Xử lý "điểm nghẽn" để ngành công nghiệp bứt phá
EmailPrintAa
16:33 02/06/2017

Qua hơn 2 năm triển khai Đề án tái cơ cấu ngành công thương theo Quyết định số 2146/QĐ-TTg ngày 1-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai quá trình tái cơ cấu công nghiệp và đã thu được một số kết quả nhất định. Mặc dù vậy, nhìn tổng thể ngành công nghiệp nước ta vẫn còn nhiều bất cập nên quá trình tái cơ cấu chuyển dịch chậm so với mục tiêu đề ra.

Tái cơ cấu ngành công nghiệp chưa đi vào chiều sâu

Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2006-2015, công nghiệp Việt Nam đã có những thành tựu nổi bật, giá trị sản xuất công nghiệp sau 10 năm đã tăng cao gấp 3,5 lần, với tỷ trọng đóng góp vào GDP duy trì ổn định ở mức khoảng 30-32% và trở thành ngành đóng góp nhiều nhất vào ngân sách Nhà nước. Công nghiệp luôn là ngành xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam với tỷ trọng ở mức xấp xỉ 90% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước qua các năm...

Mặc dù vậy, trong những năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp đang có xu hướng chậm lại, từ trung bình 14,3%/năm trong giai đoạn 2006-2010 đã giảm xuống còn 10% giai đoạn 2011-2016 và giảm ở hầu hết trong các nhóm ngành công nghiệp; tốc độ tăng năng suất lao động của ngành công nghiệp giai đoạn 2006-2015 chỉ đạt mức 2,4%, chậm hơn nhiều so với tốc độ tăng bình quân của nền kinh tế là 3,9%. Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đưa ra thực tế: Năng suất lao động ngành công nghiệp nước ta bị bỏ xa so với các nước phát triển và các nước trong khu vực. Năng suất lao động ngành công nghiệp của Nhật Bản cao gấp 39 lần, Xin-ga-po cao gấp 26 lần, Hàn Quốc cao gấp 16 lần so với Việt Nam. Không những thế, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng trong công nghiệp nước ta đạt thấp, tỷ trọng giá trị gia tăng ngành công nghiệp trong GDP giảm từ 32% năm 2010 xuống còn khoảng 28% năm 2015. Hiện Việt Nam đứng thứ 101/143 quốc gia về chỉ số giá trị gia tăng trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo theo bình quân đầu người. Rõ ràng, đây là những vấn đề đáng lo ngại khi mà Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa.

 

Sản xuất bóng đèn theo công nghệ tiên tiến của Nhật Bản tại Công ty Cổ phần bóng đèn Điện Quang, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

 

Kinh nghiệm của một số quốc gia thực hiện công nghiệp hóa thành công như Nhật Bản và Hàn Quốc cho thấy, ở giai đoạn đầu phát triển công nghiệp đều có chung đặc trưng là tốc độ tăng trưởng rất cao, cả hai quốc gia này đều có tốc độ tăng trưởng hơn 30%/năm. Trong khi đó Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của công nghiệp hóa nhưng độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp đang giảm dần. Các chuyên gia cảnh báo, nếu không có những đột phá để thúc đẩy sự tăng trưởng trở lại của ngành công nghiệp, Việt Nam sẽ rất khó khăn để có thể thực hiện được mục tiêu công nghiệp hóa.

Nhiều "điểm nghẽn" lớn

Đánh giá về thực trạng trên, các chuyên gia bày tỏ lo ngại về việc tái cơ cấu trong lĩnh vực công nghiệp chuyển dịch vẫn còn chậm, chưa đi vào chiều sâu. Tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp giảm dần thời gian qua chủ yếu là do các ngành công nghiệp hàng đầu đều đã chạm tới các giới hạn về cầu và thị trường. Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chủ đạo vẫn tập trung ở ngành công nghệ thấp và ở khâu gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp; việc phát triển công nghiệp dựa vào chiều rộng đã gần tới hạn và khó có thể tăng nhanh hơn nữa. Trong khi đó, các ngành công nghiệp mới nổi lên chưa có khả năng thay thế, còn ít các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Bộ Công Thương đã thẳng thắn nhìn nhận, tăng trưởng công nghiệp phụ thuộc nhiều vào các yếu tố về vốn, tài nguyên, chưa dựa nhiều vào tri thức, khoa học và công nghệ, lao động có kỹ năng. Mặt khác, một số ngành công nghiệp chủ đạo chưa được tổ chức theo mô hình chuỗi giá trị, đặc biệt là các ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu. Việt Nam chỉ tham gia được ở các công đoạn có giá trị gia tăng thấp, không chủ động được nguồn cung cho sản xuất, đặc biệt là đối với các ngành phải nhập khẩu nguyên phụ liệu như: Dệt may, da giày, điện tử, hóa chất... Chính vì vậy, công nghiệp Việt Nam đạt thành tích lớn về quy mô xuất khẩu, nhưng thực chất giá trị gia tăng thu về chưa tương xứng. Trong khi đó, công nghiệp là ngành liên tục nhập siêu, cho thấy ngành công nghiệp Việt Nam còn phụ thuộc vào nhập khẩu, thiếu chủ động và dễ tổn thương trước các biến động của thị trường thế giới...

Những hạn chế, tồn tại này không chỉ là vấn đề của riêng ngành công nghiệp mà là vấn đề chung của toàn nền kinh tế, gây cản trở trong tăng trưởng kinh tế nói chung, tăng trưởng công nghiệp nói riêng. Thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội khóa XIV về “Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, giai đoạn 2016-2020”, Bộ Công Thương đã hoàn thiện dự thảo Đề án “Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2017-2020” và dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 6-2017. Mục tiêu của đề án này là cơ cấu lại thực chất ngành công nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến sâu (nông-lâm-thủy sản), công nghiệp chế tạo; tăng năng suất nội bộ ngành; tập trung vào một số ngành công nghiệp nền tảng, có lợi thế cạnh tranh... Đề án cũng đã thẳng thắn chỉ ra 12 điểm nghẽn lớn trong phát triển các ngành công nghiệp của nước ta; đồng thời đưa ra 8 nhóm vấn đề, 55 hoạt động chính sẽ được triển khai để xử lý những điểm nghẽn này.

TS Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, để ngành công nghiệp có năng suất lao động và năng lực cạnh tranh cao hơn thì một nhiệm vụ của tái cơ cấu ngành là phải tăng được hàm lượng công nghệ; ngành công nghiệp trong những năm tới cần phải đón đầu xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chỉ nên tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ cho một số ngành, lĩnh vực cụ thể mà không nên dàn trải, trong đó chú trọng đầu tư vào công nghiệp phụ trợ cho những ngành có quy mô kinh tế lớn như công nghiệp điện tử, vì dung lượng thị trường khá lớn. Vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp trong nước cần nâng cao năng lực về nguồn nhân lực, công nghệ để đáp ứng được yêu cầu trong quá trình tham gia vào chuỗi giá trị. Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, cách tốt nhất là đào tạo hoặc xây dựng các tiêu chuẩn giúp doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu đưa ra.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần lựa chọn một số ngành công nghiệp có quy mô lớn và đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế để tập trung cải thiện năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng như: Dệt may, ngành công nghiệp thực phẩm, chế tạo, điện tử viễn thông, năng lượng tái tạo... Mặt khác, cần tiếp tục đẩy mạnh chuyên môn hóa và dịch chuyển lên các nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị thay vì tiếp tục gia công, lắp ráp như hiện tại; chuyển dịch sang các ngành công nghiệp, công nghệ cao hơn. Các chuyên gia cũng nhận định, cần thu hẹp phạm vi các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn để tập trung đầu tư về chính sách, nguồn lực, tránh dàn trải...

Theo qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc