Đưa hàng nông thôn lên thành thị
EmailPrintAa
15:46 10/12/2020

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu sáng kiến đưa hàng nông thôn lên thành thị để chuyển thu nhập từ thành thị về nông thôn, giúp thúc đẩy sản lượng, công ăn việc làm và tăng trưởng ở vùng nông thôn. Đây là chỉ đạo rất quan trọng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với khu vực nông thôn và nông dân.

Thực ra, lâu nay, sản phẩm của bà con nông dân vẫn được đưa tới các đô thị, nhưng đều do nông dân tự đưa hàng đi, hoặc thông qua thương nhân trung gian. Nông dân vẫn luôn chịu thiệt thòi bởi phần lớn lợi nhuận từ sản phẩm đều nằm ở các khâu trung gian. Không chỉ bị ép giá, do thiếu kênh kết nối trực tiếp với thị trường đô thị, nhiều khi, sản phẩm nông dân sản xuất ra bị dồn ứ, không tiêu thụ được, trong khi người dân khu vực đô thị có nhu cầu tiêu thụ cao lại không tiếp cận được với nguồn sản phẩm như ý muốn. Điều đó gây thiệt hại cho cả nông dân và người tiêu dùng ở khu vực thành thị.

Ảnh minh họa. Nguồn: vietgap.vn

Những chuyện nghịch lý như thế đã được báo chí đăng tải rất nhiều. Chẳng hạn, dưa hấu, thanh long nông dân bán tại ruộng mỗi ki-lô-gam chỉ được vài trăm đồng, nhưng đầu mối vẫn thu mua rất ít, nên phải vứt bỏ hoặc cho trâu, bò ăn. Trong khi đó, người tiêu dùng đô thị vẫn phải mua dưa hấu, thanh long với giá hàng chục nghìn đồng mỗi ki-lô-gam. Vì thế, nếu có một chương trình chính thức đưa hàng nông thôn lên thành thị như sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ, thì đó là điều rất tốt lành cho cả nông dân và người tiêu dùng.

Hiện nay, một số tập đoàn bán lẻ lớn đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Đó là tín hiệu vừa đáng mừng, vừa đáng lo. Muốn cạnh tranh, giành lại thị phần, đòi hỏi nông dân phải nâng chất lượng và thương hiệu sản phẩm, đồng thời các doanh nghiệp bán lẻ trong nước phải chủ động, tích cực hơn để kết nối trực tiếp với nông dân, các vùng sản xuất, đưa thẳng hàng hóa từ cánh đồng, nơi sản xuất tới siêu thị để giảm chi phí lưu thông. Làm như vậy cũng là cách tốt nhất để thực hiện sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Nhà nước không thể làm thay doanh nghiệp, nhưng để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, các địa phương và ngành công thương phải có một chương trình rất cụ thể, chi tiết nhằm khơi thông các điểm nghẽn ở khâu xây dựng thương hiệu và lưu thông, phân phối hàng hóa trên thị trường nội địa. Ngành giao thông vận tải phải giải quyết được khâu yếu trong lưu thông hàng nông sản, giảm được tối đa chi phí trung gian cho nông dân, doanh nghiệp... Cần phải phát huy thế mạnh của mọi loại hình vận chuyển hàng hóa nông sản, tiến tới giảm tối đa chi phí vận chuyển thì mới có thể giảm chi phí đầu vào, góp phần giảm giá bán hàng hóa. Ngoài ra, các cơ quan hữu quan cần tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân tham gia mạnh mẽ hơn, thành lập nhiều hơn các tổ chức kinh tế tập thể như hợp tác xã, tổ hợp tác để liên kết trực tiếp với các hệ thống bán lẻ trên cả nước, bên cạnh việc đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm...

Điểm qua một vài việc đã có thể thấy, để thực hiện được sáng kiến của Thủ tướng, có rất nhiều việc, nhiều khâu, nhiều cơ quan cùng phải làm. Một sáng kiến được đưa ra đã gián tiếp chỉ ra rất nhiều khâu yếu, điểm yếu trong xây dựng thương hiệu, hệ thống phân phối, lưu thông hàng hóa nội địa cần được giải quyết sớm để củng cố sức mạnh nội tại trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, nền kinh tế nước ta ngày càng có độ mở lớn hơn, nông dân, doanh nghiệp nội địa có thêm nhiều cơ hội, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn...

Nguồn: Chiến Thắng/qdnd.vn

( https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/dua-hang-nong-thon-len-thanh-thi-646136 )


    Ý kiến bạn đọc