Huyện Đức Thọ nỗ lực đạt chuẩn huyện nông thôn mới
EmailPrintAa
16:40 21/07/2020

Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận, chung sức của hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, huyện Đức Thọ đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh và đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trao Bằng công nhận huyện Đức Thọ đạt chuẩn huyện nông thôn mới

Triển khai xây dựng nông thôn mới, Đức Thọ là huyện thuần nông, điểm xuất phát thấp, số tiêu chí nông thôn mới bình quân đạt 4,8 tiêu chí/xã; chưa có nhà văn hóa xã, thôn nào đạt chuẩn; chưa có xã nào đạt tiêu chí Giao thông, Cơ sở vật chất văn hóa, Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, Môi trường; thu nhập bình quân đạt 13,67 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo 13,09%.

Trước tình hình đó, cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện đã tranh thủ sự giúp đỡ của Tỉnh, ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo; phân công các tổ, thành viên đoàn công tác bám sát cơ sở để thường xuyên chỉ đạo thực hiện các tiêu chí. Phát huy dân chủ, sự đồng tình, ủng hộ và tham gia tích cực của người dân, trong 10 năm qua, toàn huyện đã huy động được 3.229 tỷ đồng (vốn ngân sách 657 tỷ đồng, vốn lồng ghép 1.191 tỷ đồng, vốn tín dụng 445 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 153 tỷ đồng, Nhân dân đóng góp 555 tỷ đồng, con em xa quê đóng góp và nguồn khác 235 tỷ đồng) đồng thời vận động 12.474 hộ hiến hàng trăm nghìn m 2 đất mở rộng đường giao thông và các công trình phúc lợi khác.

Mô hình trồng dưa lưới ở xã Yên Hồ

Toàn huyện xây dựng được 851 mô hình kinh tế cho doanh thu từ 300 triệu đến 1,5 tỷ đồng/năm. Thu hút đầu tư các dự án vào công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại, chuyển đổi ngành nghề trong lao động nông thôn, tiêu biểu là cụm công nghiệp Thái Yên, cụm công nghiệp huyện. Thành lập mới 217 doanh nghiệp, 180 hợp tác xã, 256 tổ hợp tác, 1.431 mô hình kinh tế có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên, trong đó có 191 mô hình doanh thu 1 tỷ đồng/năm. Triển khai sâu rộng phong trào xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, đã có 62/147 thôn đạt chuẩn (tiêu biểu là các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu Châu Nội, Thông Tự - xã Tùng Ảnh, thôn Đại Nghĩa - xã Đức Yên), các thôn còn lại đạt trên 50%; có 1.388 vườn hộ đã và đang xây dựng vườn mẫu, trong đó 607 vườn đã đạt chuẩn. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2017 - 2020, đã có 07 sản phẩm đạt 3 sao, nổi bật như: Kệ gỗ, giường gỗ, bộ bàn ghế sofa gỗ Thái Yên, Bánh gai Đức Yên, gạo Thế Cường (Đức Lâm), Dầu lạc... Tổng nguồn vốn huy động các chi nhánh ngân hàng thương mại và quỹ tín dụng nhân dân giai đoạn 2015 - 2019 đạt 13.250 tỷ đồng, doanh số cho vay 7.640 tỷ đồng, tăng bình quân 2,71%. Thu ngân sách trên địa bàn bình quân giai đoạn 2015 - 2019 đạt trên 200 tỷ đồng/năm. Thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt 41,5 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo tiêu chuẩn nông thôn mới còn  2,09%.

Một số sản phẩm OCOP tiêu biểu

Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa có chuyển biến tích cực, 93,6% trường học đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 92,5%. Công tác xây dựng Ðảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị được tăng cường. Đức Thọ là địa phương duy nhất của tỉnh thực hiện mô hình Bí thư Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện; đã sáp nhập 28 xã, thị trấn thành 16 xã, thị trấn, sau sáp nhập đã từng bước củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền, các đoàn thể.

Huyện Đức Thọ đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới, 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới; sau đạt chuẩn, các xã đều nâng cấp mức độ các tiêu chí theo bộ tiêu chí mới, trong đó có 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công nhận Đức Thọ đạt chuẩn huyện nông thôn mới, trở thành huyện thứ ba của tỉnh đạt chuẩn. Nông thôn mới huyện Đức Thọ có bản sắc riêng, phong trào xây dựng nông thôn mới đã lan tỏa  thấm sâu vào người dân, trở thành khát vọng đổi mới quê hương và thay đổi chính mình. Qua quá trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Đức Thọ, rút ra một số kinh nghiệm:

Một là , xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, từ đó tạo phong trào và sự đoàn kết vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân.

Hai là , xây dựng nông thôn mới trong điều kiện là huyện thuần nông, điểm xuất phát thấp nhưng đã lấy sự đồng thuận của người dân làm gốc. Tuyên truyền, vận động người dân tự giác thực hiện là biện pháp hàng đầu với phương châm dân được biết, được bàn, được kiểm tra, tự giác thực hiện và hưởng lợi. Tất cả các khâu từ ra soát đánh giá thực trạng, lập đề án, huy động đóng góp, tổ chức thực hiện và giám sát…, cấp ủy, chính quyền các cấp đã công khai, lắng nghe, tranh thủ ý kiến đóng góp của người dân.

Ba là , chọn việc dễ làm trước khó làm sau, làm “từ trong ra ngoài”.

B ốn , kết hợp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm với lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án đang triển khai ở nông thôn để thực hiện các tiêu chí theo lộ trình.

Năm là , tranh thủ tất cả các nguồn lực, trong đó có nguồn lực từ con em xa quê, dòng họ đóng góp hỗ trợ quê hương. Các nguồn kinh phí được sử dụng công khai, đúng mục đích đã làm cho người dân tin tưởng, tích cực tham gia đóng góp thực hiện tiêu chí nông thôn mới.

Phát huy kết quả đạt được, huyện Đức Thọ sẽ phấn đấu đạt huyện nông thôn mới nâng cao trong giai đoạn 2020 - 2025, phát huy thế mạnh vùng đất giàu truyền thống văn hóa với định hướng: Phát triển nông nghiệp bền vững, ứng dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật sản xuất theo hướng hữu cơ, thích ứng biến đổi khí hậu gắn với phát triển thương mại dịch vụ, du lịch.

Mai Thị Ngọc Hà (Chuyên viên Cơ quan Tổ chức - Nội vụ huyện Đức Thọ)


    Ý kiến bạn đọc