Phát triển kinh tế tập thể ở Hà Tĩnh
EmailPrintAa
09:58 27/02/2020

Thời gian qua, nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện phát triển, kinh tế tập thể đã giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng ngàn lao động có thu nhập ổn định, góp phần giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Chế biến nước mắm tại Hợp tác xã chế biến thủy hải sản Chiến Thắng

Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 1.384 hợp tác xã với tổng số 57.473 thành viên, số lao động thường xuyên trong các hợp tác xã đạt 38.652 người, doanh thu bình quân của các hợp tác xã đạt khoảng 700 triệu đồng, lợi nhuận bình quân đạt khoảng 110 triệu đồng; có 3.458 tổ hợp tác, chủ yếu hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, phần lớn có quy mô nhỏ.

Một số hợp tác xã đã phát huy hiệu quả trong lĩnh vực môi trường, thu gom rác thải ở nông thôn, dịch vụ nông nghiệp. Nhiều mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thủy sản đã được đổi mới công nghệ, hoạt động tương đối hiệu quả, có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, như: Hợp tác xã Thiên Phú (xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân), Hợp tác xã chế biến thủy hải sản Chiến Thắng (xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh); Hợp tác xã cam khe mây Long Nhâm (xã Hương Đô, huyện Hương Khê), Hợp tác xã dịch vụ hậu cần nghề cá Mạnh Cường (xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh)… Một số hợp tác xã đã đã liên kết với các hộ nông dân, thu mua, chế biến, bảo quản, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm; tập trung khai thác tốt nguồn hàng, cải tiến phương thức phục vụ, chú ý đến nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, đảm bảo tiêu chuẩn để cung ứng cho khách hàng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Thực tiễn cho thấy, nếu phát huy được vai trò của kinh tế tập thể, sẽ là một trong những được động lực góp phần đổi mới tư duy, nâng cao trình độ sản xuất cho người nông dân, đem lại hiệu quả kinh tế cao trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới.

Tuy vậy, hoạt động của các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh nhìn chung hiệu quả còn thấp. Qua rà soát, đánh giá, số hợp tác xã hoạt động tốt, khá chỉ đạt khoảng 14,2%, hoạt động trung bình đạt 17,1%, còn lại hoạt động yếu và thuộc diện phải giải thể theo quy định. Hầu hết các hợp tác xã, tổ hợp tác quy mô còn nhỏ lẻ, trình độ cán bộ quản trị hợp tác xã chưa đáp ứng yêu cầu; khả năng tiếp cận nguồn vốn và các chính sách hỗ trợ của các hợp tác xã chưa tốt; phần lớn chưa có trụ sở hoạt động. Liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị còn gặp khó khăn; chưa hình thành được nhiều mô hình hợp tác xã điển hình kiểu mới để nhân rộng, làm cơ sở thúc đẩy phát triển các mô hình hợp tác khác.

Họp Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển kinh tế tập thể tỉnh (Ảnh: Thu Hà, Báo Hà Tĩnh)

Để kinh tế tập thể thực sự phát huy hiệu quả, các cấp, các ngành và các địa phương cần xác định phát triển kinh tế tập thể là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phát triển kinh tế tập thể trên cơ sở bám sát thực tiễn, đảm bảo chất lượng, hoạt động hiệu quả, không “chạy theo” số lượng. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế tập thể. Thực hiện tốt chủ trương “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” đối với khu vực kinh tế tập thể; 3 đồng hành gồm: Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; hoàn thiện thể chế pháp luật về xuất nhập khẩu, thuế, đất đai, xây dựng, tính dụng, đầu tư,… công khai minh bạch, giảm chi phí, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; xây dựng cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến khu vực kinh tế tập thể; 5 hỗ trợ gồm: hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động; hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm quyền kinh doanh, tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh; xây dựng thương hiệu; đào tạo nhân lực. Theo đó, khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân để sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị; liên kết hình thành các Liên hiệp hợp tác xã mạnh để thu hút đầu tư, ứng dụng công nghệ khoa học kỹ thuật tiên tiến hiện đại, nâng cao kỹ năng quản lý, nâng chất lượng sản phẩm truyền thống, tạo thêm các sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Quan tâm công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các hợp tác xã. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, xử lý dứt điểm các hợp tác xã đã ngừng hoạt động chờ giải thể hoặc hoạt động không đúng bản chất hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012.

Trần Xuân Hoàng, Văn phòng Tỉnh ủy


    Ý kiến bạn đọc