Nỗ lực tăng tốc những tháng cuối năm
EmailPrintAa
17:00 03/07/2020

Ngày 2-7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương, đánh giá tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.

Tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần kiên quyết không để dịch Covid-19 quay lại nước ta, đồng thời phải thực hiện các giải pháp mạnh mẽ hơn để phát triển kinh tế. Nhiều địa phương, bộ, ngành khẳng định giữ nguyên mục tiêu kế hoạch đặt ra từ đầu năm, nỗ lực cao nhất để tăng tốc phát triển, đạt kết quả tốt nhất.

Thêm nhiều tín hiệu tích cực

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu lao đao vì dịch Covid-19, Việt Nam là một trong số ít quốc gia đạt được mức tăng trưởng dương trong 6 tháng đầu năm 2020. Các tổ chức quốc tế khá bi quan về kinh tế thế giới, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, Việt Nam tăng trưởng 2,7% năm 2020, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng 2,8% và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng 4,1%.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, mặc dù tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm 2020 của nước ta đạt thấp nhưng đã duy trì được nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm yếu tố quyết định để phục hồi và phát triển trong giai đoạn sau khi kết thúc dịch. Bên cạnh đó, huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội có xu hướng phục hồi, tính chung 6 tháng ước tăng 3,4% so với cùng kỳ. Giải ngân vốn đầu tư công tuy chưa đạt yêu cầu đề ra nhưng đã cao hơn so với cùng kỳ. Sức mua của thị trường trong nước cũng đang dần hồi phục sau khi các giải pháp kích cầu được triển khai mạnh mẽ.

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng Hải Phòng. Ảnh: TRỌNG HẢI.

Trong tháng 6-2020, tình hình phát triển doanh nghiệp ghi nhận tín hiệu khả quan. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng cao ở các ngành chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh như ngành lưu trú, ăn uống tăng 24,6%; dịch vụ việc làm, du lịch tăng 13,7%; vận tải kho bãi tăng 11,6%. Tuy nhiên, sự sụt giảm trong đăng ký doanh nghiệp đang ở mức cao. Tính chung trong 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp đăng ký mới giảm 7,3%, số vốn đăng ký giảm 19%, doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng 38,2% so với cùng kỳ. Việc hỗ trợ doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Khảo sát của Bộ KH&ĐT cho thấy, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nhu cầu về vốn bù đắp cho thiếu hụt dòng tiền do doanh thu sụt giảm, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không, du lịch, xuất nhập khẩu...

Phát huy mọi dư địa tăng trưởng

Là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng do dịch Covid-19 khi hoạt động xuất nhập khẩu gặp khó khăn, tuy nhiên, ông Đặng Xuân Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, tỉnh không điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2020. Trong 6 tháng cuối năm nay, Lào Cai sẽ thực hiện quyết liệt các giải pháp để đạt chỉ tiêu đề ra, trong đó tập trung thúc đẩy tăng năng lực xuất nhập khẩu hàng hóa tại Cửa khẩu quốc tế Lào Cai, thông thương với Trung Quốc. Lãnh đạo tỉnh Lào Cai đề nghị các bộ, ngành liên quan thống nhất với cơ quan chức năng Trung Quốc để kéo dài thời gian thông quan đến 22 giờ hằng ngày nhằm đẩy nhanh tốc độ thông quan cũng như đầu tư cho hệ thống giao thông ở cửa khẩu để nâng cao năng lực xuất nhập khẩu hàng hóa.

Mặc dù các chỉ số về tăng trưởng tổng sản phẩm, sản xuất công nghiệp, dịch vụ của tỉnh Bình Dương đều thấp hơn so với cùng kỳ, nhưng ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương khẳng định, tỉnh tiếp tục giữ mục tiêu kế hoạch năm 2020. Bình Dương đã đề ra các nhóm giải pháp và nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực. "Trong quý III-2020, chúng tôi sẽ gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng để xúc tiến đầu tư, giải quyết khó khăn vướng mắc, chuẩn bị đón làn sóng đầu tư vào Việt Nam", ông Trần Thanh Liêm chia sẻ.

Trong khó khăn, một số ngành, lĩnh vực vẫn đạt kết quả khả quan và tiếp tục tận dụng dư địa cho tăng trưởng. Ông Dương Văn Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cung cấp thông tin, doanh thu từ vụ vải thiều năm 2020 của tỉnh đạt gần 7.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, giá bán ổn định và lần đầu tiên đã xuất khẩu vải thiều chính ngạch sang Nhật Bản. Tỉnh Bắc Giang cũng quyết tâm giữ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra từ đầu năm, phấn đấu hoàn thành đạt kết quả cao nhất.

Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế chung của đất nước thời gian qua. Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, tất cả tỉnh, thành phố trên cả nước đều ghi nhận mức tăng trưởng nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm và coi đây là nền tảng trong phát triển kinh tế. Đặc biệt, hai nhóm chỉ tiêu căn cốt nhất là sản xuất lương thực và thực phẩm đều hoàn thành vượt mức, bảo đảm đủ cho cân đối lớn và dự phòng, nông dân có lãi, doanh nghiệp xuất khẩu đạt giá trị cao. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý các địa phương trong thời gian cuối năm cần chú trọng công tác phòng, chống thiên tai, bởi năm nay dự báo thời tiết bất thường, có thể xảy ra mưa lũ lớn, mùa mưa bão khắc nghiệt.

Trước khó khăn do thị trường quốc tế bị thu hẹp vì ảnh hưởng dịch bệnh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, cần đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong nước, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, ngành hàng tiếp cận thị trường. Bộ Công Thương sẽ làm việc với các địa phương, các trung tâm kinh tế lớn của đất nước và xây dựng đề án kích cầu cụ thể, tăng nhu cầu tiêu dùng trong nước, đóng góp vào tăng trưởng. Để hỗ trợ doanh nghiệp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng khẳng định Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng sẽ điều hành tiền tệ theo hướng kiểm soát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng. Thống đốc Lê Minh Hưng cam kết, hệ thống ngân hàng sẽ cung ứng đầy đủ nguồn vốn cho nền kinh tế, bảo đảm ổn định tỷ giá, triệt để tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay.

Không chùn bước, không bàn lùi trước khó khăn

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phương châm quyết liệt phục hồi tăng trưởng, tận dụng tốt cơ hội do kiểm soát tốt dịch bệnh, kiên quyết không để Covid-19 quay lại nước ta, đồng thời, phải thực hiện các giải pháp mạnh mẽ hơn để phát triển kinh tế. Trong khi cả thế giới suy thoái nặng nề, kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng và trên đà phục hồi với nhiều điểm sáng. Đây là minh chứng rõ nét của định hướng đúng và các giải pháp quyết liệt phòng chống dịch, phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời thể hiện nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.

Thủ tướng nêu rõ, tuy tăng trưởng GDP thấp nhưng trong bối cảnh hiện nay chúng ta cần bình tĩnh, chủ động, vững tin khi nhận định, đánh giá tình hình, không chủ quan nhưng tuyệt đối không được bi quan. Thủ tướng khẳng định, hội nghị xác định hai mục tiêu, thứ nhất là không để dịch Covid-19 quay trở lại, xóa thành quả mà chúng ta đã phấn đấu, không vì phát triển kinh tế mà buông lỏng biện pháp phòng, chống để dịch bệnh ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Mục tiêu thứ hai là phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm tăng trưởng và bảo đảm đời sống nhân dân.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT phải có kịch bản cụ thể cho tăng trưởng quý III và quý IV-2020, phấn đấu tăng trưởng GDP năm nay đạt mức khoảng 3-4% bởi chúng ta còn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh trên thế giới. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố hành động với tinh thần khó khăn gấp đôi thì phải phấn đấu gấp ba, không chùn bước, không bàn lùi mà phải nỗ lực tối đa để phát triển kinh tế. Cả nước chung sức đồng lòng. Các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ, hoạt động hiệu quả, có những biện pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn.

Đối với điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, cần chủ động, linh hoạt, hiệu quả hơn để kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời bảo đảm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; củng cố niềm tin nhà đầu tư. Kiềm chế lạm phát nhưng không thắt chặt tiền tệ. Hỗ trợ hiệu quả cho các loại hình doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Bên cạnh đó, chú trọng các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, bảo đảm việc làm, thu nhập của người lao động, hỗ trợ kịp thời các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Thủ tướng cho biết, thời gian tới, Chính phủ sẽ xem xét tình hình thế giới để tính toán thời điểm mở cửa trên cơ sở bảo đảm an toàn. Vì vậy, cần phát huy vai trò hệ thống y tế, các lực lượng quân đội, công an, các cấp chính quyền địa phương trong nhiệm vụ phòng, chống dịch.

Để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA, Chính phủ sẽ thành lập đoàn kiểm tra đến một số địa phương, đơn vị; kiên quyết điều chuyển vốn ngay trong tháng 8-2020, không để tình trạng trì trệ, chậm giải ngân, đơn vị nào không giải ngân được sẽ chuyển vốn cho đơn vị khác làm. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phải "xắn tay", quyết tâm vào việc, mỗi người phải hành động mạnh mẽ để đóng góp vào thành công của đất nước.

Nguồn: Đỗ Mạnh Hưng/qdnd.vn

( https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/no-luc-tang-toc-nhung-thang-cuoi-nam-625956 )


    Ý kiến bạn đọc