Tăng cường công tác quản lý và bảo vệ rừng ngập mặn
EmailPrintAa
14:12 05/07/2016

Rừng ngập mặn có vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ hệ sinh thái và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay diện tích rừng ngập mặn ở tỉnh ta đang có sự suy giảm rõ rệt. Bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn đang là vấn đề cần được quan tâm.

 

 

                                    Rừng ngập mặn ở xã Cẩm Phúc

 

Hà Tĩnh là địa phương thường phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của thiên tai, bão lũ. Vì vậy rừng ngập mặn có ý nghĩa quan trọng trong việc chống biển xâm thực, bảo vệ hệ thống đê bao, giúp nhân dân ổn định sản xuất và đời sống. Từ năm 1994, với sự giúp đỡ của Chính phủ Nhật Bản, Hội Chữ thập đỏ các cấp đã trồng mới hơn 1.000 ha rừng ngập mặn, phân bố ở 28 xã, phường của 8 huyện, thị xã, thành phố, gồm: Nghi Xuân, Can Lộc, Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh và thành phố Hà Tĩnh.

Vì nhiều lý do khác nhau, hiện nay diện tích rừng ngập mặn đang ngày càng bị thu hẹp, đe dọa sự an toàn của người dân vùng ven biển, ven sông. Theo thống kê, ở tỉnh ta chỉ còn khoảng 600 ha, nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời diện tích rừng ngập mặn sẽ tiếp tục suy giảm.Xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà có 23 ha rừng ngập mặn nay diện tích bị thu hẹp chỉ còn 3 ha, nguyên nhân chủ yếu là do tác động của việc ngọt hóa sông Nghèn, nhiều diện tích rừng bị chết. Tại thị xã Kỳ Anh, rừng ngập mặn phân bổ theo dọc tuyến đê ngăn mặn Hải Hà Thư ở xã Kỳ Hà đã chết hơn 17 ha.

Thực tế cho thấy, nơi nào có sự quan tâm, quản lí tốt thì rừng ngập mặn được giữ gìn, phát triển. Xã Cẩm Phúc, huyện Cẩm Xuyên có2,5 ha rừng ngập mặn, phân bố theo dọc tuyến đê Phúc Long Nhượng ở địa bàn 6/7 thôn của xã. Diện tích tuy không nhiều nhưng chính quyền xã đã giao trách nhiệm cho từng thôn và khoán cho các hộ gia đình sống gần khu vực rừng để bảo vệ, đồng thời thường xuyên tuyên truyền việc bảo vệ và phát triển rừng. Đây là cách làm cần được nhân rộng.

Ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết:“Để phát triển rừng ngập mặn, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương ven biển và các tổ chức liên quan rà soát hiện trạng rừng và đất rừng ngập mặn để xây dựng kế hoạch huy động các nguồn lực đầu tư nhằm phục hồi và phát triển hệ thống rừng ngâp mặn. Đối với những diện tích rừng đảm bảo chất lượng cần xây dựng phương án bảo vệ phù hợp; những diện tích rừng  chất lượng thấp thì đưa vào trồng nâng cấp, đồng thời tiếp tục trồng mới trên diện tích đất chưa có rừng. Đối với những diện tích rừng bị chết sẽ cho thu gom, xử lý và trồng bổ sung kịp thời. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật về trồng, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn cho người dân”.

Nguyễn Tâm (Đài PT&TH Hà Tĩnh)


    Ý kiến bạn đọc