Huyện Hương Khê thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp
EmailPrintAa
16:35 18/11/2021

Hương Khê là huyện miền núi, diện tích tự nhiên 126.293,8 ha, trong đó có trên 17.878 ha đất sản xuất nông nghiệp. Triển khai thực hiện chủ trương của Trung ương, của tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngày 16/3/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hương Khê ban hành Nghị quyết số 01-NQ/HU về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Thu hoạch bưởi Phúc Trạch

Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết số 01-NQ/HU gắn với Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X và Nghị quyết số 08-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; chỉ đạo đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo hướng doanh nghiệp hóa sản phẩm, liên kết hóa sản xuất, phát triển các loại hình hợp tác xã, tổ hợp tác; ứng dụng mạnh mẽ, chuyển giao khoa học công nghệ và đổi mới hoạt động khuyến nông; đẩy mạnh tích tụ, tập trung ruộng đất sản xuất; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kêu gọi, liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Triển khai Nghị quyết, Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND, ngày 18/4/2017 về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững và các kế hoạch sản xuất nông nghiệp hằng năm; Hội đồng nhân dân huyện ban hành Nghị quyết số 38/NQ-HĐND, ngày 19/12/2018 về hỗ trợ xây dựng khu dân cư mẫu trong xây dựng nông thôn mới; Nghị quyết số 83/NQ-HĐND, ngày 22/12/2020 về chính sách hỗ trợ xây dựng đường giao thông, rãnh thoát nước hai bên đường giao thông năm 2021; Nghị quyết số 16/NQ-HĐND, ngày 30/8/2021 về một số chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Tổng kinh phí đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp trong giai đoạn 2016 - 2021 trên 3.000 tỷ đồng.

Trang trại chăn nuôi lợn

Quá trình thực hiện các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh và Nghị quyết số 01-NQ/HU của Huyện ủy đã đem lại hiệu quả trên các lĩnh vực của ngành nông nghiệp. Về trồng trọt, giá trị sản xuất năm 2020 đạt 1.264 tỷ đồng, tăng 525 tỷ đồng so với năm 2015, trong đó, đã chú trọng khai thác tiềm năng về đất vườn, đồi tạo bước đột phá trong phát triển cây ăn quả chủ lực là cam Khe Mây, bưởi Phúc Trạch. Đến tháng 10/2021, toàn huyện có 2.700 ha bưởi Phúc Trạch, tăng 1.200 ha so với năm 2015, có 1.695 ha đã cho thu hoạch, năng suất 121 tạ/ha, sản lượng 20.509 tấn, giá trị sản xuất trên 698 tỷ đồng và 2.015 ha cam Khe Mây, tăng 715ha so với năm 2015, trên 1.467 ha diện tích đã cho thu hoạch, năng suất đạt 88 tạ/ha, sản lượng 12.909 tấn, giá trị sản xuất trên 322 tỷ đồng. Hiện nay, 02 loại quả đặc sản này đều là các sản phẩm chủ lực có nhãn hiệu, được tiêu thụ trên toàn quốc, không chỉ đem lại thu nhập cao cho người dân mà còn góp phần quảng bá hình ảnh Hương Khê trên khắp cả nước.

Các loại cây trồng khác cũng được chuyển đổi về cơ cấu giống, đất trồng, mùa vụ, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, như: Đưa vào sản xuất một số giống lúa mới, chuyển đổi trên 200ha đất trồng lúa, màu kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, ngô sinh khối; chuyển diện tích đất sản xuất đậu, lạc sang trồng ngô, vừng; sản xuất ngô vụ Đông thành vụ chính trong năm. Bên cạnh đó, chăn nuôi phát triển theo hướng chuyển từ nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung trang trại, gia trại quy mô vừa và lớn. Tổng đàn vật nuôi đã có trên 1.400 ngàn con, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp chiếm 51,1%, có nhiều trang trại chăn nuôi lợn với gần 70.000 con.

Ban Thường vụ Huyện ủy Hương Khê khen thưởng 15 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 01-NQ/HU

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã góp phần quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Sản xuất quảng canh, quy mô nhỏ, lẻ dần được chuyển sang thâm canh, quy mô lớn, tập trung; hình thành các vùng sản xuất sản phẩm hàng hóa chủ lực; các hình thức sản xuất nông nghiệp theo hướng liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị, vệ sinh an toàn thực phẩm, áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, huyện có 13 sản phẩm đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao cấp tỉnh; 3.268 mô hình sản xuất cho doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên (tăng 1.547 mô hình so với năm 2015); 75 khu dân cư kiểu mẫu, 830 vườn mẫu (tăng 71 khu dân cư kiểu mẫu, 754 vườn mẫu so với năm 2015); 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (tăng 08 xã nông thôn mới, 01 xã nông thôn mới kiểu mẫu so với năm 2015).

Tuy vậy, một số cấp ủy, địa phương chưa thực sự quyết liệt, chưa có các giải pháp để cụ thể hóa Nghị quyết số 01-NQ/HU của Huyện ủy phù hợp với điều kiện tại địa phương. Công tác quy hoạch thiếu đồng bộ, chưa sát với thực tiễn phát triển sản xuất. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng. Doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn ít, thiếu doanh nghiệp đóng vai trò “đầu kéo”, “bà đỡ” cho nông dân. Chăn nuôi phát triển chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế. Đội ngũ cán bộ phụ trách lĩnh vực nông nghiệp từ huyện đến cơ sở còn thiếu, chuyên môn, nghiệp vụ có mặt còn hạn chế...

Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền tiếp tục chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về đất đai; xác định sản phẩm hàng hóa chủ lực phù hợp của từng địa phương để phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần giảm nghèo gắn với bảo vệ môi trường, sinh thái và bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao mọi mặt đời sống Nhân dân.

Kiều Thị Thu Hằng (Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hương Khê)


    Ý kiến bạn đọc