Quản lý chặt chẽ thị trường thức ăn chăn nuôi
EmailPrintAa
16:27 10/08/2018

Sáng 10-8, tiếp tục chương trình kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Chăn nuôi.

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều cho rằng, ngành chăn nuôi nước ta có tiềm năng rất lớn và trong nhiều năm qua ngành đã có tốc độ phát triển nhanh, mang lại giá trị kinh tế lớn nhưng quy mô vẫn còn nhỏ lẻ. Do đó, cần phải có chính sách đủ mạnh, chiến lược để phát triển chăn nuôi theo phương thức công nghiệp, chuỗi khép kín, kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và xử lý môi trường chăn nuôi, đưa ngành chăn nuôi thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Một số ý kiến đề xuất cần có các quy định cụ hơn thể để phát triển ngành chăn nuôi theo chuỗi giá trị, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển chăn nuôi bền vững, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đi liền với đó là đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi; bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu...

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp. Ảnh: quochoi.

Thức ăn chăn nuôi là một trong những nội dung được nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm. Các ý kiến cho rằng, cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về quản lý thức ăn chăn nuôi, vì đây là một yếu tố quan trọng quyết định năng suất, chất lượng chăn nuôi và an toàn thực phẩm; đồng thời tăng cường công tác hậu kiểm về quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi, tránh làm phát sinh thủ tục hành chính.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng phân tích, để bảo đảm an toàn thực phẩm, quản lý hiệu quả chất lượng thức ăn chăn nuôi, Dự thảo Luật quy định thức ăn thương mại phải có chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố và quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; được sản xuất tại cơ sở đủ điều kiện; phải được công bố sản phẩm trên Cổng thông tin của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng đã bổ sung quy định quản lý đối với từng loại thức ăn chăn nuôi: đậm đặc, hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn bổ sung, theo tập quán và nguyên liệu đơn; bổ sung quy định về sử dụng phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp hoặc thực phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn sử dụng cho người sang làm nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi. Do đó, Dự thảo Luật đã giảm đáng kể nội dung cần ban hành văn bản hướng dẫn, tạo môi trường minh bạch, thông thoáng hơn cho hoạt động sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi.

Các ý kiến cũng đề nghị chỉnh sửa các quy định về quản lý thức ăn chăn nuôi có chứa kháng sinh cho chặt chẽ, tránh tồn dư kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi, có thể ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng và phù hợp với quy định của pháp luật về thú y. Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cho biết, tiếp thu ý kiến nêu trên, dự thảo luật đã chỉnh sửa quy định về quản lý thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh, theo đó, chỉ được phép sử dụng kháng sinh thuộc Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam; nghiêm cấm “sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi không phải là thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam, “sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích kích thích sinh trưởng”; chỉ được sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích trị bệnh cho vật nuôi nhiễm bệnh và phòng bệnh cho vật nuôi ở giai đoạn con non khi có kê đơn của bác sĩ thú y.

Đồng tình với quan điểm trên, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng cần quản lý chặt chẽ thị trường thức ăn chăn nuôi. Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, hiện nay, chi phí cho thức ăn chăn nuôi chiếm tới 60% giá thành sản phẩm. Trong khi đó, theo tính toán, đến năm 2020, với quy mô khoảng 900 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi thì sẽ dư khoảng 23 triệu tấn thức ăn chăn nuôi; trong khi đó, giá thành thức ăn chăn nuôi vẫn còn khá cao...

“Cần phối hợp giữa Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quản lý thức ăn chăn nuôi để duy trì được giá thành sản phẩm hợp lý, giúp cuộc sống người dân được bảo đảm hơn”, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải kiến nghị.

Phát biểu kết luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì dự thảo Luật tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp, rà soát lại các quy định trong dự án luật, nhất là về phạm vi điều chỉnh; đối tượng, quy trình sản xuất từ con giống, thức ăn chăn nuôi đến sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; chính sách của nhà nước đối với chăn nuôi; xử lý chất thải chăn nuôi; những hành vi bị cấm trong chăn nuôi; có đánh giá cụ thể về những tác động của luật; bảo đảm tính khả thi, hợp hiến, hợp pháp và sự thống nhất của luật trong hệ thống pháp luật nói chung;... để hoàn thiện dự án Luật, trình Ủy ban Thường vụ xem xét, quyết định.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc