Huyện Đức Thọ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ
EmailPrintAa
21:51 22/05/2024

Huyện Đức Thọ hiện có hơn 11.066 ha đất sản xuất nông nghiệp. Xác định vai trò quan trọng của ngành nông nghiệp trong phát triển kinh tế, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn toàn huyện.

Các đồng chí Lãnh đạo huyện và Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm

tham quan gian hàng trưng bày nông sản hữu cơ

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Huyện ủy đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp, trong đó có Nghị quyết số 04-NQ/HU, ngày 28/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện “về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”; Nghị quyết số 09-NQ/HU, ngày 10/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện “về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030; Chỉ thị số 40-CT/HU, ngày 28/3/2024 của Ban Thường vụ Huyện ủy “về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn trên địa bàn huyện giai đoạn 2024 - 2025 và những năm tiếp theo”. Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành Đề án phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 272/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân huyện về một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2022 – 2025.

Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo rà soát thực tế các hộ chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn và lựa chọn 35 hộ chăn nuôi, sản xuất; tổ chức các đoàn công tác tham quan, học tập quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn tại Tập đoàn Quế Lâm (tỉnh Thừa Thiên Huế); tổ chức tọa đàm, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về nông nghiệp hữu cơ... Nhờ vậy, các cán bộ, hộ sản xuất, chăn nuôi đã được tìm hiểu về quy trình chăn nuôi hữu cơ, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, trồng trọt hữu cơ và các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai tại địa phương.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp kịp thời, ngành nông nghiệp huyện Đức Thọ đã đạt một số kết quả khá nổi bật. Đến nay, toàn huyện có 234ha lúa; 7,5ha cam sản xuất theo quy trình VietGAP; 98ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ trên ruộng rươi cáy tại các xã ngoài đê (Bùi La Nhân, Yên Hồ, Quang Vĩnh, Liên Minh, Tùng Châu) đem lại thu nhập khoảng 40 tỷ đồng/năm. Đồng thời, liên kết với Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm sản xuất 03 mô hình lúa hữu cơ tại 03 xã Lâm Trung Thủy, Bùi La Nhân và Yên Hồ; 04 mô hình chăn nuôi lợn tại các xã Đức Lạng, An Dũng, Tân Dân và Đức Đồng; 01 mô hình chăn nuôi gà tại xã Tân Hương và 01 mô hình chăn nuôi bò tại xã Bùi La Nhân.

Việc xây dựng các sản phẩm OCOP được quan tâm với 32 sản phẩm được chứng nhận đạt 3 sao trở lên, chất lượng sản phẩm ngày càng nâng cao. Nhiều cơ sở sản xuất đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng nhanh các tiến bộ khoa học vào sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mẫu mã cũng như tạo bộ nhận diện thương hiệu trên sàn thương mại điện tử. Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo xây dựng cơ sở kinh doanh và giới thiệu các sản phẩm hữu cơ với đa dạng các mặt hàng nông sản, các loại trái cây... thu hút sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo cán bộ và Nhân dân trên địa bàn.

Các đồng chí Lãnh đạo huyện kiểm tra mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại xã Bùi La Nhân

Tuy vậy, phát triển nông nghiệp hữu cơ tại huyện Đức Thọ chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế từng vùng, từng địa phương; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế; quy mô vùng sản xuất tập trung hàng hóa còn nhỏ lẻ và mang tính tự phát; chưa có các cơ chế, chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị…

Thời gian tới, để phát triển nông nghiệp của huyện theo hướng hàng hóa, nông nghiệp hữu cơ đạt kết quả cao, cấp ủy, chính quyền huyện Đức Thọ cần tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhằm khai thác và phát huy tiềm năng lợi thế của từng vùng, địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thứ hai, thực hiện tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, quy mô lớn để giảm chi phí sản xuất, và có điều kiện đầu tư khoa học công nghệ đồng bộ.

Thứ ba, tiếp tục tăng cường hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm và một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, giúp các hộ chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp hữu cơ tiếp cận với quy trình kỹ thuật và phương thức liên kết sản xuất, tiêu thụ. Phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn gắn bảo vệ môi trường, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp nông sản hàng hóa chủ lực của huyện có chất lượng gắn với thương hiệu, đem lại giá trị kinh tế cao và phát triển bền vững.

Thứ tư, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn chuyển giao kỹ thuật, khoa học công nghệ cho người sản xuất về sản xuất, thâm canh, áp dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp như: VietGAP, GlobolGAP, hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao…

Thứ năm, tăng cường phổ biến, hướng dẫn các cơ chế chính sách của Trung ương, tỉnh, huyện về hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn đến tận người dân.Phát triển nông nghiệp hữu cơ là bước đi phù hợp tạo ra các sản phẩm nông sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là chăn nuôi an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường, từng bước cải tạo đồng ruộng và môi trường sinh thái. Tin tưởng rằng, cấp ủy, chính quyền huyện Đức Thọ sẽ chỉ đạo phát huy lợi thế sẵn có, từng bước tháo gỡ khó khăn, xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp nhằm xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ an toàn và bền vững.

Phan Thị Thanh Tâm (Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đức Thọ)


    Ý kiến bạn đọc