Ngành nông nghiệp có trách nhiệm trong “khủng hoảng thừa lợn”
EmailPrintAa
16:34 13/06/2017

Sáng 13-6, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV và tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Tại Phiên chất vấn sẽ có 4 nhóm vấn đề, kéo dài trong 3 ngày làm việc, từ ngày 13 đến ngày 15-6 và bốn Phó Thủ tướng Chính phủ cùng nhiều Bộ trưởng, Trưởng ngành tham gia trả lời chất vấn.

 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên chất vấn sáng 13-6. Ảnh:  Cổng TTĐT Quốc hội.  

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, có 68 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường, người đầu tiên đăng đàn phiên chất vấn và trực tiếp trả lời chất vấn tại nhóm vấn đề thứ nhất do các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi. Nhóm vấn đề này tập trung vào: Giải pháp đột phá và lộ trình thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong thời gian tới; Biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, phát triển nông nghiệp bền vững; Công tác bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, quản lý các hoạt động khai thác thủy sản.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nông nghiệp, nông dân và nông thôn là nhiệm vụ lớn trong quá trình phát triển kinh tế đất nước. Sau 30 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng, nền nông nghiệp sản xuất đã đáp ứng đủ nhu cầu lương thực cho 92 triệu dân và góp phần xuất khẩu quan trọng. Tuy nhiên, thực chất nông nghiệp của chúng ta dựa trên quy mô hộ sản xuất với trên 10 triệu hộ; năng suất lao động, hiệu quả kinh tế, thu nhập của người nông dân còn thấp, sản xuất kém bền vững; nông dân đứng trước rủi ro về khí hậu và thị trường. Chúng ta đang đứng trước thách thức lớn là tác động của khí hậu mà nước ta thuộc nhóm tổn thương hàng đầu. Cùng với đó, hội nhập kinh tế vừa là cơ hội, song thách thức không nhỏ. Chính vì thế, tái cơ cấu nông nghiệp, sản xuất lại cơ cấu hàng hóa theo chuỗi giá trị, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, hội nhập thành công, thúc đẩy kinh tế, đời sống nhân dân là chương trình hành động cụ thể của Chính phủ, thực hiện chủ trương tái cơ cấu kinh tế của đất nước theo tinh thần của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội. Bên cạnh những mặt đạt được, rất nhiều vấn đề đang đặt ra cần tập trung tháo gỡ với phạm vi bao trùm, cả hệ thống chính trị quan tâm. Song trước hết là trách nhiệm của Bộ NN và PTNT, phối hợp với các bộ ngành, các thành phần kinh tế, các địa phương….

 
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội. Ảnh: Cổng TTĐT  Quốc hội.  

Về chủ trương của Chính phủ khi triển khai gói tín dụng ưu đãi 100 nghìn tỷ đồng để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, theo đại biểu (ĐB) Tôn Ngọc Thạnh (Bình Phước) việc triển khai gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp, hợp tác xã khó tiếp cận được vốn do các quy định còn bất cập, phải có 3 năm hoạt động liên tục được công nhận là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn. ĐB hỏi Bộ trưởng sẽ giải quyết bất cập của các doanh nghiệp HTX thế nào và nguồn vốn ưu đãi ra sao để phát triển nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, sau khi có chủ trương của Thủ tướng, ngành nông nghiệp phối hợp với ngân hàng nhà nước để hướng dẫn các tổ chức thương mại, thực hiện, triển khai tinh thần này. Bộ Nông nghiệp đã hoàn thành các bộ tiêu chí đánh giá các nhóm sản xuất hàng hóa, các đối tượng, doanh nghiệp, HTX để hướng giảm các loại sản xuất, phân khúc sản xuất, những hướng sản xuất mà có thể chúng ta có và thị trường có tiềm năng.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) đặt câu hỏi về xây dựng quy hoạch phát triển chăn nuôi. Đại biểu cho biết, theo Quy hoạch số 24 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì tổng đàn lợn đến năm 2015 là 32,5 triệu con, đến năm 2020 là 34,4 triệu con. Nhưng theo số liệu thống kê hàng năm, thì đến năm 2015 tổng đàn lợn mới đạt 27,75 triệu con và đến tháng 10-2016 mới đạt 29,07 triệu con - thấp hơn nhiều so với quy hoạch mà thị trường đã dư thừa hàng triệu con, khiến giá lao dốc không phanh. Người chăn nuôi lúng túng trong các giải pháp giải cứu. Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, giải pháp và giải pháp của Bộ NN và PTNT về lĩnh vực này.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Sơn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, việc dư thừa thịt lợn vừa qua có 2 nguyên nhân chính. Một là sức sản xuất tăng trưởng quá nhanh trong thời gian quá ngắn; bên cạnh đó là có sự thay đổi trong cơ cấu rổ thực phẩm của Việt Nam thời gian gần đây. Theo Bộ trưởng, trước đây trong bữa cỗ, 70% là thịt lợn thì nay đã có nhiều loại thực phẩm phong phú như sữa, thịt gà, thịt bò làm cho rổ thực phẩm xuống mất cân đối, dẫn đến sức cung lớn hơn cầu rất nhiều.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng cho biết, công tác tổ chức chưa tốt, khâu tổ chức thị trường cũng là khâu yếu nhất hiện nay. “Chế biến không gắn với sản xuất, liên kết trong sản xuất thịt lợn chỉ được 20% ở khâu nuôi còn khâu chế biến kém nhất trong các ngành hàng. Doanh nghiệp có chế biến nhưng chế biến sâu thì đếm trên đầu ngón tay làm cho khâu tiêu thụ trên 90% kiểu truyền thống, thịt lợn tươi bán ở phản thịt. Do đó, phải chuyển đổi cơ cấu nhu cầu, cơ cấu tiêu dùng của xã hội”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Bộ trưởng thừa nhận tổ chức ngành hàng chưa tốt, cả nước có 3 triệu hộ chăn nuôi, quy mô nhỏ như vậy thì giá thành cao, khó kiểm soát dịch bệnh. Khâu tổ chức thị trường được đánh giá yếu nhất. “Dự đoán nhu cầu thực phẩm trước đây dựa vào tốc độ tăng trưởng nhưng chưa tính được cơ cấu tương quan của thực phẩm. Hội nhập mang đến nhiều dòng sản phẩm nhập khẩu. Chúng ta không tính kỹ được ở chỗ này. Ở đây có trách nhiệm của ngành nông nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận.

Người đứng đầu Bộ NN và PTNT cho rằng, câu chuyện khủng hoảng thừa trong ngành chăn nuôi không phải do người nông dân mà vì ngành nông nghiệp làm chưa tốt. Cho nên, Bộ đã báo cáo Thủ tướng tổng đàn lợn hiện nay quá thừa, cần cơ cấu lại và tăng chất lượng.

Tranh luận lại với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng trả lời của Bộ trưởng về căn cứ lập quy hoạch phát triển đàn lợn chưa thuyết phục và trong câu trả lời không đề cập đến vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Theo đại biểu, lập quy hoạch thời điểm đó phù hợp nhưng cơ chế thị trường thay đổi thì vai trò của Nhà nước trong bối cảnh đó như thế nào để có giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) khi tranh luận cũng nêu câu hỏi về vai trò của Bộ Công Thương, sự phối hợp của hai bộ là như thế nào? Trả lời về nội dung này, “chia lửa” cùng Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng: Khâu quan trọng nhất của sản xuất nông nghiệp cũng như sản xuất hàng hóa khác là nắm bắt nhu cầu và tín hiệu thị trường. Nông nghiệp ứng dụng cao là cần thiết, nhưng nông nghiệp hữu cơ mới là câu trả lời, mà quy hoạch phải gắn với thị trường. Tốc độ đàn lợn tăng trưởng rất nhanh, công tác thị trường chưa giải quyết được yêu cầu của sản xuất. Phải mở cửa về thị trường, chúng ta có dư địa để phát triển thị trường nhưng hàng rào kỹ thuật thì chúng ta chưa vượt qua. Quy hoạch phải tính toán lại, sự phối hợp của hai Bộ trong xây dựng nghiên cứu thị trường cần cải tiến hơn. Câu chuyện sản xuất phải đảm bảo chất lượng sản phẩm, giá thành cạnh tranh.

Thịt lợn của Việt Nam có thể cạnh tranh với thị trường lân cận, nhưng giá thành của chúng ta còn cao hơn một số quốc gia nhập khẩu vào Việt Nam. Vai trò của cơ quan nhà nước là phải định hướng được, thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp tốt hơn.

Chúng ta chưa hoàn tất thủ tục mở xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nên hơn 300 nghìn tấn lợn hơi xuất khẩu năm 2016 là tiểu ngạch, nên không bền vững. Vì thế, phải tiếp tục hoàn tất mở cửa thị trường tổ chức tái cơ cấu lại nông nghiệp đặc biệt là chăn nuôi lợn thì mới phát triển bền vững được”, Bộ trưởng Công Thương cho biết.

Bộ trưởng Bộ NN và PTNT cho biết thêm, chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao và Bộ, ngành Việt Nam vừa qua đến Trung Quốc có nhiều buổi đàm phán để phát triển thị trường cho xuất khẩu lợn và hiện nay đã có những kết quả nhất định để xuất khẩu lợn chính ngạch qua Trung Quốc trong thời gian tới…

 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thay mặt Chính phủ tham gia giải trình vào cuối phiên chất vấn buổi sáng. Ảnh: daibieunhandan.vn

 

Phát biểu tại phiên chất vấn sáng nay, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đưa ra một số giải pháp tổng thể để nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung, nhưng trong đó tập trung vào sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp. Đó là cần hoàn thiện về thể chế, chính sách pháp luật để tạo môi trường, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo động lực cho sản xuất ở các vùng chuyên canh lớn; rà soát điều chỉnh lại chiến lược quy hoạch, kế hoạch của các ngành, các lĩnh vực, các sản phẩm nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của quốc gia và của địa phương; gắn quy hoạch với nhu cầu và diễn biến của thị trường, với thích ứng biến đổi khí hậu; kế hoạch hóa đầu tư cơ sở hạ tầng vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, phân định rõ các nguồn vốn cho đầu tư hạ tầng; mở rộng và đẩy mạnh các liên kết giữa 4 nhà; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn để tạo việc làm; tăng cường nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học; tổ chức lại hoạt động thương mại; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành nông nghiệp nói chung, đào tạo, trang bị kiến thức cho người dân để người dân có đủ kiến thức và thông tin để nắm bắt được thị trường, tạo ra các sản phẩm năng suất, chất lượng, hiệu quả…

Theo qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc