Thương mại điện tử: Dễ mua, lừa bán
EmailPrintAa
16:34 29/08/2019

Chỉ cần ngồi nhà với một cú "nhấp chuột" là người tiêu dùng có thể mua được các sản phẩm cần thiết. Tuy nhiên, hình thức mua bán trực tuyến này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi hàng giả, hàng nhái xuất hiện tràn lan.

Người tiêu dùng được khuyến cáo thận trọng hơn với mua hàng qua mạng.

Vấn nạn gian lận trong thương mại điện tử,

Không khó để tìm các sự cố mua hàng qua mạng khi chỉ cần gõ “sự cố mua hàng online” trên google sẽ cho ra đến hơn 83 triệu kết quả. Mua hàng không giống như hình quảng cáo, chất lượng sản phẩm không như minh họa, thậm chí kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng đã và đang ngày càng trở nên phổ biến.

Mới đây, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) đã phối hợp Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) kiểm tra cơ sở kinh doanh tại Lô 15, khu đô thị Mễ Trì Hạ, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội (website nhathuoc.com) và phát hiện một lô thuốc lớn không có hóa đơn chứng từ chứng minh xuất xứ hàng hóa. Đoàn kiểm tra đã đề nghị xử phạt kinh doanh 116,5 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng vi phạm với tổng giá trị hàng hóa hơn 183,2 triệu đồng. Được đánh giá là một vụ việc nổi cộm, nếu không phát hiện sớm, số thuốc này tuồn ra thị trường sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của không ít người tiêu dùng.

Nghi ngờ có sự gian lận xuất xứ hàng hóa từ website “samsungvietnam.online”, cuối tháng 8 vừa qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Hà Nội và trinh sát Phòng PA05, Công an TP Hà Nội đã kiểm tra đột xuất Cửa hàng kinh doanh điện thoại Di động số tại địa chỉ số 27 Trần Bình, Cầu Giấy, Hà Nội thuộc Công ty TNHH Relex Việt Nam. Thời điểm kiểm tra, công ty khai nhận đã mua 19 chiếc Samsung S10+ từ Lạng Sơn với giá 1.350.000 - 1.700.000 đồng/chiếc và đã bán qua website samsungvietnam.online với mức giá từ 1.800.000 - 3.500.000 đồng/chiếc. Việc mua bán số điện thoại trên không có hóa đơn chứng từ theo quy định của pháp luật.

Hai minh chứng trên cho thấy, chính sự dễ dàng của hình thức kinh doanh qua thương mại điện tử đã gây ra nhiều hệ lụy về nạn hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho thấy, các vụ việc gian lận qua thương mại điện tử ngày càng phức tạp. Tính đến hết năm 2018, tổng số sản phẩm vi phạm buộc gỡ bỏ trên các sàn thương mại điện tử là 35.943 và hơn 3.126 tài khoản/gian hàng trên các sàn đã bị khóa.

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, hiện phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm kinh doanh thương mại điện tử ngày càng tinh vi. Nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt online. Các đối tượng cũng phân tán hàng hóa nhiều nơi, chỉ giao hàng với số lượng nhỏ lẻ hoặc bán hàng qua cộng tác viên trung gian. Hoặc nhiều khi trên website đăng nhiều sản phẩm nhưng thực tế, nhiều đối tượng chỉ nhận đơn hàng, rồi đặt qua đơn vị khác để làm trung gian kiếm lời… Do đó, các lực lượng chức năng rất khó tìm kiếm và xử lý các vụ việc vi phạm.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ công thương) chỉ ra, có ba loại hình thương mại điện tử tiềm ẩn nguy cơ gian lận thương mại cao: Bán hàng trên mạng xã hội, bán hàng trên các website và sàn thương mại điện tử. Số gian hàng trên các website thương mại điện tử là vô hạn, không có ai chịu trách nhiệm. Hiện nay, hầu hết sản phẩm bán ra đều không có hoá đơn chứng từ nên việc xử lý càng khó khăn, không biết ai cung cấp hàng hoá cho các website này.

Bịt lỗ hổng chính sách, nâng nhận thức tiêu dùng

Để có thể bảo vệ người tiêu dùng, nhiều ý kiến cho rằng cần tăng cường công tác phối hợp và thực thi giữa các đơn vị thuộc Bộ Công thương, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan về công tác chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường Internet. Đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp sở hữu các website thương mại điện tử trong việc bảo vệ người tiêu dùng; cam kết bán hàng hóa bảo đảm chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và không tiếp tay cho các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, đối với hành lang pháp lý về thương mại điện tử, Nghị định 52/2013/NĐ-CP đã được xây dựng khá chi tiết, đáp ứng yêu cầu về quản lý thương mại điện tử tại thời điểm ban hành, nhưng thị trường thương mại điện tử thay đổi liên tục đặt ra nhiều vấn đề cần điều chỉnh.

Cụ thể, công nghệ số, internet phát triển và thay đổi nhanh chóng dẫn đến nhiều mô hình thương mại điện tử mới liên tục xuất hiện, không chỉ giới hạn ở hai mô hình phổ biến là website thương mại điện tử và website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử như trước đây. Các giao dịch, dịch vụ cũng không còn ở phạm vi một quốc gia, mà đã xuyên biên giới, đa dạng về chủ thể tham gia, phức tạp về cách thức hoạt động, nên rất khó kiểm soát. Do đó, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh yêu cầu, trước mắt, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Tổng cục Quản lý thị trường, Vụ Pháp chế chủ động rà soát Nghị định 52, bổ sung và điều chỉnh các nội dung không còn phù hợp, sớm khắc phục lỗ hổng về chính sách. Đặc biệt lưu ý đưa các cơ chế mới vào kiểm soát, truy xuất các hoạt động thương mại điện tử, gắn trách nhiệm của chủ sàn thương mại điện tử.

Về phía người tiêu dùng, các chuyên gia cho rằng, sự tiện lợi đang dần dẫn đến sự dễ dãi khi mua bán hàng qua mạng. Nhưng chọn sự tiện lợi, khách hàng cũng “dễ tính” và cũng rất dễ tin người bán hàng xa lạ trên mạng. Khi đến cửa hàng, nhiều người lựa chọn rất kỹ, “cò kè” trả giá... nhưng chỉ nhìn vài tấm hình trên mạng và mất chừng vài phút đã nhanh chóng đặt hàng. Khi nhận hàng cũng hấp tấp hơn vì không có thời gian, không gian cũng không tiện để kiểm tra kỹ lưỡng sản phẩm... Chính sự dễ dãi, bỏ qua lỗi sai của những kiểu bán hàng “chụp giật” nhiều khi đã tiếp tay cho chuyện mua bán gian dối, hàng gian, hàng giả hoành hành.

Nguồn: nhandan.com.vn


    Ý kiến bạn đọc