Tạo đột phá để nâng cao năng suất lao động
EmailPrintAa
17:01 18/09/2017

Năng suất lao động (NSLĐ) phản ánh năng lực, hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong quá trình sản xuất, yếu tố quan trọng quyết định tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đất nước cũng như mức sống của người dân. NSLĐ còn là lợi thế cạnh tranh của quốc gia trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

Văn kiện Đại hội XII của Đảng trong mục tiêu tổng quát, phương hướng, nhiệm vụ phát triển giai đoạn 2016-2020 xác định việc đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh, với nhiệm vụ trọng tâm là tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao NSLĐ, bảo đảm chỉ tiêu NSLĐ xã hội tăng bình quân khoảng 5%/năm.

Bằng nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các giải pháp phát triển đồng bộ, điều hành linh hoạt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, hơn một thập kỷ qua, NSLĐ của Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm. Tại Hội thảo "Tiền lương và NSLĐ ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và Văn phòng JICA tại Việt Nam tổ chức vừa qua cho thấy: Từ năm 2004-2015, NSLĐ của Việt Nam tăng trung bình đạt 4,4%.

Dẫu đã thu hẹp phần nào khoảng cách với các nền kinh tế phát triển hơn trong ASEAN, song NSLĐ của Việt Nam vẫn thuộc nhóm thấp nhất châu Á-Thái Bình Dương; thấp hơn Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc nhiều lần. So với một số nước trong khu vực, nhiều lao động của Việt Nam gộp lại mới làm ra giá trị bằng một người Malaysia, thậm chí so với Philippines, Indonesia, NSLĐ của Việt Nam cũng chỉ bằng một nửa...

Tình trạng NSLĐ của Việt Nam chưa theo kịp và thấp hơn nhiều nước trong khu vực là do chất lượng nguồn nhân lực nước ta cơ bản vẫn thấp; chưa dựa nhiều vào tri thức, khoa học, công nghệ và huy động được các nguồn lực cho đầu tư phát triển; chưa tạo hành lang thông thoáng để sức lao động xã hội được giải phóng do cơ chế, chính sách của Nhà nước, địa phương vẫn bộc lộ những bất cập. Ở nước ta, chỉ hơn 5 triệu lao động nông thôn được học nghề từ 2010 đến nay (theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội). Thực tế hiện nay, lao động thủ công nước ta vẫn chiếm phần lớn trong cơ cấu lao động xã hội, lao động có chuyên môn kỹ thuật đạt quá thấp, chỉ khoảng gần 4%, chưa nói đến kỹ năng làm việc của lao động Việt Nam còn chưa bảo đảm yêu cầu của công việc, kể cả lao động có chuyên môn kỹ thuật, đã được đào tạo nghề cơ bản vẫn phải đào tạo lại dẫn đến hiệu quả, NSLĐ chưa cao.

Một yếu tố khác khiến NSLĐ của nước ta chưa "sánh vai" được với những nước phát triển trong khu vực là trình độ tổ chức, sử dụng các nguồn lực trong sản xuất, kinh doanh còn bộc lộ nhiều yếu kém. Sản xuất thô chiếm tỷ trọng lớn, trong khi các nước tiên tiến luôn hướng tới nền sản xuất hiện đại. Chính sản xuất thô khiến hàm lượng giá trị quốc gia và giá trị gia tăng của nước ta thấp hơn so với nhiều nước. Thị trường khoa học, công nghệ phát triển chậm, chưa thật sự trở thành động lực cho NSLĐ, khiến lợi ích tổng thể của các đối tượng lao động chưa được cân đối, bảo đảm cho sản xuất phát triển.

Giải pháp để NSLĐ tăng cao theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, trước tiên phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển; tạo được môi trường thông thoáng, thuận lợi cho sản xuất; nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, bảo đảm phát triển bao trùm và bền vững. Việc tạo ra được hệ thống khuyến khích để các nguồn lực của xã hội tập trung cho những mục tiêu phát triển, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, theo một số chuyên gia thì khuôn khổ thể chế mới cùng các điều kiện cần thiết phải được tạo dựng, phát huy hơn nữa để mỗi người dân có đầy đủ những điều kiện kinh doanh dễ dàng và sáng tạo tương lai của mình. Nhà nước cũng cần bảo đảm tính khả thi của những giải pháp khi triển khai trong thực tiễn; nhất là về cơ chế, chính sách, hỗ trợ tài chính để đưa sản xuất hàng hóa Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, giúp cho kinh tế đất nước thích nghi nhanh chóng với các biến động thị trường, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Nghị quyết số 142/2016/QH13 về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 cũng nhấn mạnh đến các giải pháp tăng NSLĐ và gia tăng giá trị của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, muốn sức bật của nền kinh tế đạt được như kỳ vọng, bảo đảm tăng trưởng GDP như mục tiêu Đại hội XII của Đảng xác định thì việc quan trọng nữa là ứng dụng và gắn các chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội đất nước, nhất là các chương trình mục tiêu lớn, tạo đòn bẩy để kiến tạo lại nền tảng thị trường hàng hóa phù hợp với nhu cầu, tiêu chuẩn tiêu dùng tiên tiến, bảo đảm NSLĐ nước ta ngày một tăng cao.

Để chất lượng sản phẩm của nước ta từng bước chiếm được ưu thế, trên cơ sở Chương trình “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” mà Chính phủ đã ban hành, hạ tầng KH&CN và môi trường kinh doanh cũng cần được cải thiện và đồng bộ hơn nữa. Cùng các cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích, phát triển cơ sở ươm tạo công nghệ cao (CNC), doanh nghiệp CNC, việc tăng cường hợp tác quốc tế về KH&CN trong các ngành công nghiệp, lựa chọn, xây dựng chính sách nhập khẩu công nghệ (trong đó có công nghệ nguồn) phù hợp từ các nước phát triển, như: Mỹ, các nước châu Âu... cần phải được chú trọng. Quá trình liên kết, hợp tác đầu tư, phát triển công nghệ cơ khí, công nghiệp hỗ trợ thay vì tăng cường gia công, lắp ráp như hiện nay phải được chú trọng theo chiều sâu. Việc ứng dụng sâu rộng KH&CN, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, chú trọng cải tiến kỹ thuật theo nhu cầu của người sử dụng trong sản xuất và quản lý nông nghiệp cần phải được áp dụng rộng rãi. Các loại giống mới, kỹ thuật nuôi trồng có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, thích ứng với biến đổi khí hậu cần sớm được nhân rộng, góp phần bảo đảm cho sản phẩm nước ta sản xuất ra có tính cạnh tranh ngày một cao hơn. Bên cạnh việc đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp và các ngành dịch vụ cấp thấp sang các ngành chế tạo và các ngành dịch vụ cao cấp, phát triển sản phẩm có lợi thế so sánh sẽ góp tăng NSLĐ. Việc tận dụng thời kỳ cơ cấu dân số vàng, tranh thủ những thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cùng khả năng nắm bắt các cơ hội việc làm của người dân cũng sẽ là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao NSLĐ, đáp ứng yêu cầu hội nhập, giúp sản phẩm hàng hóa của Việt Nam tìm được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước.

Theo qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc