Mô hình trang trại tổng hợp của H ợp tác xã Nga Hải (huyện Nghi Xuân) có tổng diện tích trên 100 ha, trong đó hơn 90 ha trồng cây lâm nghiệp, 10 ha trồng cây ăn quả, chăn nuôi và du lịch trải nghiệm
Kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã…), trong đó hợp tác xã là nòng cốt, dựa trên sở hữu của các thành viên và tập thể; tổ chức hoạt động theo nguyên tắc đối nhân, không phụ thuộc vào vốn góp; phân phối theo mức độ tham gia dịch vụ, theo hiệu quả lao động và theo vốn. Phát triển kinh tế tập thể là một trong những phương thức để giảm nghèo bền vững, là nền tảng quan trọng để đạt mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; là cơ sở để “hợp tác” trở thành văn hóa, bản sắc, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng vươn lên ở chính mỗi thành viên.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, những năm qua, kinh tế tập thể từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, đa dạng về hình thức hợp tác. Đến tháng 12/2022, toàn tỉnh có tổng cộng 3.980 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động trên các lĩnh vực (trong đó 1039 hợp tác xã, 3 liên hiệp hợp tác xã và 2.938 tổ hợp tác), giải quyết việc làm cho gần 90.000 lao động. Doanh thu bình quân: Hợp tác xã đạt 992 triệu đồng; Liên hiệp hợp tác xã đạt 21.900 triệu đồng; Tổ hợp tác đạt 392 triệu đồng. Lãi bình quân của hợp tác xã 121 triệu đồng/hợp tác xã/năm, liên hiệp Hợp tác xã 250 triệu đồng/liên hiệp hợp tác xã/năm, tổ hợp tác 60 triệu đồng/tổ hợp tác/năm.
Mô hình trồng dưa lê vàng Hàn Quốc công nghệ cao trong nhà lưới của Hợp tác xã rau củ quả và dịch vụ tổng hợp Thạch Hạ - Thành phố Hà Tĩnh
Nhìn chung, các hợp tác xã đã phát huy vai trò tập hợp, vận động bà con nông dân đổi mới cách nghĩ, cách làm, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất và thực hiện liên doanh, liên kết, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Trên một số lĩnh vực khác, các hợp tác xã đã mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều ngành nghề, phát triển kinh doanh tổng hợp, đầu tư trang thiết bị, áp dụng khoa học công nghệ cao, công nghệ số để nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, góp phần tạo việc làm cho thành viên và người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Qua 03 năm triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm, đã có 249 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao, trong đó có 105 sản phẩm/84 hợp tác xã; 23 sản phẩm /22 tổ hợp tác đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Các hợp tác xã, tổ hợp tác có sản phẩm được công nhận đều là những sản phẩm đặc trưng cho thế mạnh của mỗi vùng, địa phương trong tỉnh.
Tuy nhiên, hoạt động của kinh tế tập thể hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò của kinh tế tập thể chưa đầy đủ. Số lượng hợp tác xã trên địa bàn tỉnh nhiều, nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao. Nhìn chung, các hợp tác xã, tổ hợp tác quy mô hoạt động còn nhỏ, thiếu vốn, thiếu đất, thiếu phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả; sản xuất manh mún, liên kết lỏng lẻo. Quá trình chuyển đổi số diễn ra chậm, quy mô đầu tư nhỏ, hàm lượng công nghệ số chưa cao. Đội ngũ cán bộ quản lý đã qua đào tạo tỷ lệ còn thấp. Công tác quản lý nhà nước đối với phát triển kinh tế tập thể còn một số bất cập.
Để phát huy vai trò của kinh tế tập thể góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, các địa phương, đơn vị cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong cấp ủy, chính quyền, Nhân dân về tầm quan trọng của kinh tế tập thể. Tập trung tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã, vai trò, vị trí của kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là Nghị quyết 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nghị quyết số 51/2021/HĐND ngày 16/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn Hà Tĩnh giai đoạn 2022 -2025; Nghị quyết số 56/2021/NQ-HĐND ngày 16/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về một số chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025.
Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp và công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể. Cấp ủy các cấp cần xem việc phát triển kinh tế tập thể là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và quan trọng; chỉ đạo thực hiện nâng cao chất lượng hoạt động các hợp tác xã đã chuyển đổi và thành lập mới trên địa bàn theo đúng quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012. Cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường công tác nắm bắt, trao đổi thông tin; tích cực chủ động phối hợp tạo điều kiện giải quyết nhanh gọn các thủ tục hành chính về mặt pháp lý đối với các nhu cầu chính đáng, hợp pháp của các tổ chức KTTT. Thực hiện nghiêm túc hoạt động kiểm tra, giám sát, công tác báo cáo, sơ kết, tổng kết để kịp thời điều chỉnh hoạt động quản lý nhà nước đối với các tổ chức KTTT. Thường xuyên kiểm tra, tổng kết và tuyên truyền, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, nhất là đối với các HTX, THT làm ăn hiệu quả gắn với chuỗi giá trị bền vững.
Thứ ba, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể. Phát huy tinh thần dân chủ, tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của thành viên trong các tổ chức kinh tế tập thể. Khuyến khích mở rộng, đa dạng hóa các loại thành viên để tăng thành viên và nguồn vốn đầu tư phát triển; thực hiện hoạt động tín dụng nội bộ. Thành lập doanh nghiệp tại những tổ chức kinh tế tập thể có đủ điều kiện; khuyến khích liên kết kinh tế giữa các tổ chức kinh tế tập thể hoạt động trong cùng ngành, lĩnh vực. Tăng cường hợp tác, liên doanh, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất các sản phẩm chủ lực của tỉnh, sản phẩm OCOP,... để thu hút vốn đầu tư, khai thác công nghệ hiện đại, kỹ năng quản lý, thị trường. Hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, quản lý của các tổ chức kinh tế tập thể nhẳm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Lựa chọn các mô hình trên các lĩnh vực tham gia vào quá trình chuyển đổi số để phát triển thành các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác điển hình, hiệu quả.
Thứ tư, nâng cao chất lượng nhân lực cho khu vực kinh tế tập thể. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số, quản trị kinh doanh, quản trị tài chính, marketing cho các thành viên, quản lý tại các tổ chức kinh tế tập thể. Bồi dưỡng, tập huấn về ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới công nghệ trong quản lý, sản xuất, tiêu thụ, thông tin thị trường, kênh phân phối, xây dựng thương hiệu...
Thứ năm, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, ưu đãi nhằm phát huy hơn hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan chuyên môn phụ trách về hoạt động của KTTT có trách nhiệm tham mưu với Ban chỉ đạo kinh tế tập thể của tỉnh, huyện xây dựng phương án tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi giữa các HTX, doanh nghiệp và các ngân hàng, Sở tài nguyên, phòng tài nguyên trên địa bàn tỉnh, huyện để nắm bắt, hỗ trợ các tổ chức KTTT tiếp cận chính sách, nguồn vốn, đất đai nhất là các chính sách theo Nghị quyết 51, Nghị quyết 56 của Hội đồng nhân dân tỉnh tỉnh; Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, các nguồn lực tài nguyên, nhất là đất đai trên địa bàn tỉnh.
Thứ sáu, huy động các lực lượng xã hội, các tổ chức đoàn thể tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể. Liên minh Hợp tác xã tỉnh tăng cường, nâng cao hiệu quả đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên; thường xuyên bám sát, chủ động nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của hợp tác xã để hướng dẫn xử lý hoặc đề xuất các cấp, ngành giải quyết; đồng thời phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các đoàn thể Nhân dân thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, hội viên, thành viên tự nguyện tham gia phát triển kinh tế tập thể theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX, Nghị quyết Trung ương 5 khoá XIII. Đồng thời, huy động các nguồn lực và sự hỗ trợ của cá nhân, các tổ chức trong và ngoài tỉnh để thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tăng thu nhập cho các thành viên, thực hiện thắng lợi mực tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.
Th S . Nguyễn Thị Thảo Linh (Trường Chính trị Trần Phú )
Tin mới cập nhật
- Chú trọng phát triển trí tuệ thông minh, cơ sở dữ liệu, nền tảng để bứt phá tới tương lai ( 23/01)
- Chính phủ ban hành Nghị quyết về giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025 ( 16/01)
- Ngoại giao kinh tế đâu phải vì mục tiêu viển vông! ( 14/01)
- 10 sự kiện nổi bật của ngành Tài chính năm 2024 ( 31/12)
- Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp để năm 2025 tăng trưởng kinh tế hai con số ( 29/12)
- Triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp để "cả hai cùng thắng" ( 17/12)