Thêm động lực cho người lao động
EmailPrintAa
15:55 18/02/2019

Thời điểm sau Tết Nguyên đán đến hết tháng Giêng, không ít doanh nghiệp tại các khu công nghiệp (KCN) , khu chế xuất (KCX) phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động. Thực trạng này xảy ra mang tính hệ thống từ nhiều năm nay. Nguyên nhân là do công nhân thay đổi việc làm, tìm đến những địa chỉ có thu nhập cao hơn; những doanh nghiệp có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích lao động…

Ảnh minh họa. Nguồn: zing.vn

Năm nay, theo đánh giá của ban quản lý các KCN, KCX các địa phương, số doanh nghiệp bị thiếu hụt lao động thời điểm sau Tết ít hơn hẳn. Điển hình như ở các KCN tại Đồng Nai, đến thời điểm này không còn doanh nghiệp nào bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh vì thiếu lao động. Để giải quyết căn cơ vấn đề này, thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai, tổ chức công đoàn các cấp phối hợp với ban quản lý các KCN và chủ các doanh nghiệp chủ động triển khai những biện pháp giữ chân người lao động. Công đoàn các doanh nghiệp đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, triển khai công tác thi đua, khen thưởng xứng đáng cho những công nhân thực hiện nghiêm quy định về thời gian, hỗ trợ tích cực các trường hợp khó khăn. Khí thế thi đua đầu năm diễn ra sôi nổi trong các KCN; hoạt động gặp mặt, tặng quà, lì xì, khen thưởng… được tổ chức rộng khắp, đặc biệt chú trọng ở các doanh nghiệp có tiền lệ thiếu hụt lao động. Mức thưởng, lì xì cho công nhân rất hấp dẫn, cao nhất lên đến 3 triệu đồng/người. Sự quan tâm kịp thời và khí thế thi đua sôi nổi đầu năm đã tiếp thêm động lực cho người lao động, không những góp phần giải quyết vấn đề thiếu nguồn nhân lực trước mắt mà còn tạo môi trường để người lao động yên tâm làm việc, chấp hành nghiêm các quy định, gắn bó với doanh nghiệp, xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp trong các KCN, KCX.

Sự phát triển sản xuất công nghiệp trong môi trường công nghệ 4.0 đã và đang tạo ra những cơ hội lớn cho các địa phương trong thu hút đầu tư theo hướng sản xuất chất lượng cao, thân thiện với môi trường, đồng thời đặt ra những thách thức lớn đối với người lao động và các doanh nghiệp sản xuất theo kiểu truyền thống. Xu hướng xúc tiến đầu tư sản xuất công nghệ khiến nhiều khu vực doanh nghiệp giảm mạnh số lượng nhân công lao động phổ thông, thay vào đó là đội ngũ người lao động lành nghề, chất lượng cao. Đối với những doanh nghiệp cần đến nguồn lao động lớn, như: Ngành giày da, may mặc, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, lắp ráp linh kiện điện tử… để có nguồn lao động ổn định, đòi hỏi phải thay đổi cung cách quản lý, cải thiện môi trường lao động, tiền lương và các chế độ đãi ngộ, xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Lâu nay, không ít các nhà đầu tư trong khối doanh nghiệp FDI coi nhẹ vấn đề này. Phần vì chủ doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm cảm thấu văn hóa Việt Nam, tìm mọi cách để tiết giảm chi phí sau lợi nhuận, phần vì vai trò của các cơ quan chức năng, trực tiếp là tổ chức công đoàn các cấp, ban quản lý các KCN, KCX chưa được phát huy đúng mức. Trong môi trường hội nhập, cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay, tư duy và cách làm cũ không còn phù hợp. Tình trạng một số doanh nghiệp phải giải thể do làm ăn thua lỗ, chậm đổi mới, sử dụng lao động theo kiểu “ăn xổi”… thời gian qua là những bài học nhãn tiền.

Căn nguyên của mọi vấn đề vẫn là giải quyết mối quan hệ giữa người lao động và đối tượng sử dụng lao động. Công nghệ có phát triển đến đâu thì vẫn là phương tiện của con người. Sự thành bại của doanh nghiệp trên thương trường được quyết định chủ yếu bởi chất lượng nguồn nhân lực. Khi vai trò của các ngành, các cấp được phát huy, doanh nghiệp biết quan tâm, chăm lo cho người lao động đúng mực, sẽ tạo động lực thúc đẩy tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo, cống hiến của người lao động. Đó là mối quan hệ hai mặt của một vấn đề mang tính biện chứng, quyết định đến chất lượng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và chất lượng cuộc sống của người lao động.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc