Tạo điều kiện trong lĩnh vực thanh toán khi ứng dụng công nghệ
EmailPrintAa
17:09 12/05/2020

Thời gian qua, ngành ngân hàng đã triển khai hàng loạt các giải pháp cấp bách để tháo gỡ, khắc phục khó khăn trong đời sống kinh tế-xã hội trước tác động của dịch bệnh Covid-19. Trong đó có việc tập trung đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và áp dụng công nghệ để hạn chế giao dịch trực tiếp.

Phục vụ tốt nhất đời sống nhân dân

Trong Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; đa dạng các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp để hỗ trợ tích cực hơn các đối tượng, ngành kinh tế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ để hạn chế giao dịch trực tiếp, tạo điều kiện tăng cường tiếp cận tín dụng cho khách hàng; tiếp tục triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, biện pháp khắc phục khi cán bộ bị lây nhiễm dịch, bảo đảm hoạt động của hệ thống ngân hàng an toàn, thông suốt, không bị gián đoạn. Bên cạnh đó, tại Thông tư số 04/2020/TT-NHNN được NHNN Việt Nam ban hành ngày 31-3-2020, đã điều chỉnh giảm 50% phí giao dịch thanh toán qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng.

Khách hàng sử dụng thẻ thanh toán tại máy ATM của Vietcombank.

Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc đồng hành với người dân đối phó với dịch bệnh, 3 tháng đầu năm 2020, NHNN Việt Nam đã có hai lần liên tiếp chỉ đạo Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC), các ngân hàng thương mại (NHTM), chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ thanh toán và điều chỉnh giảm giá sử dụng dịch vụ thông tin tín dụng; nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán, phục vụ tốt nhất nhu cầu thanh toán trực tuyến và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đối phó với dịch bệnh cũng như góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân. Sau hai lần giảm phí trong năm 2020 đã có hơn 63% giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng qua Napas tiếp tục giảm phí trực tiếp cho khách hàng sử dụng dịch vụ với sự tham gia của hầu hết các ngân hàng. Theo đó, tổng số tiền phí mà các ngân hàng giảm cho khách hàng trong cả hai lần giảm phí khoảng 560 tỷ đồng.

Theo bà Nguyễn Tú Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Napas: Tỷ trọng giao dịch nhỏ và trung bình chiếm gần 65% lượng giao dịch thực hiện qua hệ thống Napas. Việc giảm phí đi kèm với nâng cao chất lượng dịch vụ và mở rộng mạng lưới là biện pháp hiệu quả trong việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Số liệu thống kê cho thấy, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, tổng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt xử lý qua hệ thống Napas tăng 76% so cùng kỳ năm 2019. Tổng giá trị giao dịch tăng 124% so với cùng kỳ năm 2019.

Nhiều ngân hàng miễn phí giao dịch

Mặc dù, cả hai chương trình giảm phí trên đã tác động không nhỏ đến doanh thu của Napas và các NHTM nhưng những tổ chức này cam kết luôn sát cánh, đồng hành thực hiện nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng và người dân; đồng thời khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử, hạn chế giao dịch tại quầy nhằm ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh, ứng phó trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp; qua đó cũng góp phần thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân. Ngoài ra, chương trình cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thương mại điện tử thúc đẩy bán hàng trực tuyến, tiết giảm chi phí hoạt động.

Nhiều ngân hàng thương mại khẳng định sẽ tiếp tục miễn, giảm phí dịch vụ cho khách hàng trong năm 2020. Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc khối khách hàng cá nhân, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (Seabank) chia sẻ, ngân hàng này tiếp tục duy trì miễn phí cho khách hàng khi chuyển tiền liên ngân hàng với cả số tiền trên 500.000 đồng. Bên cạnh đó, SeABank đưa ra các chương trình ưu đãi, khuyến mại cho khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến.

Không chỉ miễn phí toàn bộ dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng nhận ngay 24/7, Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) còn thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ khác nhằm khuyến khích khách hàng tăng cường sử dụng giao dịch không dùng tiền mặt. Trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lây lan nhanh, một trong những giải pháp để phòng, chống dịch là hạn chế tiếp xúc. Nếu như trước đây, các loại hóa đơn chi tiêu, mua sắm trong gia đình, đi siêu thị, đóng tiền học phí… phải đến tận nơi nộp tiền mặt thì giờ đây, với PV Online Banking, khách hàng chỉ cần ngồi ở nhà là có thể thực hiện được. Người tiêu dùng có thể dễ dàng mua được hàng hóa, dịch vụ qua vài thao tác đơn giản trên điện thoại di động hay máy tính. Ngoài ra, khi mua hàng trực tiếp, người dân có thể sử dụng ứng dụng quét mã QR Pay để thanh toán đơn hàng mà không phải cần dùng đến tiền mặt.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) khuyến cáo khách hàng nên sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử, thẻ thanh toán không tiếp xúc của Vietcombank. Dịch vụ ngân hàng điện tử giúp tối ưu hóa hiệu quả tài chính, tránh việc gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp để hạn chế rủi ro lây nhiễm bệnh. Song song với các ứng dụng ngân hàng điện tử, Vietcombank cũng đang tiên phong trong việc áp dụng phương thức giao tiếp không dây giữa thẻ và thiết bị chấp nhận thẻ (POS) để thực hiện giao dịch. Với thẻ này khách hàng có thể thanh toán dễ dàng với các giao dịch mua hàng có giá trị nhỏ, chỉ cần chạm thẻ không tiếp xúc lên POS để thanh toán, không cần nhập mã PIN hoặc ký tên lên hóa đơn mua hàng.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc