Tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế
EmailPrintAa
15:32 18/09/2019

Tính đến hết năm 2018, tổng số nợ thuế không có khả năng thu hồi ngân sách là 41.387 tỷ đồng. Vậy, xử lý số nợ đọng thuế này như thế nào để vừa tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế mà vẫn ngăn ngừa được tình trạng lợi dụng chính sách nhằm cố tình chây ì, nợ thuế?

Đây là nội dung được đưa ra bàn thảo rất kỹ càng tại Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 17-9.

Quyết liệt thu hồi nợ đọng thuế

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thời gian qua, cơ quan quản lý thuế đã có nhiều nỗ lực và rất quyết liệt trong việc thu hồi nợ đọng thuế. Việc đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế thậm chí đã được giao đến từng nhân viên, từng cán bộ thuế quản lý theo địa bàn, thực hiện thường xuyên trong năm, không chờ đến cuối năm. Ngành thuế đã xây dựng 7 giải pháp về xử lý cưỡng chế thu hồi nợ đọng thuế. Nhờ vậy, số tiền thu hồi nợ đọng thuế tăng dần qua các năm, năm sau luôn cao hơn năm trước. Bình quân từ năm 2015 đến năm 2018, thu hồi nợ đọng thuế đạt 80% số nợ có khả năng thu hồi, tốc độ tăng bình quân 14,4%/năm. Tỷ trọng tổng nợ trên tổng thu nội địa đã giảm mạnh từ 12,2% năm 2014, đến năm 2017 giảm xuống mức 7,6%, năm 2018 giảm còn 6,7% và năm 2019 tiếp tục giảm nữa.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng nêu rõ, thực tế nợ đọng thuế vẫn còn cao. Tổng số tiền nợ thuế tính đến ngày 31-12-2018 là 81.618 tỷ đồng, trong đó tiền thuế nợ không có khả năng thu ngân sách là 41.387 tỷ đồng, chiếm 50,7% tổng số tiền thuế nợ. Trong đó, cơ quan thuế quản lý 37.572 tỷ đồng, cơ quan hải quan quản lý 3.815 tỷ đồng.

Người dân làm thủ tục nộp thuế tại cơ quan thuế. Ảnh: Anh Việt

Phân tích về nguyên nhân dẫn tới nợ đọng thuế không có khả năng thu ngân sách còn cao, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, có 2.635 người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự với số tiền nợ thuế là 460 tỷ đồng, trong đó tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 174 tỷ đồng. 24.133 doanh nghiệp tự giải thể nhưng không thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp theo quy định với số tiền thuế nợ là 2.072 tỷ đồng, gồm cả 869 tỷ đồng tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp. 216 doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, tự phá sản nhưng không làm thủ tục phá sản theo quy định với số tiền nợ thuế là 398 tỷ đồng, trong đó tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 158 tỷ đồng. 731.696 người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh hoặc không còn hoạt động nữa với số tiền thuế nợ là 23.889 tỷ đồng, trong đó tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 9.360 tỷ đồng. 229 người nộp thuế trong quá trình sản xuất, kinh doanh bị thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn bất ngờ hoặc gặp trường hợp bất khả kháng, nợ tổng số 1.487 tỷ đồng tiền thuế, trong đó tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 852 tỷ đồng. 430 người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách Nhà nước nhưng chưa được thanh toán nên không có nguồn nộp kịp thời dẫn đến phát sinh số tiền thuế nợ là 986 tỷ đồng, trong đó tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 481 tỷ đồng.

Cần khoanh nợ, xóa nợ thuế không có khả năng thu hồi

“Về phía cơ quan thuế, chúng tôi cho là mình đã làm hết trách nhiệm, tương đối cao, quyết liệt và có kết quả cụ thể. Nhưng với những người đã chết, mất tích, coi như đã chết, mất tích, giải thể, phá sản, chúng tôi nghĩ là các giải pháp về sau của cơ quan thuế rất khó khăn”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói về lý do đề xuất xây dựng nghị quyết của Quốc hội để xử lý tiền nợ thuế của người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước. Giải pháp mà Chính phủ đề xuất là khoanh khoản nợ gốc để theo dõi tiếp và xóa khoản tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp. Một trong những nguyên tắc xử lý nợ là tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, nhưng phải phòng ngừa và ngăn chặn việc lợi dụng chính sách để trục lợi, cố tình chây ì, nợ thuế. Trường hợp đã được xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, nếu phát hiện việc xóa nợ không đúng quy định hoặc người nộp thuế quay lại sản xuất, kinh doanh hoặc thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh mới thì phải hủy quyết định xóa nợ và nộp vào ngân sách khoản nợ đã được xóa.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, vấn đề này đã được UBTVQH bàn từ tháng 3. Thời điểm đó, UBTVQH nhất trí để lại nội dung này cho đến khi Quốc hội thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi) với mục đích xử lý những nội dung mà Luật Quản lý thuế (sửa đổi) chưa bao quát hết. Những tồn đọng về thuế trong hơn 10 năm trở lại đây, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) chưa xử lý hết, do đó phải xây dựng dự thảo nghị quyết để xử lý. Để bảo đảm trình tự, thủ tục, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị UBTVQH báo cáo với Quốc hội về bổ sung việc xem xét nghị quyết này vào chương trình Kỳ họp thứ tám.

Nhất trí với những mục tiêu, quan điểm đưa ra trong tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách nêu ra, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: “Tinh thần là phải đáp ứng được yêu cầu xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng thuế không có khả năng thu hồi. Cũng cần cân nhắc ý kiến xem lại một vài trường hợp cho chặt chẽ hơn, tránh việc lợi dụng để trốn thuế”.

Ngăn ngừa doanh nghiệp lợi dụng chính sách để trục lợi

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu giả thiết về một số trường hợp có thể lợi dụng chính sách xóa, khoanh nợ thuế để trục lợi. Thứ nhất là doanh nghiệp chỉ cần nộp đơn xin phá sản để được khoanh nợ, xóa nợ thuế. Thứ hai là người nộp thuế dừng hoạt động ở địa chỉ đăng ký trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, xin xác nhận của cơ quan thuế và chính quyền sở tại, nhưng thực tế họ vẫn hoạt động ở địa chỉ khác; hoặc tinh vi hơn là núp bóng người khác để thành lập doanh nghiệp, tiếp tục tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây là những trường hợp cần làm rõ để tránh lợi dụng cơ chế, chính sách nhằm được xóa, khoanh nợ thuế.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nhắc tới một nguyên tắc mà Chính phủ nêu ra trong tờ trình, đó là khi phát hiện xóa nợ không đúng quy định thì thu hồi quyết định xóa nợ thuế, đồng thời tiếp tục thực hiện các biện pháp thu hồi nợ thuế. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định cho rằng, dự thảo nghị quyết vẫn chưa thể hiện được nguyên tắc này. Một trường hợp khác được nhắc tới là đối tượng chưa được Nhà nước cung ứng tiền nên chậm nộp thuế cũng thuộc diện được xóa, khoanh nợ thuế. Tuy nhiên, sau này, khi Nhà nước cung ứng tiền thì các đối tượng này vẫn phải nộp thuế.

Kết luận nội dung phiên làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, UBTVQH thống nhất sẽ đưa nội dung về xử lý nợ thuế với các đối tượng không có khả năng nộp thuế vào chương trình xây dựng luật, pháp luật; giao Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Tài chính-Ngân sách giúp UBTVQH chuẩn bị việc trình nội dung này ra Quốc hội theo đúng trình tự, thủ tục. UBTVQH yêu cầu Chính phủ rà soát lại toàn bộ chính sách liên quan đến quản lý thuế để bảo đảm bao phủ hết các đối tượng còn nợ đọng thuế nhưng không có khả năng nộp; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đến tình trạng nợ đọng thuế để báo cáo Quốc hội; tiếp thu đầy đủ ý kiến của UBTVQH để hoàn chỉnh lại dự thảo nghị quyết.

Theo chúng tôi, việc tìm giải pháp xóa, khoanh nợ thuế với những đối tượng nợ thuế nhưng không còn khả năng thanh toán là cần thiết. Tuy nhiên, không chỉ cần đề phòng đối tượng nộp thuế lợi dụng chính sách mà cũng cần hết sức cảnh giác với những trường hợp “bắt tay” giữa cán bộ thuế với đối tượng nộp thuế để thực hiện trót lọt việc xóa, khoanh nợ thuế. Bởi khi có sự “bắt tay” như vậy, việc trục lợi chính sách trở nên rất tinh vi và khó bị phát hiện. Khi ấy, không chỉ ngân sách Nhà nước bị thất thu mà còn tạo ra sự bất bình đẳng giữa những người nộp thuế, gây ra hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường bởi những người nộp thuế đầy đủ bao giờ cũng áp giá hàng hóa và dịch vụ cao hơn những người trốn thuế.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc