Theo số liệu của Tổng cục Thống kê , tổng khối lượng phụ phẩm năm 2020 của cả nước khoảng 156,8 triệu tấn, gồm: 88,9 triệu tấn phụ phẩm từ ngành trồng trọt (chiếm 56,7%); 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%); 5,5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm 3,5%) và khoảng gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (0,64%). Tỷ lệ thu gom phụ phẩm trồng trọt đạt khoảng 52%, trong chăn nuôi là 75%, trong lâm nghiệp là 50,2% và thủy sản là 90%.
Toàn cảnh hội thảo.
Hiện nay, nhiều loại mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) đã được áp dụng trên nhiều quy mô và lĩnh vực khác nhau. Điển hình Mô hình canh tác lúa sử dụng trấu làm chất đốt-củi trấu tại xã Vĩnh Bình, An Giang, với công suất 80.000 tấn/năm tạo ra 16.000 tấn trấu (lượng trấu sử dụng vào việc sấy lúa cho nhà máy chiếm khoảng 50% (8.000 tấn trấu) và phần còn lại sẽ được chế biến thành thanh củi trấu bán ra thị trường). Mô hình giúp cắt giảm khí nhà kính (CO 2 ), giảm chi phí năng lượng 30%, tăng lợi nhuận 400.000 đồng/tấn từ việc bán củi trấu tương đương 3,2 tỷ đồng/năm.
Thứ hai, loại mô hình tuần hoàn lấy phụ phẩm trồng trọt sử dụng rơm rạ để trồng nấm rơm, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Nhiều hộ dân có thể vùi rơm vào đất để lưu giữ nguồn phân bón cho vụ sau, hoặc dùng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ để tăng vi sinh vật hữu cơ giúp cải tạo đất; rơm rạ làm thức ăn cho gia súc. Thực tế cho thấy, lượng rơm rạ từ một ha trồng lúa có thể tạo trồng được 250-300kg nấm tươi. Với giá bán từ 25.000-27.000 đồng/kg nấm tươi, một ha trong mô hình này, ngoài tiền lúa, người nông dân có thể thu được từ 6 - 8 triệu đồng.
Đặc biệt, rơm rạ có thể sử dụng sản xuất Ethanol. Viện Dầu khí Việt Nam năm 2013 công bố công trình nghiên cứu biến rơm rạ và các phụ phẩm như trấu, bã mía thành nhiên liệu lỏng dầu sinh học (bio-oil). Với hiệu suất thu hồi lỏng dầu sinh học, nguồn nguyên liệu rơm rạ của Việt Nam có thể sản xuất được 31 triệu tấn bio-oil mỗi năm để làm nhiên liệu thay thế, đồng thời có thể nâng cấp để sản xuất xăng, dầu diezel trong tương lai gần.
Thứ ba, loại mô hình tiết chế hóa. Mô hình này gắn liền với việc hạn chế sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc thú y, thuốc tăng trưởng trong trồng trọt và chăn nuôi để không tác động xấu đến môi trường và làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Các biện pháp thay thế như: Bao trái ở cây ăn quả; tìm giống kháng rầy, kháng sâu ở lúa và hoa màu; sử dụng các loại phân vi sinh bón cho cây rau quả củ thay vì phân hóa học…
Thứ tư là mô hình kết hợp trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản (mô hình VAC, lúa-tôm, lúa-cá…), mô hình nông-lâm kết hợp, mô hình vườn-rừng. Mô hình Vườn-Ao-Chuồng-Bioga (VACB); Vườn-Ao-Chuồng-Rừng (VACR) ở các tỉnh miền núi; Vườn-Ao-Hồ (VAH) ở các tỉnh miền Trung. Thực hiện mô hình nông nghiệp này vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao, vừa giúp giảm phát thải khí nhà kính. Trong mô hình này, khi nuôi tôm hoặc cá trong ruộng lúa, phân của tôm, cá và thức ăn còn dư (của tôm, cá) sẽ làm phân bón bổ sung dinh dưỡng cho cây lúa; ngược lại, khi gặt lúa xong, thả tôm (cá) vào ruộng, gốc rạ, thóc rơi vãi trở thành nguồn thức ăn cho tôm, cá. Mô hình “lúa, tôm”, “lúa, cá” được triển khai trong thực tiễn đã giúp giảm dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường, tạo sản phẩm an toàn, nhất là giúp nông dân nâng cao thu nhập gấp từ 5-10 lần trên cùng một đơn vị diện tích so với chỉ trồng lúa.
Trồng nấm rơm từ rơm rạ ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Tiến sĩ Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN-PTNT) cho rằng để xây dựng nền kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp thì việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ giữ vai trò rất quan trọng, giúp tăng hiệu quả và sự thành công của nền nông nghiệp.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Lượng phụ phẩm, chất thải nông nghiệp hằng năm là rất lớn, trong khi đó hiện số lượng phụ phẩm, chất thải được xử lý vẫn còn thấp so với yêu cầu. Vì thế yêu cầu đặt ra trong thời gian tới đối với chúng ta phải thực hiện xây dựng nền kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp nhằm góp phần bảo vệ môi trường đồng thời giúp gia tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy xây dựng nền nông nghiệp nước ta theo hướng Xanh, hiện đại, bền vững.
Nguồn: Tin, ảnh: NGUYỄN KIỂM/qdnd.vn
Tin mới cập nhật
- Chú trọng phát triển trí tuệ thông minh, cơ sở dữ liệu, nền tảng để bứt phá tới tương lai ( 23/01)
- Chính phủ ban hành Nghị quyết về giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025 ( 16/01)
- Ngoại giao kinh tế đâu phải vì mục tiêu viển vông! ( 14/01)
- 10 sự kiện nổi bật của ngành Tài chính năm 2024 ( 31/12)
- Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp để năm 2025 tăng trưởng kinh tế hai con số ( 29/12)
- Triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp để "cả hai cùng thắng" ( 17/12)