Hội Nông dân huyện Hương Sơn tham gia thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp
EmailPrintAa
17:32 28/10/2021

Thực hiện chủ trương của cấp ủy huyện, thời gian qua, Hội Nông dân huyện Hương Sơn đã tập trung triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp” của huyện, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đồng chí Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (người thứ 3 bên phải) cùng lãnh đạo huyện thăm vườn cam của ông Phạm Ngọc Thưởng, xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn

Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện tập trung chỉ đạo các cơ sở Hội triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với các đề án chuyên ngành, như: Đề án số 114/ĐA-UBND về chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển thủy sản huyện Hương Sơn giai đoạn 2017 - 2020, Đề án Phát triển chăn nuôi, Đề án Phát triển cây ăn quả, Đề án Phát triển chè... Các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân hiểu và thụ hưởng các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp của tỉnh, của huyện. Công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện một cách sáng tạo, qua sinh hoạt chi hội, hệ thống truyền thanh cơ sở, qua mạng xã hội Zalo, Facebook. Hội Nông dân huyện hợp đồng với Viện Rau quả Trung ương cử cán bộ về hướng dẫn thiết kế, trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây ăn quả có múi và sử dụng chế phẩm sinh học ủ rác hữu cơ thành phân vi sinh. Với phương châm “trăm nghe không bằng mắt thấy”, “không gì bằng nông dân nói cho nông dân nghe”, năm 2018 - 2019, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện đã tổ chức 11 đoàn cán bộ, hội viên đi tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình trong và ngoài tỉnh. Khi có dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện đã kịp thời in các tờ rơi phát cho hội viên, nông dân, hoặc in bảng hướng dẫn cắm trên các cánh đồng để người dân biết được bệnh gì, từ đó sử dụng loại thuốc phù hợp.

Từ năm 2018 đến nay, các cấp Hội đã tổ chức 1.359 cuộc tuyên truyền cho 67.950 lượt hội viên, nông dân, trong đó có 162 cuộc do Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện thiết kế bằng hình ảnh và trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn cải tạo vườn, xây dựng vườn mẫu, hướng dẫn quy trình ủ phân vi sinh từ rác thải hữu cơ. Thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện đã in, phát hơn 5.000 tờ hướng dẫn cách phòng, chống dịch và hướng dẫn cải tạo vườn tạp, phòng trừ các loại bệnh trên lúa, bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò.

Cùng với công tác tuyên truyền, các cấp Hội đã phối hợp mở các lớp đào tạo nghề cho 1.260 hội viên, nông dân; tổ chức hàng trăm buổi tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hơn 16.600 lượt hội viên, nông dân; phối hợp với các ngân hàng cho hơn 6.300 hộ vay 407 tỷ đồng phục vụ sản xuất, kinh doanh; phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng 1.833 tấn phân bón các loại dưới hình thức trả chậm...

Bảng tin của Hội Nông dân xã Sơn Trà

Nhiều hộ dân được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ cho vay vốn nên đã mạnh dạn huy động đầu tư phát triển sản xuất , từ sản xuất cây, con truyền thống, chuyển sang cơ cấu các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị và lợi nhuận cao. Những năm qua, nông dân trên địa bàn huyện đã chuyển đổi 455 ha diện tích lúa, màu sang trồng cây làm thức ăn chăn nuôi, 1.060 ha rừng trồng (chủ yếu là trồng keo) chuyển sang trồng cây ăn quả và cây chè. Nhiều gia đình đã thành lập trang trại trồng cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hoạt động của các cấp Hội Nông dân đã tích cực góp phần tăng nhanh quy mô các sản phẩm hàng hóa chủ lực của huyện. Từ năm 2017 đến nay, toàn huyện hình thành mới 21 trang trại chăn nuôi lợn quy mô 1.000 con trở lên, 11 trang trại chăn nuôi lợn quy mô 500 con trở lên liên kết với doanh nghiệp; năm 2020, tổng đàn lợn trên 61.500 con, tổng đàn hươu 36.609 con, sản lượng nhung hươu đạt trên 14,55 tấn, có 04 cơ sở chế biến nhung hươu đạt tiêu chuẩn OCOP. Đàn bò chuyển biến theo hướng thâm canh nâng cao chất lượng đàn, các giống bò Zêbu Brahman, 3B được nhiều hộ đưa vào nuôi, tổng đàn bò năm 2020 là 34.769 con. Đàn gia cầm phát triển mạnh, người dân sử dụng giống gà có năng suất, chất lượng cao, chăn nuôi theo hướng vừa trang trại, vừa gia trại, hình thành 04 trang trại chăn nuôi gà quy mô 10.000 con, 05 trang trại quy mô 5.000 con liên kết với doanh nghiệp, 106 hộ chăn nuôi gà quy mô 500 - 1.000 con; tổng đàn đạt 938 nghìn con. Diện tích trồng cam năm 2020 đạt 2.205 ha, năng suất bình quân 138 tạ/ha, sản lượng 15.935 tấn, tăng 142,32 % so với năm 2013.

Không chỉ tăng diện tích, người dân đã chú trọng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong phát triển cây ăn quả, như sử dụng giống cây ghép có nguồn gốc xuất xứ, đầu tư hệ thống tưới, bón phân hữu cơ, kỹ thuật tỉa cành, phòng trừ sâu bệnh; bước đầu áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, kỹ thuật bao quả. Đến cuối năm 2020, diện tích trồng chè công nghiệp đạt 605 ha, năng suất bình quân 130 tấn búp tươi/ha, sản lượng 7.670 tấn. Từ năm 2013 đến nay, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện đều tăng mạnh, đàn lợn tăng 95,96%, đàn bò tăng 59,18%, đàn hươu tăng 20%, diện tích cam tăng 147,91%, diện tích chè tăng 103%; tỷ trọng giá trị sản xuất các sản phẩm hàng hóa chủ lực ưu tiên (hươu, lợn, bò, cam) tăng từ 37,6% năm 2013 lên 49,2% năm 2020. Số hộ nông dân đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” các cấp hàng năm tăng, trung bình hằng năm có 9.600 hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, có 03 nông dân được tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”...

Đồng chí Bùi Nhân Sâm, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện uỷ Hương Sơn cho biết: “Thời gian qua hội viên, nông dân Hương Sơn đã góp phần tích cực thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp” của huyện và tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế, sản xuất các sản phẩm hàng hóa chủ lực gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Hoạt động của các cấp Hội ngày càng đổi mới, thiết thực, hiệu quả, được cấp ủy, chính quyền các cấp đánh giá cao” . Liên tục nhiều năm qua, công tác Hội và phong nông dân Hương Sơn đứng trong tốp đầu của tỉnh, năm 2020 tập thể Hội Nông dân huyện được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, các cấp Hội được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng 10 Bằng khen.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chỉ đạo hội viên, nông dân triển khai thực hiện các đề án phát triển kinh tế tại địa bàn của Hội Nông dân huyện Hương Sơn vẫn còn một số hạn chế. Kết quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu, kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao, sản xuất hàng hóa, quy mô lớn theo chuỗi giá trị, nhất là liên kết theo chuỗi với doanh nghiệp còn ít, thiếu bền vững. Số nông dân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn ở mức thấp; quy mô, sản lượng và giá trị các sản phẩm chủ lực đạt thấp so với mục tiêu của huyện...

Thời gian tới, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện Hương Sơn tiếp tục chỉ đạo các cơ sở Hội đẩy mạnh thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp”; tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu, tích cực góp phần xây dựng Hương Sơn đạt huyện nông thôn mới năm 2021.

Dương Trí Thức (Hội Nông dân tỉnh)


    Ý kiến bạn đọc