Phát huy vai trò của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn
EmailPrintAa
19:56 24/04/2024

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự quan tâm phối hợp của chính quyền các cấp, trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh đã kịp thời tham mưu cấp ủy chỉ đạo các cấp Hội triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện các chủ trương của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Mô hình nuôi lươn trong bể Composit của hộ anh Phạm Ngọc Dung

(tại thôn Nam Bình, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà)

Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh tăng cường chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh dạy nghề, tập huấn, cung cấp kiến thức khoa học kỹ thuật cho nông dân; chú trọng khâu thực hành trong đào tạo nghề. Giai đoạn 2018 - 2023, các cấp Hội đã trực tiếp đào tạo nghề cho 2.292 lao động nông thôn, phối hợp đào tạo 14.410 lao động; tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, hướng dẫn ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn để nhân diện rộng, nổi bật là Đề án “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phát triển mô hình nuôi ong lấy mật” tại xã Cẩm Mỹ huyện Cẩm Xuyên; xây dựng 13 mô hình trồng cây ăn quả (ổi, cam, bưởi) theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, 07 mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, mô hình sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi và mô hình “5 không” tại huyện Vũ Quang…

Công tác đổi mới và phát triển kinh tế tập thể được tập trung triển khai thực hiện. Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ, hội viên, nông dân, thành viên của tổ hợp tác, hợp tác xã các kiến thức về kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể...; tổ chức rà soát đánh giá hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã do Hội thành lập. Nhìn chung, các mô hình kinh tế tập thể ở nông thôn do Hội vận động thành lập đã phát huy vai trò tập hợp, vận động hội viên, nông dân đổi mới cách nghĩ, cách làm, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ số và thực hiện liên doanh liên kết, góp phần tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho các thành viên. Hội Nông dân các cấp đã cụ thể hóa bằng các đề án, dự án gắn mục tiêu của các chương trình với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; ký kết chương trình phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm triển khai mô hình chăn nuôi lợn, trồng lúa theo hướng hữu cơ; phối hợp tổ chức tập huấn, hội thảo đầu bờ cho trên 1.380.000 lượt hội viên nông dân; vận động, hướng dẫn xây dựng được 1.543 mô hình kinh tế có hiệu quả .

Để giúp nông dân hạn chế tình trạng được mùa mất giá ”, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã ban hành Đề án “Xây dựng chuỗi cửa hàng nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2019 - 2023” ; tổ chức ký kết và triển khai thực hiện “Thỏa thuận hợp tác giữa Hội Nông dân Việt Nam và Bưu điện Việt Nam về việc Hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2025” ; thành lập các gian hàng tham gia các hội chợ, Lễ hội Cam, Festival sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh, nhằm hỗ trợ nông dân kết nối tiêu thụ nông sản. Hiện nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ thành lập được 27 cửa hàng nông sản an toàn, cập nhật thông tin 34.000 hộ sản xuất, kinh doanh, 128 sản phẩm OCOP lên lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn; đã kết nối tiêu thụ trên 2.500 tấn nông sản cho nông dân trong và ngoài tỉnh.

Các đồng chí Trung tâm Hỗ trợ nông dân Trung ương Hội tới thăm cửa hàng tiêu thụ nông sản cho nông dân tại Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh

Hoạt động của các cấp Hội Nông dân toàn tỉnh góp phần làm cho nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất tập trung, hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng; đổi mới hình thức sản xuất, thực hiện tập trung tích tụ ruộng đất và liên kết theo chuỗi giá trị. Giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích tăng từ 70 triệu đồng/ha lên trên 90 triệu đồng/ha. Ngày càng có nhiều những nông dân năng động, sáng tạo, mạnh dạn đầu phát triển sản xuất, kinh doanh, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, mở mang ngành nghề mới, khôi phục các nghề truyền thống, tạo việc làm, tăng thu nhập và tạo ra sản phẩm cho xã hội. Trong 05 năm qua, toàn tỉnh có 1.069 hộ có thu nhập từ 1 tỷ đồng trở lên, 5.889 hộ có thu nhập từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng.

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Hà Tĩnh vẫn còn một một số khó khăn, hạn chế như: Quy mô sản xuất chủ yếu là nông hộ nhỏ, phân tán, liên kết sản xuất thiếu bền vững; năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường chưa cao; công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế. Sản xuất nông nghiệp chủ yếu theo thời vụ, thu nhập thấp; một bộ phận lớn nông dân trình độ sản xuất, khả năng tiếp cận kinh tế thị trường, áp dụng khoa học công nghệ hạn chế.

Thời gian tới, các cấp Hội Nông dân tập trung tham mưu cho cấp ủy đảng và phối hợp chính quyền đề ra các chủ trương, cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”; tiếp tục tuyên truyền, phối hợp tổ chức thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Tỉnh ủy, nhất là về xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, đẩy mạnh tập trung, tích tụ ruộng đất, chuyển đổi số... Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ, hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, GlobalGAP, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, gắn với Phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững...

Dương Trí Thức (Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh)


    Ý kiến bạn đọc