Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo của Chính phủ tại Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 9/5. (Ảnh: DUY LINH)
Trên đây là nhận định của Chính phủ tại báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong Phiên họp thứ 23 sáng 9/5.
Khu vực dịch vụ, du lịch phục hồi tích cực
Thừa ủy quyền của Chính phủ trình bày báo cáo, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2023 đã đạt nhiều kết quả tích cực. Chính phủ đã đánh giá chi tiết tình hình triển khai thực hiện, từ đó rút ra 9 nhóm kết quả đạt được, 4 nhóm hạn chế, khó khăn chủ yếu trong 4 tháng đầu năm, phân tích nguyên nhân, bối cảnh và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm.
Cụ thể, tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức hợp lý, các cân đối lớn được bảo đảm, giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, chủ động điều hành chính sách tiền tệ hỗ trợ giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường; bảo đảm an toàn, thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
Chính phủ đã tiếp tục nghiên cứu, xác định phương án điều chỉnh giá điện phù hợp để hạn chế tối đa tác động cộng hưởng của việc điều chỉnh giá điện đến lạm phát, chi phí sản xuất, sinh hoạt của người dân, đồng thời bảo đảm nguồn lực đầu tư các dự án nguồn điện, lưới điện cho doanh nghiệp trong nước. Bảo đảm nguồn cung xăng dầu, điện, giữ vững an ninh năng lượng, an ninh lương thực trong nước.
Cùng với đó, tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế ở một số cơ sở khám, chữa bệnh. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc trong việc đấu thầu, mua sắm thuốc, thiết bị vật tư y tế tại các bệnh viện; ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế nhằm đáp ứng yêu cầu của người dân trong tình hình mới.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh được duy trì, một số lĩnh vực có mức tăng khá. Sản xuất nông nghiệp ổn định; khu vực dịch vụ tiếp tục phục hồi tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 tăng 11,5% so cùng kỳ năm trước, tính chung 4 tháng tăng 12,8%. Ngành du lịch tiếp tục phục hồi mạnh; khách quốc tế đến nước ta 4 tháng ước đạt gần 3,7 triệu lượt khách, tăng gấp 19,2 lần cùng kỳ năm trước.
Chính phủ cũng đã tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, các tuyến đường cao tốc, đường ven biển và các dự án quan trọng quốc gia; đồng thời, kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai nhiều dự án quan trọng quốc gia, dự án lớn.
Xuất nhập khẩu, thu hút FDI gặp nhiều thách thức
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ nhìn nhận hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư tư nhân trong nước, thu hút FDI … vẫn còn gặp khó khăn. Tăng trưởng tín dụng thấp cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế tiếp tục khó khăn. Mặt bằng lãi suất cho vay dù đã giảm 0,41 điểm % so với cuối năm 2022 nhưng vẫn ở mức cao, bình quân là 9,56%/năm.
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động 4 tháng giảm 2% so cùng kỳ (gần 78,9 nghìn doanh nghiệp), trong khi doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 25,1% (77 nghìn doanh nghiệp).
Các đại biểu dự phiên họp sáng 9/5. (Ảnh: DUY LINH)
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa tính chung 4 tháng đều giảm, nhất là xuất khẩu sang các thị trường lớn, xuất khẩu sang Trung Quốc 4 tháng giảm 7,9%, trong khi nền kinh tế nước này phục hồi khá tích cực.
Theo Chính phủ, áp lực điều hành kinh tế vĩ mô gia tăng. Tăng trưởng kinh tế thấp hơn kịch bản đề ra; sản xuất, kinh doanh, đầu tư gặp nhiều khó khăn, xuất nhập khẩu giảm… khả năng sẽ tác động đến thu ngân sách nhà nước ngay trong quý II và cả năm.
“Điều hành chính sách tiền tệ có thể khó khăn hơn, nhất là trong bối cảnh chính sách tiền tệ của Mỹ, EU sẽ phức tạp, khó dự báo hơn. Xuất nhập khẩu, thu hút FDI gặp nhiều thách thức khi hầu hết các thị trường xuất khẩu lớn suy yếu, dòng vốn FDI toàn cầu thu hẹp, áp lực cạnh tranh gia tăng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.
Điều hành giá chịu áp lực lớn hơn trước nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong mùa nắng nóng sắp tới, cùng với việc dự kiến điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế và các mặt hàng do Nhà nước kiểm soát giá, điều chỉnh chính sách tiền lương có thể tạo áp lực lên đến lạm phát. Tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng ảnh hưởng tới mục tiêu thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân và chính sách an sinh xã hội.
Tăng trưởng kinh tế quý I ước đạt 3,32% so cùng kỳ năm trước, thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (5,6%). Khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 0,4%, trong đó công nghiệp giảm 0,82%, làm giảm tốc độ tăng trưởng của toàn nền kinh tế.
Tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Chính phủ xác định tiếp tục nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tiếp tục bám sát diễn biến, tình hình quốc tế, khu vực, việc điều chỉnh sách của các nước, đối tác để kịp thời dự báo, xây dựng các kịch bản ứng phó, phản ứng chính sách kịp thời; điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm và chính sách vĩ mô khác.
Đồng thời, tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh thương mại điện tử, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phát huy các FTA đã ký kết; tranh thủ cơ hội xuất khẩu của từng thị trường, mặt hàng; triển khai hiệu quả các chính sách kích cầu tiêu dùng, phát triển thương mại trong nước; nghiên cứu, tham mưu các giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động xã hội; có cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, thu hút FDI trong bối cảnh áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu.
Chính phủ cũng sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh đã ban hành; nắm chắc diễn biến tình hình thế giới, trong nước, kịp thời ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách tài khóa, nhất là về thuế, phí, lệ phí,... chính sách tiền tệ cũng như các chính sách vĩ mô khác để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, nền kinh tế, người lao động, bảo đảm an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tháo gỡ triệt để khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế; tiếp tục cơ cấu lại lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; rà soát các vấn đề tồn đọng, thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; tích cực đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng; đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công các dự án, công trình; bảo đảm tiến độ đầu tư, xây dựng các công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm…
Nguồn: VĂN TOẢN/nhandan.vn
( https://nhandan.vn/xuat-nhap-khau-thu-hut-fdi-gap-nhieu-thach-thuc-post751761.html )
Tin mới cập nhật
- Chú trọng phát triển trí tuệ thông minh, cơ sở dữ liệu, nền tảng để bứt phá tới tương lai ( 23/01)
- Chính phủ ban hành Nghị quyết về giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025 ( 16/01)
- Ngoại giao kinh tế đâu phải vì mục tiêu viển vông! ( 14/01)
- 10 sự kiện nổi bật của ngành Tài chính năm 2024 ( 31/12)
- Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp để năm 2025 tăng trưởng kinh tế hai con số ( 29/12)
- Triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp để "cả hai cùng thắng" ( 17/12)