Tạo thuận lợi, đồng thời bảo đảm việc quản lý
EmailPrintAa
15:34 20/04/2018

Thời gian qua, nhiều bộ, ngành đã công bố đơn giản hóa, cắt giảm mạnh các điều kiện kinh doanh. Mới nhất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cắt giảm, đơn giản hóa 241/345 điều kiện kinh doanh (chiếm 69,8%), Bộ Giao thông vận tải cắt giảm, đơn giản hóa 384/570 điều kiện kinh doanh (chiếm 67%) thuộc lĩnh vực các bộ này quản lý.

Như vậy, quyết tâm của Chính phủ trong việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, nhằm tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh (SXKD) đang được các bộ nghiêm túc thực hiện.

Ảnh minh họa. Nguồn: baophapluat.vn

Việc các bộ cắt giảm, đơn giản hóa rất nhiều điều kiện kinh doanh cho thấy, có một lượng rất lớn các điều kiện kinh doanh rườm rà, không thật cần thiết tồn tại bấy lâu nay gây cản trở sự phát triển của doanh nghiệp, làm tăng chi phí đầu tư, giảm hiệu quả SXKD. Trong đó, doanh nghiệp phản ánh có không ít các điều kiện kinh doanh được tồn tại dưới dạng “giấy phép con”, không phải nghị định do Chính phủ ban hành, thậm chí cũng không phải thông tư của bộ, mà có thể chỉ là một quyết định hành chính mang tính chất thông báo nhưng doanh nghiệp vẫn phải thực hiện.

Theo đó, chủ trương của Chính phủ trong việc rà soát để cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh là hết sức đúng đắn, tất yếu phải làm. Điều này, vừa khơi dậy tiềm năng khởi nghiệp trong xã hội, vừa tránh bị tụt lại trong cuộc đua tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhằm thu hút đầu tư mà các nước trong khu vực đều đang so kè rất quyết liệt.

Tuy nhiên, việc các bộ tuyên bố cắt giảm quá nhiều điều kiện kinh doanh cũng không phải không gây ra những nghi ngại. Đó là, doanh nghiệp thì băn khoăn rằng có đúng là các bộ cắt giảm điều kiện kinh doanh thật không, hay chỉ đơn thuần là thực hiện biện pháp kỹ thuật, cộng gộp nhiều điều kiện lại với nhau trong một quy định, số lượng thì giảm nhưng thực chất không khác trước là bao? Trong xã hội cũng xuất hiện những lo lắng, nếu các bộ ồ ạt cắt giảm điều kiện kinh doanh như vậy có gây ra khoảng trống trong quản lý hay không? Lo lắng ấy không phải không có cơ sở, vì hiện nay, tính tự giác và đạo đức kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế. Có những doanh nghiệp đã thực hiện những hành vi kinh doanh phi đạo đức, không thể tưởng tượng nổi. Ví như, mấy ngày qua, dư luận đang phẫn nộ trước việc một cơ sở sản xuất đã trộn cả chì vào quá trình chế biến cà phê, gây độc hại cho người tiêu dùng. Hay các hình thức lừa đảo thông qua kinh doanh đa cấp độ, kinh doanh tiền ảo; lừa đảo huy động tiền của người dân; quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng quá sự thật... đang gây những tác hại trong xã hội.

Vì vậy, cùng với việc tạo thuận lợi cho SXKD thì các bộ, ngành cũng nên quản lý chặt chẽ những hình thức kinh doanh nhạy cảm, kịp thời phát hiện những chỗ hổng của pháp luật để có giải pháp khắc phục. Chúng ta tạo thuận lợi nhất cho hoạt động SXKD của các doanh nghiệp, nhưng đó phải là các doanh nghiệp chân chính, đóng góp tích cực cho xã hội, cho sự phát triển của đất nước. Đồng thời phải có giải pháp ngăn chặn hiệu quả các hoạt động kinh doanh gây tác hại cho xã hội. Đặc biệt, những mảng hoạt động liên quan đến quốc phòng, an ninh, an toàn xã hội, sức khỏe người dân thì cần thận trọng, cần rà soát thật kỹ.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc