Xuất siêu kỷ lục nhưng chưa vội mừng
EmailPrintAa
15:22 09/09/2020

Xuất khẩu (XK) của Việt Nam vẫn đang trên đà hồi phục do tận dụng lợi thế là quốc gia sớm kiểm soát dịch bệnh và bước đầu khai thác được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.

Kết quả này cho thấy nỗ lực vượt bậc của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Song không thể hoàn toàn vui mừng vì mức xuất siêu kỷ lục đạt 11,9 tỷ USD trong 8 tháng năm 2020, bởi ẩn chứa đằng sau là nỗi lo DN giảm nhập nguyên liệu, máy móc phục vụ sản xuất, dẫn tới cơ hội việc làm bị ảnh hưởng...

Khó khăn bủa vây, vẫn có nhiều điểm sáng

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ở trong nước và trên thế giới khiến hoạt động thương mại của Việt Nam sụt giảm so với cùng kỳ năm 2019. Nhưng điểm đáng ghi nhận là vượt qua các cú sốc đến từ biến động thị trường, hoạt động thương mại của Việt Nam dần lấy lại đà tăng trưởng. Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch XK trong tháng 8-2020 tăng 6,5% so với tháng 7-2020 và tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 26,5 tỷ USD, là mức cao nhất tính theo tháng trong năm 2020. Tính chung, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2020 ước đạt 336,32 tỷ USD, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó XK đạt 174,11 tỷ USD, tăng 1,6%; nhập khẩu 162,21 tỷ USD, giảm 2,2%. Tính chung 8 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 11,9 tỷ USD.

Nhìn vào con số 11,9 tỷ USD có thể thấy đây là mức xuất siêu kỷ lục của Việt Nam, vượt qua cả con số xuất siêu 9,9 tỷ USD của cả năm 2019. Trong khi đó, con số xuất siêu 9,9 tỷ USD của năm 2019 đã là mức cao nhất trong 4 năm liên tiếp xuất siêu của Việt Nam. Việc duy trì được xuất siêu mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế. Xuất siêu lớn giúp tăng nguồn cung ngoại tệ, ổn định thị trường ngoại hối và cán cân thanh toán quốc tế, ổn định tỷ giá đồng nội tệ. Từ đó, khả năng can thiệp của cơ quan điều hành cũng tốt hơn.

Xuất hàng tại Khu liên hợp gang thép Hòa Phát (Kinh Môn, Hải Dương).

Một điểm sáng nổi bật của bức tranh xuất, nhập khẩu 8 tháng năm 2020 là sự tăng trưởng vượt bậc của khu vực DN trong nước. Cụ thể, nếu như những năm trước, XK của khối DN FDI luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn so với khối DN trong nước thì 8 tháng năm 2020, khối DN trong nước đã đạt mức tăng trưởng 15,3%, cao hơn nhiều mức tăng trưởng -4,5% của khối DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang được các DN tận dụng hiệu quả, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Sau một tháng EVFTA có hiệu lực (từ ngày 1-8-2020), các tổ chức được ủy quyền đã cấp hơn 7.200 bộ giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD đi các nước EU. Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan... với thị trường nhập khẩu là các nước Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp... Trong đó, nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi.

Xuất siêu kỷ lục do giảm nhập khẩu

Xuất siêu mang lại nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, xuất siêu chỉ có ý nghĩa thực sự khi chỉ số XK và nhập khẩu đều tăng trưởng. Phân tích về điều này, TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), cho hay: Với con số xuất siêu lần này là do nhập khẩu giảm quá mạnh, dẫn tới điều lo lắng. Bởi nhập khẩu của Việt Nam tới 90% là tư liệu sản xuất, nhập khẩu hàng tiêu dùng chỉ chiếm 10%. Giảm nhập khẩu hiện nay đồng nghĩa với việc giảm nhập nguyên liệu, máy móc phục vụ sản xuất, sẽ gây ảnh hưởng đến sản xuất trong tương lai.

