Mở rộng tín dụng, đẩy lùi tín dụng đen
EmailPrintAa
16:20 08/03/2019

Sáng 8-3, tại TP Plây-Cu (Gia Lai), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Minh Hưng, Thống đốc NHNN; Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai; đại diện lãnh đạo các sở ngành tám tỉnh (năm tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi), các tổ chức tín dụng (TCTD).

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh: Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành ngân hàng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh (SXKD) và phục vụ đời sống cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi dễ bị ảnh hưởng bởi tín dụng đen, song tình trạng tín dụng đen vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức tinh vi ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự.

Riêng với Tây Nguyên, để đáp ứng nhu cầu vốn phát triển kinh tế xã hội cho khu vực, hiện toàn hệ thống có 495 chi nhánh, phòng giao dịch đang ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh, phục vụ nhu cầu đời sống đến tận khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Dư nợ tín dụng cho khu vực Tây Nguyên đến cuối tháng 2-2019 ước đạt 325.750 tỷ đồng , chiếm 4,52% dư nợ toàn quốc; trong đó dư nợ phục vụ các nhu cầu đời sống đạt 42.282 tỷ đồng , dư nợ nông nghiệp, nông thôn ước đạt 197.123 tỷ đồng.

Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đang triển khai 19 chương trình tín dụng chính sách cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách với dư nợ tại khu vực Tây Nguyên đạt 16.353 tỷ đồng cho 525.000 hộ gia đình, chiếm 8,7% tổng dư nợ tại NHCSXH.

Tuy nhiên, khu vực Tây Nguyên có tỷ lệ hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, tình hình tín dụng đen của khu vực thời gian qua diễn biến phức tạp (đặc biệt là tại Gia Lai), trong khi người dân chưa lường hết được tác hại mà vẫn tìm đến các hình thức cho vay nặng lãi. “Do đó, để góp phần ngăn chặn và đẩy lùi nạn tín dụng đen hoành hành, tiếp theo các giải pháp đã đề ra tại Hội nghị trực tuyến ngày 26-12-2018 do NHNN tổ chức, Hội nghị ngày hôm nay các đại biểu tiếp tục bàn rất cụ thể cách triển khai các giải pháp nhằm đáp ứng đủ và kịp thời vốn phục vụ sản xuất, nhu cầu tiêu dùng cho người dân” – Phó Thống đốc Đào Minh Tú nêu rõ.

Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về hoạt động tiền tệ tín dụng ngân hàng, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng của người dân, góp phần cùng Bộ Công an và các Bộ, ngành, địa phương liên quan đấu tranh đẩy lùi tín dụng đen thông qua các giải pháp cụ thể như: hoàn thiện khung khổ pháp lý nhằm đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng của các NHTM; nghiên cứu, đề xuất Chính phủ ban hành chính sách mới về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo theo hướng mở rộng đối tượng cho vay, hạn chế các hộ dân tìm đến nguồn tín dụng đen; bảo đảm hoạt động ngân hàng đáp ứng kịp thời nhu cầu tín dụng phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương và nhu cầu tiêu dùng của người dân; phối hợp các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị xã hội đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân nắm bắt đầy đủ thông tin về chủ trương của Đảng, Nhà nước, quy định của ngành ngân hàng về các chương trình chính sách tín dụng, cách thức tiếp cận vốn vay; đồng thời cảnh báo các thủ đoạn của các đối tượng, tổ chức cho vay nặng lãi cũng như những hệ lụy nặng nề mà tín dụng đen gây ra...

Cũng theo ông Đào Minh Tú, ngành ngân hàng sẵn sàng, đã và đang vào cuộc mạnh mẽ để góp phần ngăn chặn và đẩy lùi nạn tín dụng đen theo chức năng và nhiệm vụ của NHNN. “Tuy nhiên, để đạt được kết quả cao nhất, cần có sự tham gia vào cuộc đồng bộ của các Bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội. NHNN cũng kỳ vọng rằng với những giải pháp mở rộng tín dụng của ngành ngân hàng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị sẽ giúp người dân hiểu, nhận diện và dần bài trừ nạn tín dụng đen” - Phó Thống đốc NHNN đề nghị.

Hiện nay, theo Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Nguyễn Quốc Hùng, có hai nhóm đối tượng thường tìm đến tín dụng đen. Đó là nhóm người vay sử dụng với mục đích bất hợp pháp như cờ bạc, lô đề, cá độ bóng đá …. Nhóm thứ hai là người dân có nhu cầu cấp bách nhưng chưa tiếp cận được vốn ngân hàng nên phải vay từ nguồn vốn không chính thống. Mặc dù có đến 78 ngân hàng, công ty tài chính và hàng nghìn quỹ tín dụng nhân dân cơ sở đầu tư tín dụng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng đối với người dân, doanh nghiệp, nhưng tình hình tín dụng đen vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các tỉnh khu vực phía nam và Tây Nguyên.

Để góp phần hạn chế tín dụng đen, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đặc thù trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đồng thời phát triển các sản phẩm tín dụng tiêu dùng thuận lợi, phù hợp với mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa…

Một trong những ngân hàng chủ lực triển khai các giải pháp tín dụng tại các cơ sở địa phương, Agribank nhiều năm qua đã luôn dành tỷ trọng dư nợ lớn cho khu vực nông nghiệp nông thôn, với hơn 70% tổng dư nợ. Theo Phó Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng, đến nay, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, dư nợ hộ sản xuất và cá nhân đạt hơn 700 nghìn tỷ đồng với gần 4 triệu khách hàng. Trong đó tập trung cho các ngành sản xuất, kinh doanh là 78%, tiêu dùng là 22%. Trên địa bàn năm tỉnh Tây Nguyên, Agribank đã triển khai mạng lưới giao dịch sâu rộng đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa với 137 chi nhánh và phòng giao dịch. Dư nợ cho vay đạt gần 86 nghìn tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay tiêu dùng đạt gần 15 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21% dư nợ cho vay. So với các khu vực khác, khu vực Tây nguyên là khu vực mà nguồn huy động đạt thấp, chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu vay vốn của khách hàng, hằng năm Agribank đều thực hiện điều chuyển nguồn gần 50.000 tỷ đồng tại các khu vực khác về khu vực Tây Nguyên nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân.

Nhưng do việc nắm bắt nhu cầu vay vốn cụ thể, chính đáng của người dân là khó khăn do nhu cầu của người dân thường là nhu cầu cấp bách, một số khách hàng có nhu cầu vay vốn chính đáng khó tiếp cận được vốn vay do không có nguồn trả nợ. Một số khách hàng có nhu cầu vay vốn không phù hợp theo quy định thường cung cấp thông tin không chính xác,… dẫn đến khó khăn trong việc thẩm định của Agribank. “Vì vậy, việc đẩy lùi tín dụng đen không chỉ là trách nhiệm của ngành công an, ngân hàng mà cần lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự chung tay vào cuộc của các sở ban ngành, các tổ chức chính trị xã hội” – ông Phạm Toàn Vượng cho biết.

Ngoài ra, đại diện lãnh đạo Agribank cũng đề nghị NHNN cần chỉ đạo của các ngân hàng trong hệ thống (ngoài Agribank và Ngân hàng chính sách xã hội) cùng vào cuộc nhằm đáp ứng các nhu cầu vay vốn hợp pháp, cấp thiết của người dân; có chính sách cho vay tiêu dùng riêng trong đó quy định rõ về lãi suất, tài sản bảo đảm, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng tiền vay… và có cơ chế xử lý rủi ro riêng đối với chính sách tiêu dùng nói trên.

Phó Tổng giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý cũng đề xuất Chính phủ và các Bộ, ngành chức năng xem xét, bố trí vốn từ ngân sách nhà nước theo kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 và năm 2019 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho NHCSXH; khi xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách có liên quan đến tín dụng chính sách xã hội, tính toán bố trí đủ nguồn lực và nguồn vốn cho NHCSXH để kịp thời triển khai thực hiện , bảo đảm tính hiệu lực và hiệu quả của chương trình. Chính quyền địa phương tiếp tục bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn…

Theo phản ánh của đại diện Công an tỉnh, thành phố, tín dụng đen chủ yếu xuất phát từ các nhu cầu vốn không hợp pháp lô đề, cờ bạc, cá độ... Trong bốn năm trở lại đây, trên toàn quốc đã có 7.624 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen bao gồm 56 vụ giết người, 398 vụ gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.809 vụ lừa đảo, 3.581 vụ lạm dụng tín nhiệm, 165 vụ hủy hoại tài sản…trong đó có khoảng 170 vụ lừa đảo, lạm dụng liên quan đến việc huy động vốn với lãi suất cao, với số tiền chiếm đoạt lên đến hàng nghìn tỷ đồng (vỡ nợ dây chuyền).

Nguồn: nhandan.com.vn


    Ý kiến bạn đọc