Phát triển kinh tế hậu Covid-19: Cần đột phá về chính sách
EmailPrintAa
15:56 02/06/2020

Hiện nay, đã có nhiều giải pháp cấp bách được đưa ra để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế thời kỳ hậu Covid-19, như: Tăng tốc đầu tư vào các dự án hạ tầng quy mô lớn, tung ra các gói cứu trợ cả về tài khóa và tiền tệ...

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, có một nguồn lực tăng trưởng quan trọng khác cần khơi thông đó chính là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế. Đây là nền tảng dài hạn để nền kinh tế gia tăng nội lực, hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững.

Nhận diện các điểm nghẽn

Sáng 1-6, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo “Nhận diện các điểm nghẽn phát triển của Việt Nam trong bối cảnh hậu Covid-19: Một số yêu cầu cải cách thể chế”. Tại hội thảo, theo các chuyên gia kinh tế, dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực tới nền kinh tế Việt Nam. Song, đại dịch Covid-19, cũng giúp Việt Nam nhận diện rõ hơn những điểm mạnh và điểm yếu của nền kinh tế, đặc biệt là cơ cấu kinh tế, khả năng chống chịu, thích ứng trước tác động lớn từ bên ngoài.

TS Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương cho rằng, đại dịch Covid-19 cho thấy, việc phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường, ở cả nguyên liệu đầu vào và khâu tiêu thụ là sự bất lợi rất lớn cho nền kinh tế. “Khi phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường thì luôn luôn phải chấp nhận sự bất ổn. Chính vì vậy, đa dạng hóa thị trường là yêu cầu cấp bách. Đặc biệt, ngành nông nghiệp phải đẩy mạnh chế biến sâu, để giảm thiểu rủi ro, gia tăng giá trị. Điều này đòi hỏi, ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp cần phải được quan tâm đúng mức”, TS Dương Đình Giám nhấn mạnh.

Cảng Nam Đình Vũ, Hải Phòng có hạ tầng phát triển hiện đại, đồng bộ. Ảnh: Minh Đức.

Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành cho rằng, mặc dù hiện nay, tình hình dịch bệnh trong nước đã được đẩy lùi và kiểm soát thành công, tuy nhiên trên thế giới vẫn còn đang diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt ở các nước là đối tác thị trường quan trọng của Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam cần lường trước các diễn biến của thế giới để có các biện pháp điều hành kinh tế phù hợp. Trong đó, các quốc gia đang tìm cách giảm thiểu phụ thuộc vào một thị trường, dẫn đến xu hướng các DN FDI lớn thực hiện cấu trúc lại hệ thống cung cấp nguyên vật liệu, lựa chọn địa điểm đầu tư mới thỏa mãn những điều kiện về khoa học công nghệ, môi trường sinh thái và dịch vụ y tế an toàn. “Dòng đầu tư đang dịch chuyển và Việt Nam đã chuẩn bị điều kiện để chủ động đón dòng vốn này. Việt Nam đã lập tổ công tác đặc biệt để thu hút FDI, đây là hành động tốt. Tuy nhiên, phát triển kinh tế tư nhân, cần được xem là nhiệm vụ cốt lõi để Việt Nam tăng cường nội lực", TS Võ Trí Thành nói.

Nhận diện một số điểm nghẽn đối với phát triển kinh tế hậu Covid-19, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM đề cập tới điểm nghẽn về chất lượng thể chế, thể hiện ở việc triển khai Chính phủ điện tử (tiến tới Chính phủ số); hiệu quả điều phối và sử dụng nguồn lực công… vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Tại hội thảo, một số ý kiến cũng cho rằng, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, điều này sẽ khiến cho chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị vẫn chưa thể khắc phục ngay trong thời gian tới, sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lớn tới các DN. Hiện tượng mua bán, sáp nhập DN trong thời gian tới có thể diễn ra mạnh mẽ hơn, nguy cơ các DN tiềm năng của Việt Nam có thể sẽ bị thâu tóm với giá rẻ…

Cải cách phải thực chất

Nhiều nhà đầu tư cũng như chuyên gia kinh tế nhận định, Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển mới. Điển hình, việc sớm kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 là một lợi thế có thể tạo đà cho Việt Nam đi trước một bước để phục hồi nền kinh tế, thiết lập vị thế mới trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, tác động từ dịch Covid-19 đã tạo ra nhận thức mới, xu hướng tiêu dùng mới; xuất hiện các mô hình kinh doanh mới, đem lại cơ hội thị trường để hình thành các chuỗi giá trị, liên kết mới và phát triển bứt phá. Hơn nữa, các hiệp định thương mại tự do mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-châu Âu (EVFTA)… sẽ tạo lợi thế lớn cho các DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đổi mới trang thiết bị, công nghệ với chi phí hiệu quả hơn nhằm nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của DN Việt Nam. “Đẩy mạnh cải cách thể chế một cách mạnh mẽ sẽ là “chìa khóa” để Việt Nam đón đầu cơ hội phát triển trong việc tái cấu trúc nền kinh tế”, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Hoạt động sản xuất tại Tổng công ty May 10, Hà Nội. Ảnh: Minh Đức.

Có cùng quan điểm, TS Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện CIEM phân tích, Việt Nam cần nghiên cứu đưa ra các dự báo sớm cho nền kinh tế trong trung và dài hạn về xu hướng toàn cầu hóa và các cuộc chơi lớn. Nhưng điều quan trọng nhất là Việt Nam phải đẩy mạnh cải cách thể chế. “Khi vấn đề thể chế được khơi thông, sẽ là tiền đề để giải quyết hàng loạt các điểm nghẽn lớn khác như hạ tầng, nhân lực chất lượng cao”, TS Lê Xuân Bá cho hay.

Gợi mở về một số yêu cầu cải cách thể chế, ông Nguyễn Anh Dương kiến nghị, Việt Nam cần xây dựng và thực thi kế hoạch phục hồi tăng trưởng kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu kinh tế, cùng với hoàn thiện chính sách công nghiệp, thu hút FDI. Cùng với đó, cần cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho DN thông qua phát triển hạ tầng (bao gồm cả hạ tầng cứng và hạ tầng số); phát triển kỹ năng thích ứng cho DN và người lao động. Đồng thời thực hiện hiệu quả các FTA, đặc biệt là các FTA mới (CPTPP, EVFTA); tận dụng tối đa các mô hình kinh tế mới: Kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn... để thúc đẩy kết nối dịch vụ, sản xuất kinh doanh, phục hồi đà tăng trưởng.

Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới khó đoán định, căng thẳng quốc tế ngày càng gia tăng, do đó, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam) cho rằng, phản ứng nhanh của Chính phủ và sự thích ứng của DN là quan trọng. Theo đó, Việt Nam cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh mạnh mẽ hơn và đi vào thực chất. Quá trình này phải là việc thường xuyên, liên tục và cần bước sang giai đoạn mới là tạo thuận lợi cho DN chứ không chỉ là tháo gỡ khó khăn. “Chúng ta đã đi được bước dài về cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, dư địa để cải cách còn rất lớn nhưng là những vấn đề khó hơn, ví dụ như: Giải quyết tranh chấp, bảo vệ tài sản”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh. Do đó, muốn tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế cần quyết tâm rất lớn và những giải pháp mạnh.

Nguồn: Vũ Dung - Mai Thu Hương/qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc