Tư duy kinh tế vùng
EmailPrintAa
14:59 08/05/2019

Liên tiếp trong hai ngày 6-5 và 7-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các thành viên của Chính phủ và thành viên Tiểu ban Kinh tế-Xã hội của Đại hội Đảng XIII đã có các cuộc làm việc với TP Hồ Chí Minh và các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ.

Trước đó, Thủ tướng cũng đã chủ trì cuộc làm việc của Tiểu ban Kinh tế-Xã hội của Đại hội Đảng XIII với TP Hà Nội và 12 địa phương phía Bắc. Vấn đề được nêu xuyên suốt trong các cuộc làm việc trên là hiện nay các tỉnh, thành phố thuộc các vùng kinh tế trọng điểm chủ yếu là phát triển tự thân, chứ liên kết vùng còn rất lỏng lẻo, vai trò của Hội đồng vùng còn yếu. Hay nói tóm lại là tư duy phát triển kinh tế theo vùng còn chưa được thể hiện rõ trong cơ chế chính sách, cũng như hiệu quả trên thực tế.

Ảnh minh họa. TTXVN.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nền kinh tế nước ta hiện nay đang là sự gộp lại của 63 nền kinh tế nhỏ của các tỉnh, thành phố. Vì là sự gộp lại của 63 nền kinh tế nên có thể có 63 chiến lược, ý đồ phát triển khác nhau, trong đó có sự giẫm chân lên nhau, cạnh tranh với nhau, triệt tiêu sức mạnh của nhau, giảm hiệu quả. Chúng ta thấy đã từng rộ lên nhiều địa phương ngay sát nhau đều xây dựng cảng biển, sân bay của riêng mình, hay cũng đều xây dựng các khu công nghiệp na ná nhau, rồi trồng trọt, chăn nuôi theo kiểu sao chép nhau mà chưa tính đến lợi thế cạnh tranh so sánh với nhau. Đó là điển hình của kiểu tư duy mạnh ai nấy làm, không cần phối hợp, liên kết gì với nhau. Do đó, không ít ý kiến cho rằng chớ nên vội trách người nông dân trồng trọt, chăn nuôi tự phát, không tính đến đầu ra, không theo quy hoạch, là vì ngay chính quyền các tỉnh, thành phố cũng còn thiếu tầm nhìn rộng về kinh tế, thiếu tính liên kết, thiếu phân công sản xuất, sản xuất chưa gắn với thị trường. Thế nên khi nhiều tỉnh có sản phẩm, dịch vụ giống nhau thì việc khó tiêu thụ là điều dễ hiểu.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2015, bốn Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm bao gồm: Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long đã được thành lập. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách để các Hội đồng vùng này phát huy tác dụng còn chưa rõ. Vì thế, tại Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam vừa diễn ra, một số ý kiến cho rằng nên sớm ban hành Nghị định về vùng kinh tế động lực, giúp cho hoạt động vùng ngày càng hiệu quả. Cùng với đó, để duy trì và nâng cao hiệu quả của việc liên kết vùng, thì cần tạo ra một “tài sản chung” của các địa phương, đó là nên cho phép thành lập Quỹ Hội đồng vùng được hình thành từ một phần kinh phí do Trung ương cấp, một phần từ đóng góp của các địa phương và các nguồn khác. Quỹ này sẽ góp phần tạo ra nguồn lực để giải các bài toán nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông liên kết vùng, bao gồm đường cao tốc, hệ thống cảng biển logistics, đường sắt. Bởi liên kết vùng trước hết phải thể hiện ở liên kết giao thông, sau đó là liên kết tầm nhìn, liên kết chính sách. Các tỉnh trong vùng cần phải thảo luận kỹ với nhau xem là tỉnh mình có lợi thế gì, tỉnh bạn có lợi thế gì, từ đó thỏa thuận việc gì tỉnh mình làm, việc gì tỉnh bạn làm, việc gì phân công nhau để cùng làm.

Nền kinh tế thế giới còn có sự phân công sản xuất, có thể nhiều quốc gia cùng nhau làm một sản phẩm, mỗi nước làm một công đoạn. Các quốc gia khác nhau còn thỏa thuận được để tổ chức phân công lao động nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Vậy cớ gì các tỉnh, thành phố trong cùng một quốc gia, cùng một vùng kinh tế lại không thể thỏa thuận, phân công, liên kết với nhau để tạo ra hiệu quả sản xuất cao hơn? Ngoài việc chủ động liên kết của các địa phương thì các cơ quan hoạch định chính sách ở cấp trên cũng cần hướng mạnh đến tạo các cơ chế, chính sách phát triển với quy mô vùng, thay vì quy mô tỉnh, thành phố.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc