Năng động trong xuất khẩu nông sản
EmailPrintAa
16:12 28/08/2019

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính chung 8 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) nông sản của Việt Nam ước đạt 26,58 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2018. Đáng chú ý, tốc độ tăng KNXK 8 tháng của nhóm lâm sản chính tiếp tục tăng đến 18,6%. Nhờ đó, tính chung 8 tháng, ước tính nông nghiệp Việt Nam đã xuất siêu 6,04 tỷ USD (cao hơn 661,6 triệu USD so với cùng kỳ năm trước).

Có thể nói, nông nghiệp Việt Nam đạt được kết quả trên là rất khả quan trong tình hình căng thẳng thương mại trên thế giới leo thang và xu hướng bảo hộ thị trường nội địa của nhiều nước ngày càng rõ, trong đó, nông nghiệp là ngành rất nhạy cảm, rất dễ bị tổn thương. Dư địa cho tăng trưởng xuất khẩu nông nghiệp trên thế giới nhìn chung là không cao.

Ảnh minh họa

Trong hoàn cảnh đó, chúng ta mới nhận thức được những lợi ích của việc Việt Nam tích cực tham gia các hiệp định thương mại (FTA) chất lượng cao thời gian vừa qua, mà nổi bật là CPTPP và EVFTA. Nhờ đó, hàng hóa của nước ta, trong đó, nông sản có thêm nhiều cơ hội xuất khẩu. Ví dụ, quả thanh long trước kia chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc với số lượng rất lớn, nhưng đến nay thì đã có thể xuất sang Mỹ, Australia… Gần đây nhất là vải thiều Lục Ngạn, nhãn lồng Hưng Yên cũng xuất khẩu được sang các thị trường "khó tính" như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… với giá cao gấp 10-20 lần giá bán tại thị trường nội địa.

Thế nhưng trong tình hình thương mại quốc tế phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro như hiện nay thì mọi thứ có thể thay đổi rất nhanh chóng, đặc biệt đối với xuất khẩu nông sản. Do đó, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, nông sản Việt Nam càng cần tiếp tục tích cực đa dạng hóa thị trường, phân chia tương đối đều các thị trường, tránh “bỏ trứng vào một giỏ” để rồi bị lệ thuộc, sinh ra nhiều nguy cơ. Hiện nay, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam, chiếm 20,8% tổng KNXK, tiếp theo là Trung Quốc với 20,7%; EU chiếm 12%; ASEAN chiếm 9,5%; Nhật Bản chiếm 8,4%... Như vậy, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp cần tiếp tục tạo thế cân bằng KNXK nông sản, tích cực tận dụng EVFTA để đưa thêm nông sản vào thị trường EU.

Tuy nhiên, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhất là đưa thêm nông sản vào các thị trường "khó tính", tiêu chuẩn cao, không phải điều dễ dàng. Muốn đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thì ngành nông nghiệp cần phải có giải pháp để thu hẹp rồi dần loại bỏ cách làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, thu hút đầu tư của doanh nghiệp lớn, sản xuất bài bản, ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, phải hiểu rõ thị trường xuất khẩu, biết các thị trường cần gì để sản xuất đáp ứng thị hiếu của họ thay vì chỉ bán những thứ chúng ta có sẵn. Cần phải loại bỏ tư duy về các thị trường “dễ tính”. Trong xu thế hiện nay, nhìn chung, các quốc gia đều ngày càng thắt chặt những yêu cầu về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nông sản phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Vì thế, việc xuất khẩu tiểu ngạch như trước đây sẽ ngày càng khó khăn, xu thế là cần phải đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch. Các địa phương cần lưu ý vấn đề này để có chiến lược sản xuất nông nghiệp phù hợp.

Có sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao, có năng động trong việc tìm kiếm thị trường thì việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam mới bền vững, trước mắt là đạt được mục tiêu xuất khẩu 43 tỷ USD của năm 2019.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc