Môi trường kinh doanh được cải thiện về điểm số và thứ hạng
EmailPrintAa
16:25 22/01/2019

Ngày 22-1, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức hội nghị "Đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 và giới thiệu Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh".

Hội nghị nhằm chia sẻ kinh nghiệm và kết quả trong triển khai các giải pháp môi trường kinh doanh, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

5 năm qua, môi trường kinh doanh nước ta được cải thiện cả về điểm số và thứ hạng. Ảnh minh họa: baomoi.com.

Phát biểu tại hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung cho biết, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, chỉ số thanh toán điện tử và dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, mặc dù nhiều yếu tố khác đã “thăng hạng” đáng kể. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, chúng ta cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp thành lập mới; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp…

Đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết 19, theo đồng chí Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, sau 5 năm, môi trường kinh doanh được cải thiện cả về điểm số và thứ hạng, so với năm 2015, thứ hạng của Việt Nam đã tăng 21 bậc. Theo đánh giá từ cộng đồng doanh nghiệp cho thấy, 43% doanh nghiệp đánh giá có sự thay đổi tích cực về xuất nhập khẩu; đặc biệt, các địa phương có cảng biển lớn, có cửa khẩu hoặc nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đánh giá tốt hơn; thủ tục đăng ký kinh doanh cũng được đánh giá cao.

Trưởng ban Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh Nguyễn Minh Thảo thông báo kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 19.

Tuy nhiên, theo đánh giá, cũng có nhiều doanh nghiệp cho rằng, điều kiện đăng ký kinh doanh có giảm bớt nhưng số ngành nghề kinh doanh có điều kiện và đăng ký kinh doanh vẫn còn nhiều (58% doanh nghiệp có kinh doanh ngành nghề có điều kiện và tất cả các doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong xin phép kinh doanh…). Bên cạnh đó, Nghị quyết 19 chủ yếu tập trung vào các vấn đề được doanh nghiệp phản ánh thường xuyên, liên tục; các chỉ tiêu gián tiếp chưa chú trọng cải thiện; một số chỉ tiêu không có chuyển biến. Cùng với đó, vẫn còn sự phối hợp chưa chặt chẽ, chưa chủ động giữa các bộ, ngành với địa phương, doanh nghiệp…

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, tỷ trọng thanh toán không dùng tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán thấp, chỉ chiếm 11,49%; tỷ lệ sử dụng tiền mặt rất cao, chiếm gần 90% chi tiêu; trong đó 99% cho các mặt hàng dưới 100.000 đồng; gần 85% giao dịch tại ATM chỉ đơn giản là rút tiền; tỷ lệ thực hiện các dịch vụ công trực tuyến rất thấp, chỉ chưa đến 7% (chính xác là 6,98%); cổng dịch vụ công quốc gia chưa vận hành, ứng dụng được coi là chưa thuận lợi cho người dân.

Tại hội nghị, Trưởng ban Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh Nguyễn Minh Thảo nhấn mạnh 4 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019, đó là: Cải cách thực chất cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách quản lý chuyên ngành, thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công mức 4, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc