Tìm hiểu một số mô hình kinh tế thị trường trên thế giới và quá trình nhận thức, từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta
EmailPrintAa
16:18 25/09/2017

Bài 1: Một số mô hình kinh tế thị trường trên thế giới

Kinh tế thị trường không phát triển duy nhất theo mô hình của các nước tư bản chủ nghĩa mà đã trải qua một số mô hình phát triển khác nhau, thể hiện sự giao thoa, chuyển tiếp và đan xen giữa các mô hình.

 

(Ảnh minh họa)

 

Theo Các Mác, kinh tế thị trường là một giai đoạn phát triển tất yếu của lịch sử mà bất cứ nền kinh tế nào cũng phải trải qua để đạt tới nấc thang cao hơn trên con đường phát triển và nền kinh tế tư bản chủ nghĩa chính là nền kinh tế thị trường phát triển đến trình độ phổ biến và hoàn chỉnh. Nấc thang cao hơn chính là nền kinh tế cộng sản chủ nghĩa mà giai đoạn đầu là nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Để chuyển lên nấc thang này, nền kinh tế thị trường phải phát triển hết mức, phải trở thành phổ biến trong đời sống kinh tế - xã hội. Trong đó, kinh tế thị trường nói chung bao hàm những yếu tố chủ yếu cơ bản:

Thứ nhất, sự độc lập của các chủ thể trong nền kinh tế dưới nhiều hình thức sở hữu khác nhau. Các chủ thể này hoàn toàn độc lập, tự chủ trong việc quyết định: Sản xuất cái gì? (Sản phẩm gì?); Sản xuất như thế nào? (Công nghệ nào được sử dụng?) và Sản xuất cho ai? (Đối tượng sử dụng sản phẩm là ai?). Họ tự chịu trách nhiệm đối với quyết định sản xuất, kinh doanh của bản thân dựa trên những tín hiệu thị trường.

Thứ hai, hệ thống đồng bộ các thị trường và hệ thống thể chế tương ứng, trên cơ sở vận hành tuân thủ các nguyên tắc của thị trường có sự bảo hộ của pháp luật. 

Thứ ba, hệ thống giá cả được xác lập thông qua tương quan cung - cầu (quan hệ giữa người mua và người bán) quyết định sự vận hành của nền kinh tế thị trường. Tín hiệu giá cả là căn cứ khách quan đối với các chủ thể kinh tế khi đưa ra các quyết định sản xuất, kinh doanh của mình trong môi trường cạnh tranh của thị trường.

Thứ tư, cơ chế căn bản vận hành của nền kinh tế thị trường là cạnh tranh tự do; về bản chất, cơ chế cạnh tranh thị trường là cơ chế tự điều chỉnh - “Bàn tay vô hình”. Cơ chế này giúp nền kinh tế tự tạo lập sự cân bằng trong việc phân bổ các nguồn lực (đất đai, lao động, vốn, khoa học công nghệ) trong nền kinh tế thị trường.

Thứ năm, có vai trò điều tiết kinh tế của nhà nước, bởi bản thân thị trường tự vận động cũng có những bất cập, nó được coi như là sự thất bại của việc tự điều tiết, những vấn đề như khủng hoảng kinh tế, phân hóa giàu nghèo, bất công bằng xã hội, ô nhiễm môi trường,… Vai trò của nhà nước khi tham gia quản lý, điều tiết sự vận hành của nền kinh tế cũng nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của thị trường.

Cho đến nay, kinh tế thị trường không phát triển duy nhất theo mô hình của các nước tư bản chủ nghĩa mà đã trải qua một số mô hình phát triển khác nhau, thể hiện sự giao thoa, chuyển tiếp và đan xen giữa các mô hình. Bản thân mỗi mô hình phát triển kinh tế đều có những ưu, nhược điểm nhất định, tuy nhiên, kinh tế thị trường nói chung hiện nay đã kết hợp được những ưu điểm của các mô hình phát triển kinh tế khác và khắc phục dần những hạn chế, bất cập của từng mô hình. Hiện nay, trên thế giới có ba mô hình kinh tế thị trường chủ yếu sau: Mô hình kinh tế thị trường tự do theo kiểu các nước Tây Âu và Bắc Mỹ; mô hình kinh tế thị trường - xã hội theo kiểu của Đức, Thụy Điển và một số nước Bắc Âu; Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, điển hình là Trung Quốc và nước ta.

Cụ thể hơn, mô hình kinh tế thị trường tự do của Tây Âu và Bắc Mỹ đề cao vai trò của chế độ sở hữu tư nhân, tự do cá nhân và cạnh tranh tự do. Trong mô hình kinh tế thị trường tự do, sự can thiệp, điều tiết của nhà nước vào các quá trình kinh tế được hạn chế ở mức thấp nhất. Quá trình phát triển kinh tế chủ yếu do khu vực tư nhân vận hành dưới sự điều tiết của “Bàn tay vô hình”, tức cơ chế cạnh tranh tự do - Lý thuyết kinh tế của Adam Smith - Nhà kinh tế học người Anh. Chức năng chính của nhà nước là bảo vệ chế độ sở hữu tư nhân và các quyền tự do cá nhân, bảo đảm ổn định vĩ mô, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân và cơ chế thị trường tự do vận hành thuận lợi nhất. Sự tham gia của nhà nước vào quá trình phân phối lại, vào hệ thống phúc lợi xã hội nhằm giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng, tạo lập công bằng xã hội, ngăn chặn và xử lý các thất bại của thị trường tuy vẫn được coi trọng nhưng không nhiều như ở các mô hình khác.

Đối với mô hình kinh tế thị trường - xã hội, điển hình là ở Đức, Thụy Điển và một số nước Bắc Âu, về nguyên tắc, mô hình thừa nhận các yếu tố cơ bản phổ biến của kinh tế thị trường. Tuy nhiên, so sánh với mô hình kinh tế thị trường tự do, mô hình này có hai đặc trưng nổi bật, đó là: Coi các mục tiêu xã hội và phát triển con người (công bằng xã hội, phúc lợi cho người nghèo và cho người lao động, quyền tự do phát triển của mọi người dân,...) là mục tiêu của chính quá trình phát triển kinh tế thị trường; Nhà nước dẫn dắt nền kinh tế thị trường phát triển không chỉ nhằm mục tiêu tăng trưởng và hiệu quả kinh tế mà cả mục tiêu phát triển và hiệu quả xã hội.

Việc triển khai mô hình kinh tế thị trường - xã hội trên thực tế đã mang lại những kết quả phát triển tích cực, không chỉ ở một vài nước, tại một vài thời điểm riêng lẻ mà ở hàng loạt nước và kéo dài trong nhiều thập niên. Điều này xác nhận tính tất yếu của xu hướng phát triển mô hình kinh tế thị trường - xã hội. Tính tất yếu đó cũng được thể hiện ở mô hình kinh tế thị trường đang được triển khai ở Trung Quốc và Việt Nam.

Mô hình kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc mới tồn tại hơn 30 năm, tuy vậy, sự ra đời của mô hình này chứng minh sức sống mãnh liệt của nó. Quá trình phát triển đường lối xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc gắn liền với việc từng bước từ bỏ nền kinh tế  kế hoạch, tập trung. Quá trình này tiến triển qua 4 giai đoạn: Giai đoạn 1978 - 1984: “Lấy kinh tế kế hoạch làm chính, lấy điều tiết thị trường làm bổ trợ”, đây là bước chuyển mang tính đột phá. Giai đoạn 1984 - 1993: “Nền kinh tế xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế hàng hoá có kế hoạch trên cơ sở chế độ công hữu”. Giai đoạn 1993 - 2003: Xây dựng “thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”, thực chất là làm cho thị trường có vai trò cơ sở đối với phân phối tài nguyên, dưới sự kiểm soát vĩ mô của nhà nước; hình thành thể chế xí nghiệp hiện đại phù hợp với yêu cầu của kinh tế thị trường, tách chính quyền khỏi xí nghiệp. Giai đoạn từ 2003 đến nay đã từng bước khẳng định “Nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”. Từ tiến trình phát triển nhận thức và thực tiễn kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc, nổi lên một số nét đặc trưng sau: Các vấn đề của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa được xem xét và giải quyết trên cơ sở nhận thức về chế độ kinh tế cơ bản, chế độ sở hữu và các hình thức sở hữu. Các bước tiến trong đường lối phải được thể chế hoá thành chính sách và pháp luật kịp thời, bảo đảm cho thực tiễn vận động theo định hướng và trong khuôn khổ luật pháp, kịp thời sửa đổi Hiến pháp cho phù hợp với thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và nhằm mục tiêu tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của kinh tế thị trường.

(Đón đọc Bài 2: Quá trình nhận thức và từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta)

Phan Xuân Huấn - Văn phòng Tỉnh ủy


    Ý kiến bạn đọc