Huyện Thạch Hà hướng đến một nền nông nghiệp bền vững, giá trị gia tăng cao
EmailPrintAa
17:07 29/07/2021

Huyện Thạch Hà có hơn 19.600 ha đất nông nghiệp, có các tiểu vùng sinh thái khác nhau (vùng ven thành phố, vùng trà sơn, vùng đồng bằng và vùng bãi ngang ven biển) là tiềm năng quan trọng để ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Chính vì vậy, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thạch Hà lần thứ XXX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp là một trong khâu đột phá trong giai đoạn tới.

Lãnh đạo huyện Thạch Hà thăm mô hình sản xuất sứa tại cơ sở sản xuất sứa Dung Mai, xã Thạch Trị

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền Huyện đã chỉ đạo triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Thạch Hà, đạt được kết quả quan trọng. Nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới được chuyển giao, ứng dụng, như: Công nghệ nuôi lợn thịt siêu nạc, lợn nái ngoại; nuôi gà thịt an toàn sinh học; nuôi tôm trên cát, ao lót bạt an toàn sinh học; sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao trên cát, trong nhà màng. Cơ giới hóa trong các khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch được đẩy mạnh, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đạt 100%, có 65 ha rau củ quả ứng dụng hệ thống tưới tự động. Đã tiến hành phá bỏ bờ thửa nhỏ hình thành cánh đồng lớn với diện tích 665 ha (các ruộng sau khi phá bỏ có diện tích tối thiểu 0,5 ha), xây dựng mô hình tập trung tích tụ ruộng đất được 53 ha. Các địa phương thực hiện thành công việc xóa bỏ trà lúa xuân sớm, bố trí trà xuân trung ở những vùng sâu trũng và chủ lực trà xuân muộn; chuyển đổi mạnh mẽ bộ giống, từ sản xuất trên 30 giống các loại đến nay chỉ sản xuất 8 - 10 loại giống, cơ bản là các giống mới ngắn ngày, năng suất chất lượng cao (vụ xuân 2020 diện tích sản xuất giống mới đạt trên 2.500 ha). Diện tích sản xuất rau củ quả tập trung (từ 02 ha trở lên) theo hướng VietGap tăng nhanh qua các năm, đạt 119 ha.

Trong chăn nuôi, đã đẩy nhanh phát triển chăn nuôi tập trung tách khỏi khu dân cư theo quy hoạch được duyệt, đồng thời tổ chức lại chăn nuôi nông hộ theo hướng an toàn dịch bệnh, đảm bảo môi trường. Tỷ lệ giống chất lượng đạt trên 65% trong tổng đàn gia súc; toàn huyện có 06 cơ sở giết mổ gia súc tập trung, tỷ lệ gia súc giết mổ kinh doanh tại cơ sở tập trung đạt trên 98%, một cơ sở giết mổ treo. Giá trị sản xuất chăn nuôi năm 2020 đạt 1.533,6 tỷ đồng (giá hiện hành), tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 58,4% trong cơ cấu nội ngành nông nghiệp. Phát triển nhanh hình thức nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh, công nghiệp, nuôi tôm trên cát, nuôi cá lồng bè, chuyển mạnh từ nuôi hộ gia đình sang tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp. Đã thành lập các tổ, đội đánh bắt xa bờ, nâng cao giá trị khai thác; giai đoạn 2015 - 2020, tổng sản lượng thủy sản đạt 6.290 tấn, giá trị sản xuất thủy sản đạt 442,4 tỷ đồng.

Thu hoạch tôm tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Sao Đại Dương, thôn Đại Tiến, xã Thạch Trị

Sản xuất nông nghiệp có sự hỗ trợ của công nghiệp chế biến sâu, gắn với xây dựng sản phẩm OCOP. Đến nay, toàn huyện có 157 cơ sở sản xuất các sản phẩm truyền thống được đầu tư máy móc, đảm bảo quy trình sản xuất, 02 doanh nghiệp chế biến sản phẩm từ gạo, 15 sản phẩm OCOP, trong đó sản phẩm gạo Ngọc Mầm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên KC Hà Tĩnh được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Toàn huyện hiện có 86 hợp tác xã, 170 tổ hợp tác và 10 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có 05 doanh nghiệp và 06 hợp tác xã có đủ khả năng tổ chức liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp của Huyện đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Quy mô đồng ruộng còn manh mún, nhỏ lẻ; kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp thiếu đồng bộ; một số sản phẩm chưa truy xuất nguồn gốc, chưa đảm bảo tiêu chuẩn VietGap, chưa cung ứng được cho các siêu thị lớn hoặc xuất khẩu... Việc huy động nguồn lực, nhất là doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao còn nhiều khó khăn. Chưa có nhiều mô hình vượt trội, đột phá về năng suất, chất lượng, giá trị, hiệu quả. Nhìn chung, thu nhập của người nông dân còn thấp.

Để thực hiện đạt mục tiêu đến năm 2025 giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản  đạt 3.500 tỷ đồng, giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích trên 130 triệu đồng/ha theo Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, thời gian tới, huyện Thạch Hà cần phải bám sát các chính sách của cấp trên, làm căn cứ ban hành các chính sách cụ thể, phù hợp thực tiễn địa phương, tạo điều kiện cho người sản xuất tiếp cận. Đồng thời, có giải pháp căn cơ, nhất là chỉ đạo, tạo điều kiện liên kết trong khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm… Trong công tác quy hoạch sản xuất chú trọng dự báo thị trường tiêu thụ, đảm bảo an toàn cây trồng, vật nuôi, hạn chế rủi ro do thiên tai, dịch bệnh. Chỉ đạo tuyên truyền, vận động nông dân thay đổi tư duy sản xuất, mạnh dạn chuyển từ sản xuất nhỏ sang sản xuất lớn, chuyên canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và liên kết chặt chẽ, gắn sản xuất với nhu cầu thị trường.

Phan Thị Hương ( Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thạch Hà)


    Ý kiến bạn đọc