
16:29 10/05/2019

Hiện nay, rất nhiều câu hỏi lớn đang được đặt ra đối với đất nước ta: Làm gì để tăng năng suất lao động, thoát bẫy thu nhập trung bình? Làm thế nào để phát triển nhanh và bền vững, phát triển bao trùm? Và Việt Nam có thể trở thành nước phát triển, quốc gia hùng cường, sánh vai cường quốc năm châu được hay không? Bằng cách nào?

Những câu hỏi ấy đã được đặt ra trong diễn đàn quốc gia đầu tiên về phát triển doanh nghiệp công nghệ được tổ chức ngày hôm qua (9-5) tại Hà Nội. Tại diễn đàn này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đích danh rằng: Doanh nghiệp công nghệ là hạt nhân để thực hiện khát vọng đất nước Việt Nam “hóa rồng” vào năm 2045. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định rằng, câu trả lời chung cho những bài toán của Việt Nam, những trăn trở của Việt Nam chính là: Công nghệ.

Khách hàng trải nghiệm bàn thực tế ảo tại Diễn đàn Mô hình liên kết thúc đẩy và phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn

Hằng ngày, rất nhiều vấn đề nan giải đang làm đau đầu chúng ta: Hệ thống văn bản luật, văn bản hành chính, các loại giấy tờ liên quan tới công dân vẫn còn rườm rà, phức tạp, cái này đá cái kia, thời gian xử lý văn bản hành chính lâu, chưa minh bạch; giao thông tắc nghẽn; thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn; dùng thuốc chữa bệnh không đúng cách, còn nhiều thuốc giả trôi nổi; an ninh, an toàn trên internet ngày càng phức tạp, đầy rủi ro... Cùng với đó, dù đã có nhiều nỗ lực cải thiện nhưng năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp. Tất cả những vấn đề đó không chỉ nước ta mà nhiều quốc gia khác trên hành trình phát triển của mình đều gặp phải. Trong khi đó, tại Việt Nam, nhiều bộ, ngành, cơ quan vẫn loay hoay với các cách xử lý vấn đề theo lối tư duy xưa cũ, những cách làm thủ công, mà dường như quên mất rằng chúng ta đang ở trong thời đại cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ phát triển như vũ bão với trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, cơ sở dữ liệu khối... với sự thông minh đáng kinh ngạc. Tất cả những công nghệ đó đều sinh ra với một mục đích là làm cho cuộc sống con người trở nên tiện nghi hơn, thông minh hơn, làm được nhiều việc trong thời gian ngắn hơn, hiệu quả hơn.

Nền tảng công nghệ trên thế giới đã rất phát triển, cái chính là chúng ta cần nhanh chóng ứng dụng nó vào cuộc sống, vào nền kinh tế để giải quyết ngay những vấn đề đang đặt ra nhằm tạo ra các thành phố thông minh, xã hội thông minh, nền kinh tế thông minh và quốc gia thông minh. Các vấn đề tưởng chừng khó, tưởng chừng nan giản, nhưng với sự tham gia của công nghệ thì lại được giải quyết một cách hết sức nhẹ nhàng.

Chúng ta đang phát động phong trào khởi nghiệp sôi nổi trên cả nước, với mong muốn là càng có nhiều doanh nghiệp được sinh ra thì sẽ càng có nhiều đóng góp cho kinh tế đất nước, giải quyết công ăn việc làm, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh”. Thế nhưng, sẽ tốt hơn nhiều nếu phong trào khởi nghiệp ấy được hướng mạnh tới việc khởi nghiệp trong công nghệ, hình thành các doanh nghiệp sáng tạo công nghệ. Như thế nền kinh tế của chúng ta sẽ dần dần được thay đổi về chất, mô hình phát triển của chúng ta thay vì phát triển nhờ tài nguyên thiên nhiên, đất đai, khoáng sản... thì sẽ được chuyển sang phát triển nhờ trí tuệ, chất xám. Trước mắt, các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ ứng dụng công nghệ của nhân loại để sáng tạo ra các sản phẩm giải quyết vấn đề kinh tế-xã hội của Việt Nam. Rồi chúng ta sẽ dần hình thành nên một hệ sinh thái công nghệ, một xã hội công nghệ, một quốc gia công nghệ, là cơ sở để chúng ta nghiên cứu, phát triển các công nghệ mới đóng góp cho nhân loại, giải các bài toán toàn cầu. Mô hình phát triển của đất nước chúng ta nên là như vậy.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc