Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở huyện Đức Thọ
EmailPrintAa
17:33 17/05/2022

Đức Thọ là địa phương có nhiều ngành nghề truyền thống; có Quốc lộ 8A, đường sắt Bắc - Nam đi qua, khá thuận lợi để giao thương. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Đức Thọ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, trong đó có lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Đức Thọ

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định “xây dựng và phát triển kinh tế nông thôn, trọng tâm phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ” là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm. Thực hiện chủ trương và các văn bản chỉ đạo của tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy đã kịp thời ban hành các nghị quyết chuyên đề về phát triển tiểu thủ công nghiệp, doanh nghiệp; nghị quyết về xây dựng nông thôn mới; tập trung xây dựng đề án, kế hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề đến năm 2025 và những năm tiếp theo; đề án về thực hiện ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống... Ban Thường vụ Huyện ủy đã thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát; phân công đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy làm trưởng đoàn nhằm giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện tại các địa phương, đơn vị. Cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp tăng cường chỉ đạo tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, của huyện về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình triển khai, thực hiện.

Nhờ tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, đến nay, trên địa bàn huyện Đức Thọ có 05 cụm công nghiệp đã và đang được hình thành, mở rộng: Cụm công nghiệp Thái Yên, Cụm công nghiệp huyện Đức Thọ, Cụm công nghiệp Trường Sơn, Cụm công nghiệp Lạc Thiện và Cụm công nghiệp huyện Đức Thọ 2. Trong đó, 03 cụm công nghiệp đã được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động ổn định: Cụm Công nghiệp Thái Yên có diện tích 15,25 ha, tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng; Làng nghề truyền thống Thái Yên được hình thành từ lâu với nghề sản xuất đồ mộc mỹ nghệ cao cấp tiếp tục duy trì phát triển tốt với hơn 2.500 lao động, chiếm 28% tổng số lao động sản xuất công nghiệp toàn huyện, trong đó 85% lao động thường xuyên. Nhà máy sản xuất hàng may mặc xuất khẩu APPARELTECH với diện tích 6,3 ha, vốn đầu tư 138 tỷ đồng với 1.244 lao động; Công ty cổ phần Bao bì Sông La Xanh với diện tích 2,66 ha, vốn đầu tư 94,9 tỷ đồng với 864 lao động; Hợp tác xã Bê tông Viết Hải có diện tích 3,5 ha, vốn đầu tư 94,6 tỷ đồng với 25 lao động...

Cụm công nghiệp Thái Yên

Nhìn chung, các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện đều duy trì và phát triển ổn định, giải quyết việc làm cho hàng ngàn người lao động là con em quê hương và các vùng phụ cận. Nhờ vậy, cơ cấu kinh tế của Huyện chuyển dịch theo hướng tích cực, năm 2021: Nông nghiệp 19,8%; Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp - Xây dựng 38,1%; thương mại, dịch vụ 42,1%. Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp - xây dựng bình quân hằng năm tăng 12,7%. Giá trị sản xuất năm 2021 đạt 1.480 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2020; thu nhập bình quân đầu người đạt 40,5 triệu đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế: Doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực công nghiệp quy mô nhỏ, phát triển chậm; giá trị sản xuất tăng trưởng thấp và chưa ổn định; công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật một số dự án còn chậm tiến độ...

Thời gian tới, để lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục duy trì, đạt kết quả cao, huyện Đức Thọ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đẩy mạnh hoạt động quảng bá, tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư nhằm kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ xây dựng hạ tầng đồng bộ để các doanh nghiệp, hà đầu tư yên tâm sản xuất. Có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất tại vùng quy hoạch gắn với bảo vệ môi trường. Quan tâm công tác đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề với hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với tình hình thực tế ở các cụm công nghiệp. Duy trì phát triển các ngành nghề truyền thống, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Quan tâm chỉ đạo xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các doanh nghiệp; kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Phan Thị Thanh Tâm (Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đức Thọ)


    Ý kiến bạn đọc