Một năm thực hiện CPTPP: Nhiều cơ hội còn bỏ lỡ
EmailPrintAa
14:34 20/03/2020

Sau hơn một năm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường trong khối ghi nhận tăng trưởng rõ rệt. Điều này cho thấy Việt Nam bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ hiệp định này để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam mới chỉ lưu tâm đến những vấn đề ngắn hạn trong CPTPP, mà chưa tận dụng hết các cơ hội.

Xuất khẩu khởi sắc nhưng doanh nghiệp vẫn còn thờ ơ

Nhìn lại một năm sau khi CPTPP có hiệu lực, đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy, hiệp định này đã và đang mở ra cơ hội cho các DN Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng của các nước đối tác. Cụ thể, năm 2019, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước CPTPP đạt 77,4 tỷ USD, tăng 3,9% so với năm 2018. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP đạt 39,5 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2018, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng: Điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị; thủy sản và dệt may. Như vậy, năm 2019, Việt Nam đã xuất siêu sang các nước CPTPP 1,6 tỷ USD. Trong khi đó, năm 2018, Việt Nam nhập siêu từ các nước CPTPP 0,9 tỷ USD. Đáng chú ý, một số thị trường mà trước đây Việt Nam chưa có quan hệ FTA như Canada và Mexico ghi nhận mức tăng mạnh ngay sau khi CPTPP có hiệu lực. Cụ thể, xuất khẩu sang Canada tăng 29,9%; xuất khẩu sang Mexico tăng 27,6%.

Cho rằng Việt Nam bước đầu tận dụng được hiệu quả các cam kết trong CPTPP để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, song Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhìn nhận: Hiện nay còn nhiều DN, kể cả cơ quan, địa phương liên quan chưa quan tâm đúng mức, chưa tận dụng được cơ hội đang có từ CPTPP. Nếu biết tận dụng tốt hơn thì tăng trưởng đạt được còn cao hơn. Báo cáo của Bộ Công Thương cũng cho biết, sau một năm thực hiện CPTPP, chỉ khoảng 40% số tỉnh, thành phố có hoạt động xuất nhập khẩu với các nước CPTPP. Thêm vào đó, nhiều tỉnh, thành phố, số lượng DN quan tâm đến việc xuất khẩu sang các nước CPTPP còn khiêm tốn. Ngoài ra, trong số các mặt hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng cao sang các nước CPTPP chưa có quan hệ FTA như Canada, Mexico thiếu vắng một số mặt hàng chủ chốt, như: Dệt may, nông sản, thủy sản… Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng cho thấy, có khoảng 86% DN đã biết hoặc tìm hiểu về CPTPP. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 1,86% DN tìm hiểu tương đối kỹ về hiệp định là con số rất khiêm tốn, ảnh hưởng lớn đến việc các DN tận dụng cơ hội từ CPTPP.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Công nghệ Năng lực Việt tại Khu công nghiệp Nam Thăng Long (Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Câu chuyện của ngành dệt may là điển hình trong việc Việt Nam đang bỏ lỡ nhiều cơ hội từ CPTPP. Dệt may được đánh giá là ngành có khả năng đẩy mạnh xuất khẩu nhờ hưởng ưu đãi thuế quan của CPTPP, song thực tế không diễn ra như mong đợi. Kim ngạch xuất khẩu năm 2019 của ngành này đạt 39 tỷ USD, thấp hơn mục tiêu đề ra. Nguyên nhân là “quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi” đối với ngành dệt may trong CPTPP hiện nay đã đánh trúng vào điểm nghẽn của ngành. Dệt may Việt Nam hiện vẫn phải nhập khẩu lượng nguyên phụ liệu quá lớn, chưa hình thành được các chuỗi cung ứng trong nước cũng như trong khối CPTPP.

Quan trọng là chất lượng thể chế và sự linh hoạt của doanh nghiệp

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Trần Thị Hồng Minh: CPTPP được kỳ vọng tạo thêm xung lực mới cho phát triển thương mại và đầu tư, đẩy mạnh hơn nữa cải cách kinh tế tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiệu quả thực thi và khả năng tận dụng những lợi ích, tiềm năng từ CPTPP còn phụ thuộc vào năng lực thể chế, năng lực cạnh tranh, khả năng thích ứng của DN trong nước. Mặc dù chúng ta đã chủ động hơn trong cải cách thể chế kinh tế, môi trường kinh doanh có những thay đổi tích cực, tuy nhiên khung khổ thể chế và pháp lý của nền kinh tế thị trường tại Việt Nam nhìn chung vẫn chưa đầy đủ và hoàn thiện, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của DN còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, so với các nước tham gia CPTPP, nước ta vẫn còn một khoảng cách về chất lượng thể chế kinh tế, thể hiện ở cả xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, xếp hạng chỉ số quản trị toàn cầu, chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục cải thiện thông qua nỗ lực tự thân và tận dụng hỗ trợ kỹ thuật của đối tác.

Ý kiến của một số chuyên gia cũng cho thấy, hiện nay, dịch Covid-19 với diễn biến trên toàn cầu khiến nhu cầu thị trường giảm mạnh. Điều này gây ảnh hưởng lớn tới một nền kinh tế có độ mở lớn hàng đầu thế giới như Việt Nam. Song, dịch bệnh rồi cũng sẽ qua đi, do vậy, bên cạnh việc nâng cao chất lượng thể chế, có ý kiến cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương triển khai các giải pháp toàn diện để hỗ trợ DN và người dân vượt qua khó khăn do dịch bệnh và chuẩn bị sẵn sàng đón nhận các cơ hội sau dịch bệnh, nhất là việc giúp DN tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA). Việc nhanh chóng tận dụng các cơ hội từ hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là động lực giúp Việt Nam nâng cao nội lực, đa dạng hóa thị trường, tránh rủi ro từ các biến động của nền kinh tế thế giới. Thực tế cho thấy, về mặt kinh tế, thị trường của các nước tham gia CPTPP có quy mô lớn với GDP của cả khối chiếm 13,5% GDP toàn cầu, bao gồm Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Điều này cho thấy, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng vượt bậc sau dịch bệnh, nếu biết tận dụng cơ hội.

Tuy nhiên, góp ý ở góc độ khác, theo Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Ngô Chung Khanh: Đối với CPTPP hay các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, chúng ta đều nhìn thấy rõ những cơ hội cho DN. Song, nếu DN vẫn thờ ơ, thiếu mặn mà thì những nỗ lực từ phía Nhà nước cũng như “muối bỏ bể”. “Có thể nói, cơ hội hay thách thức đều nằm trong tư duy và bàn tay của DN”, ông Ngô Chung Khanh nhấn mạnh.

Để tận dụng được cơ hội từ CPTPP, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật, kiến nghị bổ sung, sửa đổi các văn bản pháp luật để thực thi CPTPP. Giao các bộ, ngành, địa phương kiện toàn, nâng cao năng lực cho bộ phận phụ trách về hội nhập kinh tế nói chung và thực hiện CPTPP nói riêng, chủ động kết nối và phối hợp với đầu mối thực hiện CPTPP của Bộ Công Thương để nâng cao hiệu quả thực thi.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc