Tăng trưởng bền vững
EmailPrintAa
15:25 09/11/2018

Hôm qua (8-11), với đại đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) năm 2019. Đây là một trong những nghị quyết quan trọng nhất của kỳ họp này, tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương xây dựng và triển khai nhiệm vụ năm 2019.

Nghị quyết nhấn mạnh đến yếu tố bền vững trong tăng trưởng kinh tế, xác định mục tiêu tổng quát năm 2019 là: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến và tận dụng có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Trước đó, vào tháng 10, tại kỳ họp Quốc hội và Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, khi thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2018, kế hoạch phát triển KT-XH năm 2019, nhiều đại biểu đã khẳng định sự cần thiết phải tăng trưởng bền vững trong những năm tới. Các đại biểu phân tích việc hoàn thành và vượt 12 chỉ tiêu phát triển KT-XH trong năm nay theo nghị quyết của Quốc hội, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) là tiền đề để tạo ra sự phát triển bền vững cho các năm còn lại của nhiệm kỳ 2016-2020.

Kết quả biểu quyết Nghị quyết Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Ảnh: Quochoi.vn.

Tăng trưởng bền vững là tăng trưởng không chỉ đơn thuần là tăng thu nhập bình quân đầu người, mà phải gắn với phát triển bền vững, chú trọng tới cả ba nhân tố: KT-XH và môi trường. Trong giai đoạn hiện nay, tăng trưởng kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường, công bằng và hòa nhập xã hội đang là trụ cột chính của nhiều quốc gia.

Ở nước ta hiện nay, theo ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, dù đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khá ấn tượng và đồng đều, nhiều người dân thoát khỏi đói nghèo, nhưng cũng còn không ít người bị quay trở lại cảnh nghèo đói sau những “cú sốc” về thiên tai. Trong năm nay, dù GDP có tăng trưởng vượt kế hoạch nhưng một số lĩnh vực “vẫn thiếu bền vững” như nông nghiệp, mà biểu hiện là “bấp bênh, được mùa mất giá, giải cứu nông sản thường xuyên xảy ra”.

Để đạt mục tiêu phát triển bền vững, các chuyên gia kiến nghị, Việt Nam cần chú trọng thực hiện đồng bộ một số biện pháp trọng tâm để thực hiện tăng trưởng đi đôi với bền vững môi trường trên nền tảng CMCN 4.0. Trong đó, tập trung tạo dựng thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách và môi trường, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế thị trường vận hành đầy đủ, thông suốt, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Đồng thời, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân. Thu hút có chọn lọc nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, ưu tiên sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp trong nước. Phát triển năng lực đổi mới, sáng tạo; phát huy các cực tăng trưởng, nâng cao hiệu quả kinh tế vùng và đô thị; bảo đảm công bằng và hòa nhập xã hội; phát triển bền vững về môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.

Thảo luận tại diễn đàn Quốc hội, một số đại biểu cũng lưu ý trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 ngày một lan tỏa mạnh mẽ, trong kế hoạch phát triển KT-XH năm 2019 và các năm tiếp theo, cần có giải pháp để tạo ra nhiều việc làm hơn cho người lao động có kỹ năng cao, giải phóng cho người lao động không có kỹ năng cần thiết bằng cách ưu tiên đào tạo nghề; đồng thời, bảo vệ sinh kế của người dân bằng cách nâng cao thu nhập, thay đổi cách tiếp cận với bảo hiểm xã hội, nhất là với những lao động phi chính thức, tại những vùng khó khăn. Trước mắt, cần ưu tiên kiểm soát tốt chất lượng hàng hóa, thiết bị nhập khẩu bằng các hàng rào kỹ thuật phù hợp; phấn đấu cân bằng thương mại bền vững. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên thế giới.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc