Phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên trong việc định hướng nền kinh tế thị trường
EmailPrintAa
14:37 08/07/2016

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã xác định phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đây là sự phát triển mới về tư duy lãnh đạo của Đảng. Qua thực tiễn đổi mới và các kỳ đại hội, nhận thức, quan điểm về kinh tế thị trường được Đảng ta bổ sung, hoàn thiện hơn.
 

 

Đến Đại hội X, Đảng tiếp tục khẳng định đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) và chỉ ra những yếu tố bảo đảm định hướng XHCN của nền kinh tế thị trường. Đại hội XI đã đưa quan điểm phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh, hình thức phân phối, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, vấn đề tạo lập đồng bộ các yếu tố, các loại thị trường vào Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đại hội XII đã có những điểm mới, xác định đặc trưng cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam như sau: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh1. Tóm lại, qua thực tiễn lãnh đạo và những thành tựu đạt được trong công cuộc đổi mới giúp chúng ta khẳng định mô hình kinh tế thị trường thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là phương tiện thực hiện thành công mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Kinh tế thị trường có nhiều mặt tích cực, tạo động lực thúc đẩy sản xuất, đáp ứng mọi nhu cầu con người, tạo ra môi trường năng động, sáng tạo, song chính cơ chế này cũng nảy sinh nhiều tiêu cực như lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền bằng mọi giá, tạo kẻ hở cho tệ tham nhũng, vun vén lợi ích cá nhân,… Những tiêu cực này ăn sâu, bén rễ, tác động lên mọi mối quan hệ xã hội, mọi giai cấp, tầng lớp, thành phần xã hội, trong đó có cán bộ, đảng viên, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống  như nhận định của Đảng đề cập trong Nghị quyết Trung ương 4:“Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”2.

Để góp phần đảm bảo tính định hướng XHCN, cán bộ, đảng viên nhận cần thức đúng các quan điểm, phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN; kịp thời nắm thông tin trên các lĩnh vực, có ý kiến phản biện kiến nghị, đề xuất với cấp có thẩm quyền những yếu kém, lỗ hổng trong công tác quản lí, những chủ trương, chính sách chưa hoàn thiện còn biểu hiện bất cập trong thực tế để nâng cao hiệu quả quản lý của nhà nước theo đúng định hướng, hạn chế những mặt trái do cơ chế thị trường mang lại. Muốn thực hiện được giải pháp này cần phải làm tốt việc giáo dục tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên, nâng cao ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, nhân cách trong sạch, giản dị không bị ảnh hưởng bởi lối sống chạy theo đồng tiền, lợi ích vật chất.

Cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân là chủ trương đúng của Đảng nhằm để khai thác triệt để mọi tiềm năng sản xuất xã hội, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, tạo ra của cải xã hội ngày càng dồi dào đóng góp vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế. Nắm bắt cơ chế, chính sách này, những cán bộ, đảng viên có vốn, có thông tin, có trình độ có thể lựa chọn phương thức sản xuất, kinh doanh phù hợp, giải quyết việc làm cho người lao động, làm giàu cho bản thân và cho xã hội trên cơ sở tôn trọng, chấp hành nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Những mô hình kinh tế  hiệu quả do cán bộ, đảng viên làm chủ là địa chỉ tin cậy để người dân học tập kinh nghiệm và nhân rộng.

Để nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, năng lực quản lý của Nhà nước nhằm phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường cần phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Đây là vấn đề không mới. Chất lượng đội ngũ cán bộ quyết định chất lượng của bộ máy. Trong nền kinh tế thị trường thì đội ngũ này chính là động lực cho tăng trưởng, phát triển vì muốn nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý kinh tế của nhà nước phải áp dụng quy trình quản lý tiên tiến, công khai minh bạch. Đây cũng là hướng đi mà nhiều nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Anh… đang tiến hành. Chẳng hạn, yêu cầu nền hành chính công vụ ở Anh đòi hỏi “Công chức phải qua thi tuyển, được tổ chức bởi Hội đồng độc lập với tiêu chuẩn cao để loại bỏ những người không có năng lực; chỉ được thăng chức dựa trên kết quả làm việc; thay đổi cách thức, tác phong, hành vi trong công việc. Yêu cầu 4 giá trị mà công chức cần có đó là chính trực, liêm chính, trung thực, khách quan trong đánh giá và không thiên vị bất cứ ai trong công việc”3. Đổi mới công vụ phải quan tâm nâng cao đạo đức công vụ. Đây là một phạm trù tương đối rộng, bao hàm đạo đức, lối sống, cách xử sự của cán bộ, công chức không chỉ trong các mối quan hệ xã hội thông thường mà còn trong phạm vi thực hiện nhiệm vụ công, đó là trong giao dịch hành chính với tổ chức, công dân. Ý thức, hành vi, phương pháp xử lý công việc chuyên môn của người cán bộ ở từng bộ phận là thước đo hiệu quả vận hành của bộ máy. Mỗi bộ phận được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ đảm bảo yêu cầu sẽ thúc đẩy cả dây chuyền hoạt động tốt và ngược lại. Chẳng hạn thái độ ứng xử thân thiện, giảm thiểu hồ sơ, thủ tục rườm rà trong giao dịch sẽ tạo thiện cảm, thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh.

Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức phải thực hiện mạnh mẽ chế độ tuyển dụng, đánh giá, đề bạt một cách nghiêm ngặt, đồng thời tiến hành cải cách chế độ tiền lương hợp lý. Đi đôi với công tác đánh giá đề bạt sử dụng phải quan tâm bồi dưỡng, đào tạo nguồn cán bộ có phẩm chất tốt, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ và tính chuyên nghiệp trong thực thi công việc, phải thu hút được người tài có năng lực quản lý, lãnh đạo tốt. Ngoài những cơ chế, chính sách của Nhà nước đòi hỏi bản thân mỗi cán bộ, công chức phải tự học tập, tự rèn luyện để nâng cao khả năng làm việc, thích ứng với yêu cầu nhiệm vụ được giao. Người cán bộ trong bộ máy hành chính ngoài năng lực quản lý, nghiệp vụ chuyên môn còn phải có tác phong đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư để thúc đẩy bộ máy cùng tiến bộ, khai thác được sự đóng góp của các thành phần kinh tế khác.

Nói tóm lại, vai trò quản lý của nhà nước để đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa trong cơ chế thị trường bằng cơ chế, chính sách mà yếu tố quyết định là con người, là đội ngũ cán bộ, đảng viên nhằm thúc đẩy bộ máy công vụ vận hành đúng hướng, tạo môi trường, động lực dẫn dắt, định hướng các thành phần kinh tế khác phát triển. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên (cả về phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn) là yếu tố hết sức quan trọng để hạn chế những mặt tiêu cực, gỡ những nút thắt, yếu tố kìm hãm, giải phóng mọi tiềm năng sản xuất xã hội.

                                                                             Phan Hương

Tài liệu tham khảo:

1. Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, trang 102.

2. Nghị quyết số 12-NQ/TW Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI): Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.

3. Tài liệu tham khảo phục vụ nghiên cứu các văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, trang 262.


    Ý kiến bạn đọc