Mở rộng tín dụng song hành cùng giảm lãi suất
EmailPrintAa
16:31 21/08/2020

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành ngân hàng đang đẩy mạnh tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD), thúc đẩy phục hồi kinh tế sau dịch; đồng thời bình ổn, giảm lãi suất cho vay.

Tín dụng toàn hệ thống tăng 3,62%

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, tính đến ngày 29-7-2020, huy động vốn tăng 5,5% so với cuối năm 2019; tín dụng toàn hệ thống tăng 3,62% so với cuối năm 2019. Về hỗ trợ tín dụng, đến ngày 27-7, tất cả tổ chức tín dụng (TCTD), kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài đều vào cuộc mạnh mẽ, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 265.358 khách hàng với dư nợ 261.671 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 446.315 khách hàng với dư nợ 1.218.326 tỷ đồng. Cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ ngày 23-1-2020 đến nay đạt 1.281.941 tỷ đồng cho 267.294 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 đến 2,5% so với trước dịch. Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho 154.635 khách hàng với dư nợ 1.567 tỷ đồng, cho vay mới đối với 1.270.172 khách hàng với dư nợ 47.143 tỷ đồng.

Tư vấn cho khách hàng có nhu cầu vay vốn tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng.

Hiện nay, lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam phổ biến ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,7-4,25%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4-6,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; 6-7,3%/năm đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam phổ biến ở mức khoảng 6-9%/năm đối với ngắn hạn; 9-11%/năm đối với trung hạn và dài hạn. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với khách hàng có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh thuộc lĩnh vực ưu tiên ở mức 5%/năm. Lãi suất thị trường liên ngân hàng duy trì ổn định ở mức thấp. Đến ngày 24-7-2020, lãi suất liên ngân hàng qua đêm là 0,15%/năm; kỳ hạn 1 tuần là 0,20%/năm; kỳ hạn 2 tuần là 0,43%/năm; kỳ hạn 1 tháng là 0,54%/năm.

NHNN Việt Nam cho biết, trong thời gian tới, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trên phạm vi toàn cầu, có thể đẩy kinh tế thế giới tiếp tục suy thoái sâu cũng như tác động nặng nề đến kinh tế trong nước trên nhiều phương diện khi Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới và có độ mở kinh tế lớn (tương đương 200% GDP). Ở trong nước, chúng ta đang phải ứng phó với tình hình dịch Covid-19 có nguy cơ lây lan tại một số địa phương, trong đó có các đô thị lớn, đe dọa sức khỏe người dân và kinh tế-xã hội của đất nước. Những diễn biến này tiếp tục ảnh hưởng nặng nề đến điều hành chính sách vĩ mô nói chung và điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng nói riêng.

Nên hình thành quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia?

Trao đổi với phóng viên, bà Lê Nguyễn Hồng Phương, Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần Lữ hành Quốc tế Việt Nam Number One, chia sẻ: Trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh và nhiều yếu tố cộng hưởng, các doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng rất nhiều. Đặc biệt là các DN vừa và nhỏ (DNVVN), bởi đây là nhóm đối tượng nhạy cảm với những thay đổi của môi trường kinh doanh. Nhu cầu vốn của các DNVVN là nhiều nhưng đôi khi không phải để mở rộng kinh doanh mà cần tài chính để duy trì quy mô hoặc sự tồn tại của DN. Mặt khác, khi làm thủ tục vay vốn, các ngân hàng cũng cần bảo đảm an toàn cho khoản vay nên yêu cầu DN phải có tài sản bảo đảm, nhưng quá trình thẩm định tài sản thường mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, quá trình định giá tài sản bảo đảm thì ngân hàng thường định giá thấp hơn giá trị dự trù của DN và giá trị thị trường. Điều này dẫn đến việc tài sản bảo đảm bị định giá thấp ngay từ đầu khiến tỷ lệ tài trợ của ngân hàng thấp cũng như số vốn mà DN được cho vay quá ít.

Theo chuyên gia tài chính-ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu, hiện mức lãi suất đang thuận lợi cho việc đẩy tín dụng ra ngoài bởi cả lãi suất cho vay và huy động đều trong xu hướng giảm. Tuy nhiên, vấn đề là nền kinh tế có khả năng hấp thụ vốn hay không, bởi trong tình hình dịch bệnh, rất nhiều DN vay vốn nhưng không thể phát triển hoạt động SXKD được, dẫn đến càng vay lại càng nợ nhiều. Đối với các DN rất yếu kém thì không thể cho vay được vì nếu cho vay dưới chuẩn, trong tương lai, cái giá phải trả cho các ngân hàng sẽ là nợ xấu. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng hợp lý trong năm nay nên ở mức khoảng 7,5-10%. Trong lúc này, các DNVVN có vai trò rất quan trọng trong việc phục hồi nền kinh tế, là đối tượng cần được quan tâm hỗ trợ vay vốn. Hiện tại đã có thêm cơ chế dùng quỹ bảo lãnh tín dụng (BLTD) đễ hỗ trợ các DNVVN. Tuy nhiên, những quỹ này ở các địa phương hiện rất nhỏ nên chưa đủ khả năng hỗ trợ DN (tính đến hết năm 2019, cả nước có 28 tỉnh, thành phố có quỹ BLTD; doanh số BLTD lũy kế các quỹ ước đạt khoảng 4.346 tỷ đồng). "Do vậy, cần phải tái cơ cấu các quỹ BLTD này để trở thành quỹ BLTD quốc gia, với vốn điều lệ khoảng 10.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, có thể cho phép bảo lãnh gấp 5 lần trên vốn điều lệ, tương đương 50.000 tỷ đồng", TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với khoản vay hiện hữu và khoản cho vay mới

Từ nay đến cuối năm, Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng yêu cầu các TCTD nắm bắt, cập nhật kịp thời những thông tin chính thức về diễn biến mới của dịch Covid-19 và chỉ đạo của các cấp, ngành, địa phương để thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch; chủ động áp dụng các biện pháp ứng phó trong từng hệ thống TCTD, bảo đảm hoạt động an toàn, thông suốt, không bị gián đoạn trong mọi trường hợp. Về hoạt động tín dụng, tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực SXKD, đặc biệt là lĩnh vực ưu tiên và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân theo quy định tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNN và thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2020/TT-NHNN sau khi NHNN Việt Nam ban hành. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện của tất cả chi nhánh trong hệ thống để bảo đảm việc thực hiện Thông tư số 01/2020/TT-NHNN đúng quy định và hiệu quả. Chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để bảo đảm thanh khoản. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là tín dụng đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, dự án BOT, BT giao thông, cấp tín dụng để góp vốn, mua cổ phần và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp... Bố trí nguồn vốn cần thiết để phát triển các sản phẩm cho vay phục vụ đời sống, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân, góp phần hạn chế “tín dụng đen”. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN Việt Nam về tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lương thưởng, lợi nhuận để tiếp tục giảm lãi suất cho vay thực chất đối với các khoản vay hiện hữu và các khoản cho vay mới, hỗ trợ và đồng hành với DN, người dân vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi SXKD sau dịch. Chấp hành đúng quy định của NHNN Việt Nam về lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ. Khẩn trương xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2020 đối với các TCTD đáp ứng tốt các tỷ lệ bảo đảm an toàn và có khả năng mở rộng tín dụng nhưng không làm tăng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay.

Nguồn: Bài và ảnh: Nguyễn Anh Việt/qdnd.vn

( https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/mo-rong-tin-dung-song-hanh-cung-giam-lai-suat-632267 )


    Ý kiến bạn đọc