Số liệu từ Bộ Công Thương cũng cho thấy, tính chung 8 tháng năm 2020, sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giảm so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 4,3%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 2,5%; vải các loại giảm 13%; sắt, thép các loại giảm 13,2%; chất dẻo nguyên liệu giảm 12,3%; nguyên phụ liệu dệt may, da giày giảm 14,1%; hóa chất giảm 8%... Trong số các mặt hàng nhập khẩu chính, chỉ có một số ít mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2019 như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 15,2%; sản phẩm từ chất dẻo tăng 6,5%; sản phẩm hóa chất tăng 2,1%...

Phân tích về bức tranh xuất nhập khẩu 8 tháng năm 2020, theo chuyên gia thương mại Phạm Tất Thắng: Việc Việt Nam giảm nhập khẩu trong 8 tháng qua là do khi DN có đơn hàng XK thì chuỗi cung ứng nguyên vật liệu lại bị đứt gãy nên không nhập được; còn hiện nay, nhiều DN không có đơn hàng XK nên không nhập nguyên liệu đầu vào để sản xuất. Đáng chú ý, xuất siêu chủ yếu do DN FDI vẫn giữ khá tốt được đơn hàng, tổ chức được nguồn cung cấp nguyên liệu cho quá trình sản xuất. Điều này khẳng định, việc tổ chức các chuỗi cung ứng là đặc biệt quan trọng nếu muốn hướng tới nền kinh tế tự chủ.

Cần chính sách hỗ trợ đủ mạnh, thực chất để vực dậy doanh nghiệp

Trong lúc dịch Covid-19 còn tiếp tục tác động tiêu cực tới thương mại trong nước cũng như thế giới, các chuyên gia khuyến nghị cần có chính sách hỗ trợ đủ mạnh, thực chất về tín dụng, tài chính và thuế để giúp các DN bảo đảm hoạt động sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội. Ngoài ra, trong bối cảnh nhu cầu chi tiêu trong xã hội giảm mạnh và kéo dài do dịch bệnh, chi tiêu của Chính phủ là công cụ chính để kích thích tổng cầu trong nền kinh tế. Do đó, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công một cách hiệu quả đóng vai trò quan trọng để giúp phục hồi sản xuất, duy trì tăng trưởng.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Các FTA mang lại nhiều cơ hội cho DN Việt Nam. Nhưng hiện nay tỷ lệ tận dụng FTA còn thấp, do một số bộ, ngành, địa phương và các DN Việt Nam nhận thức còn hạn chế về các FTA. “Muốn được hưởng các lợi ích mà hiệp định mang đến, nhất là hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi thì các cơ quan quản lý, DN phải rất hiểu các cam kết để thực hiện tốt và hóa giải các thách thức. Do đó, DN cần phải chủ động tìm hiểu về các FTA, chủ động thay đổi để thích ứng với các tiêu chuẩn cao. Cùng với đó, để chủ động được chuỗi sản xuất, đáp ứng quy tắc xuất xứ trong các FTA thế hệ mới, việc thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ là điều cần được Chính phủ quan tâm”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Để mở rộng đầu ra cho hàng hóa, từ đó thúc đẩy sản xuất, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho hay, thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến các cam kết trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, phương án cam kết cắt giảm/xóa bỏ thuế nhập khẩu hàng hóa và các cam kết về tiếp cận thị trường của Hiệp định EVFTA và các FTA khác để nâng cao sự hiểu biết của người dân và DN về các cam kết của hiệp định. Đồng thời tăng cường triển khai các hình thức xúc tiến thương mại áp dụng các công cụ trực tuyến để duy trì thị trường, quan hệ với các đối tác, hỗ trợ DN nhanh chóng tìm được bạn hàng cho những mặt hàng nông sản thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch. “Đặc biệt, để đẩy mạnh sản xuất trong nước, Bộ Công Thương sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm nhằm đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho hay.

Nguồn: Vũ Dung/qdnd.vn

( https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/xuat-sieu-ky-luc-nhung-chua-voi-mung-634313 )


    Ý kiến bạn đọc