Ảnh: VGP
Sáng 5/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2022; triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình và giải pháp đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; việc triển khai các công trình giao thông quan trọng quốc gia. Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh điều hành điểm cầu Hà Tĩnh. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu và lãnh đạo các sở, ngành liên quan. |
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh điều hành điểm cầu Hà Tĩnh
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Trong những tháng đầu năm, tình hình thế giới có nhiều biến động, giá dầu tăng cao… tác động lớn đến tình hình kinh tế - xã hội trong nước.
Bên cạnh đó, tình hình trong nước cũng có nhiều khó khăn, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến bất động sản, chứng khoáng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, giá xăng dầu… gây ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội; tình hình lạm phát mặc dù có kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ; công tác giải ngân vốn đầu tư công vẫn ở mức thấp, chưa có nhiều cải thiện…
Trong tình hình đó, với tinh thần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành, giám sát của Quốc hội, sự nỗ lực của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của người dân và doanh nghiệp, kinh tế - xã hội nước ta vẫn đang hồi phục tích cực.
Các bộ, ngành, địa phương đã triển khai tích cực, đồng bộ các chính sách; đặc biệt, triển khai tốt Nghị quyết 01/NQCP ngày 8/1/2022 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Trên cơ sở đó, các đơn vị, địa phương cần tiếp tục thảo luận, đánh giá tình hình phát triển kinh tế -xã hội quý I/2022; rút ra bài học kinh nghiệm, phân tích nguyên nhân và tìm những giải pháp trọng tâm, hạn chế tối đa tác động xấu để triển khai thực hiện trong những tháng tiếp theo. Mục tiêu là đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng nền kinh tế tự chủ. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, trong quý I/2022, các bộ, ngành và địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQCP, số 02/NQ-CP, các nghị quyết chuyên đề của Chính phủ.
Về tiến độ thực hiện, các nhiệm vụ có thời hạn hoàn thành đến hết quý I/2022 cơ bản đáp ứng đúng tiến độ, trong đó đã hoàn thành 87,1% nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP.
Kinh tế - xã hội tiếp tục được duy trì ổn định và đạt được những kết quả tích cực, hầu hết các ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại. Nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 5,03%, đây là mức khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Kinh tế vĩ mô ổn định. Lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp, CPI bình quân quý I/2022 tăng 1,92% so với cùng kỳ năm 2021. Cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách các cấp được đảm bảo. Công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống, sức khỏe Nhân dân được thực hiện hiệu quả.
Đại biểu dự điểm cầu Hà Tĩnh.
Bước sang quý II, kinh tế - xã hội nước ta đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen. Việc đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 là thách thức lớn, đòi hỏi cần có sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, sự hỗ trợ và chia sẻ gánh vác trách nhiệm giữa các đoàn thể trong nước trong giai đoạn khó khăn này. Các ngành, các cấp cần tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, tập trung triển khai hiệu quả đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Hội nghị sẽ tiếp tục nghe các báo cáo liên quan đến tình hình và giải pháp đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; việc triển khai các công trình giao thông quan trọng quốc gia và tham luận của các địa phương…
Nguồn: Dương Chiến/baohatinh.vn
Tin mới cập nhật
- Triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp để "cả hai cùng thắng" ( 17/12)
- Cân đối cung cầu, bình ổn thị trường hàng hóa phục vụ tết ( 13/12)
- Giải pháp trọng tâm đẩy mạnh tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 ( 10/12)
- Việt Nam và Singapore tăng cường giám sát trong triển khai các hiệp định về lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số ( 03/12)
- Việt Nam, World Bank tăng cường hợp tác, hiện thực hóa các đề xuất mới ( 21/11)
- Việt Nam mong muốn hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp Hoa Kỳ và khu vực APEC ( 15/11)