Tái khởi động sao cho thật hiệu quả
EmailPrintAa
15:24 01/06/2020

Sau một thời gian dài ngưng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các ngành nghề đã được mở cửa trở lại. Dịch vụ lại là một trong những ngành chịu hậu quả nặng nề nhất và mới chỉ được bắt đầu hoạt động trong thời gian gần đây. Điều đó tạo nên thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực này.

Sẵn sàng để bung ra

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế diễn ra ngày 9-5 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Giờ là lúc lò xo bị nén lại sẵn sàng để bung ra. Cần tập trung hơn nữa để khởi động nền kinh tế, phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2020 trên 5%, không thấp như IMF dự báo là 2,7%. Các bộ, ngành phải xắn tay áo, địa phương phải tháo gỡ cho DN”. Đồng thời, Thủ tướng xác định 5 mũi giáp công để tái khởi động nền kinh tế trong lúc này là: Tăng cường thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế trong nước, nhất là đầu tư tư nhân; tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI); tăng cường xuất khẩu; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; khuyến khích tăng cường nhu cầu nội địa.

Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam thực hiện xịt khử khuẩn tại các phòng chiếu. Ảnh: VIỆT ANH

Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) đánh giá, biện pháp cách ly xã hội trong 3 tuần bắt đầu từ ngày 1-4 đem lại hiệu quả tích cực khi dịch Covid-19 đã được kiềm chế tại Việt Nam, các hoạt động kinh tế, sản xuất được mở cửa trở lại từ ngày 23-4. Biện pháp phong tỏa nếu kéo dài sẽ gây ra nhiều quan ngại về tác động đến tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp, cũng như ảnh hưởng đến thu nhập của các hộ gia đình, người lao động thu nhập thấp và cá nhân có hoàn cảnh khó khăn. Rủi ro của "làn sóng" tái nhiễm dịch bệnh vẫn ở mức cao, tuy nhiên phương pháp tái khởi động nền kinh tế một cách cẩn trọng đang được chính phủ nhiều quốc gia thực hiện, trong đó có Việt Nam, sẽ phần nào giảm thiểu rủi ro này trong khi hạn chế được tác động lên nền kinh tế. Các chính sách tái khởi động nền kinh tế bao gồm: Cách ly theo từng khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, sử dụng công nghệ truy tìm đối tượng đã tiếp xúc với bệnh nhân, thực hiện cách ly tập trung cũng như cách ly tại nhà với các đối tượng nghi nhiễm.

Doanh thu bán lẻ trong tháng 4 sụt giảm mạnh 26% so với cùng kỳ do yêu cầu đóng cửa của Chính phủ để kiểm soát dịch bệnh. Doanh thu dịch vụ nhà hàng, khách sạn giảm 65% so với cùng kỳ, doanh thu dịch vụ du lịch giảm 98% do các chuyến bay nội địa và quốc tế bị hủy; dịch vụ lưu trú và ăn uống phải đóng cửa theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hoạt động kinh tế trong tháng 4 suy giảm mạnh do biện pháp cách ly xã hội được áp dụng nhằm kiểm soát dịch bệnh. Hoạt động xuất khẩu suy yếu vì các thị trường lớn như Mỹ, EU và Trung Quốc hủy đơn hàng do dịch bệnh bùng phát. Tuy nhiên, sự hồi phục của hoạt động kinh tế dần trở lại từ tháng 5 sau khi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh được gỡ bỏ.

Bảo đảm an toàn cho khách hàng

Bài toán làm sao để có thể kinh doanh mà vẫn phòng, chống dịch Covid-19 đã được các nhà đầu tư, quản lý áp dụng những biện pháp mới nhằm đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn cho nhân viên cũng như khách hàng. Đại điện Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam cho biết, cụm rạp CGV đã chính thức mở cửa lại từ ngày 9-5 trên cả nước. Để đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn cho người dân, cụm rạp CGV đã áp dụng thêm một số biện pháp phòng, chống dịch cho khách hàng và nhân viên, như: Giãn cách ghế ngồi trong phòng chiếu; giãn cách vị trí xếp hàng tại quầy bán vé, đồ uống và các vị trí ngồi chờ tại khu vực sảnh; sử dụng màng kháng khuẩn trên các tay cầm và cánh cửa ra vào rạp. Ngoài ra, các biện pháp được CGV thực hiện từ trước khi giãn cách xã hội vẫn tiếp tục được áp dụng, đó là: Quy định bắt buộc mang khẩu trang đối với nhân viên và khách hàng; thực hiện xịt khử khuẩn tại các phòng chiếu; kiểm tra thân nhiệt của nhân viên trước khi vào ca làm việc; nhân viên được trang bị khẩu trang y tế khi làm việc, khuyến khích khách hàng giao dịch trực tuyến…

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thông, Giám đốc kinh doanh Khách sạn Daisy Villa nằm trên đường Nguyễn Phan Vinh (Hội An, Quảng Nam) cho biết, dù đã được phép hoạt động trở lại, lượng khách đi du lịch chưa nhiều nhưng việc phòng, chống dịch Covid-19 vẫn được thực hiện một cách chặt chẽ và nghiêm túc nhất. Khách sạn Daisy Villa đang áp dụng thêm một số tiêu chí bắt buộc, như: Yêu cầu tất cả khách lưu trú điền đầy đủ khai báo y tế trước khi nhập phòng (check-in), 100% nhân viên khách sạn được trang bị khẩu trang và tặng ít nhất 1 khẩu trang/khách lưu trú cho mỗi lần check-in; kiểm tra thân nhiệt của khách lưu trú 2 lần/ngày, sắp đặt dung dịch sát khuẩn tay tại các khu vực chung; bàn ghế trong nhà hàng đều được kê cách nhau từ 2m trở lên.

Nguồn: Anh Việt - Quang Huy/qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc