Huyện Thạch Hà phát triển các sản phẩm nông nghiệp
EmailPrintAa
17:00 16/11/2020

Huyện Thạch Hà có nhiều điều kiện để phát triển ngành nông nghiệp. Từ xưa đến nay, người dân Thạch Hà đã nổi tiếng với nhiều nghề sản xuất truyền thống, nhất là chế biến hải sản, nông sản, tạo nên nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Đồng chí Đặng Ngọc Sơn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch tỉnh và Đoàn công tác của tỉnh xem quy trình sản xuất gạo Ngọc Mầm tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên KC

Thực hiện Quyết định 490/QĐ-TTG, ngày 07/05/2018 về phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền ở huyện Thạch Hà chỉ đạo xây dựng, triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, gắn với tái cơ cấu nông nghiệp. Các ngành, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân, đối tượng sản xuất kinh doanh xây dựng quy trình đánh giá, phân hạng công nhận sản phẩm.

Nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh đã mạnh dạn ứng dụng khoa học - kỹ thuật gắn với chế biến để các sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, có sức cạnh tranh trên thị trường. Năm 2019, có 08 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, tiêu biểu như Gạo Ngọc Mầm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên KC (xã Thạch Đài); sản phẩm Lạc rang tỏi ớt thuộc Tổ hợp tác của anh Trần Minh Đức (thôn Quyết Tiến, xã Thạch Lạc); sản phẩm kẹo Cu đơ Phong Nga (xã Thạch Đài)…, trong đó Gạo Ngọc Mầm là một trong ba sản phẩm trong tỉnh đạt tiêu chuẩn 4 sao.

Khơi dậy tiềm năng, lợi thế từng địa phương, hướng tới giữ gìn, phát huy nghề truyền thống, năm 2020, huyện Thạch Hà đã phát triển Đề án về xây dựng sản phẩm OCOP, khôi phục, duy trì, phát triển các sản phẩm làng nghề truyền thống.

Với sự định hướng, chỉ đạo sâu sát của các ngành chuyên môn, nhiều ngành nghề đã được khôi phục, sản phẩm khẳng định được chất lượng như: Nước mắm, ruốc Hoài Yến (Hợp tác xã chế biến thủy sản và dịch vụ Hoài Yến, xã Thạch Lạc), mật mía Thạch Kênh của tổ hợp tác sản xuất mật mía xã Thạch Kênh, bánh đa vừng Minh Thúy, bánh đa Đức Anh, miến Hương Tâm (xã Việt Tiến), bánh đa nem Anh Thu (xã Tân Lâm Hương), sứa ăn liền Liêm Thuần (xã Thạch Văn), sứa ép Bãi Ngang của Tổ hợp tác thu mua, chế biến sứa Dung Mai (xã Thạch Trị)…

Sản xuất nước mắm tại Hợp tác xã dịch vụ chế biến Hải sản Hoài Yến (thôn Bắc Lạc, xã Thạch Lạc)

Nắm bắt nhu cầu thị trường, nhiều chủ thể sản xuất đã mạnh dạn cho ra đời nhiều sản phẩm mới, như: Mứt cam, tinh dầu cam Nam Giao, Cơm cháy Mộc Hương, bột sữa gạo lứt ĐanKo (Công ty Cổ phần VinaFarm Việt Nam, xã Thạch Đài), Snack Nấm sò (Công ty Cổ phần Đầu tư Phú Cường Đạt), trà túi lọc, cốm, bột ngũ cốc gạo lứt Omega An Phát (Công ty Trách nhiệm hữu hạn An Phát, xã Tân Lâm Hương)… Dự kiến năm 2020, Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt, giới thiệu 33 ý tưởng sản phẩm xây dựng quy trình đánh giá công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Thạch Hà còn gặp một số khó khăn. Chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất với người dân để xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, an toàn, có truy xuất nguồn gốc. Quy mô sản xuất của các sản phẩm OCOP còn manh mún, nhỏ lẻ, giá trị chuỗi gia tăng thấp. Nhiều cơ sở khó khăn về vốn, mặt bằng, kết cấu hạ tầng để mở rộng sản xuất; ứng dụng khoa học - công nghệ còn hạn chế.

Thời gian tới, cùng với tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ của tỉnh về khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, huyện Thạch Hà tập trung thực hiện Đề án chương trình OCOP giai đoạn 2020 -2025 với mục tiêu tập trung khai thác tiềm năng của địa phương để đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, ưu tiên hỗ trợ phát triển theo chuỗi giá trị, tập trung sản xuất, chế biến sâu. Trên cơ sở đánh giá, khảo sát, Huyện sẽ ban hành chính sách hỗ trợ các cơ sở đẩy mạnh phát triển các sản phẩm có lợi thế, đổi mới, cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ vững “chữ tín” đối với người tiêu dùng.

Phan Thị Hương (Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thạch Hà)


    Ý kiến bạn đọc