Huyện Thạch Hà tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp
EmailPrintAa
11:08 27/12/2024

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Thạch Hà đã tập trung chỉ đạo tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, đạt được những kết quả tích cực.

Bà con thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn xuống giống hoa cúc vụ đông 2024

Theo đó, các cơ quan chuyên môn, các địa phương đã tập trung xây dựng, triển khai kế hoạch, hướng dẫn, khuyến khích, hỗ trợ người dân tích cực đưa giống mới, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, tạo đột phá về năng suất, sản lượng.

Trên lĩnh vực trồng trọt, các phòng, ngành cấp huyện và địa phương đã chỉ đạo, điều hành sản xuất vụ đông, tập trung chuyển đổi cơ cấu giống, kỹ thuật, tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp, quy hoạch vùng, chuyển đổi số, khuyến cáo cụ thể đối với từng loại cây trồng, vùng sản xuất. Sản xuất ngô, cơ cấu các giống có thời gian sinh trưởng dưới 70 ngày, khuyến khích sản xuất ngô nếp thu bắp tươi theo hình thức trồng thuần hoặc trồng xen. Khoai lang sử dụng giống Chiêm Bông, Hoàng Long, KCL 266 quy hoạch trên đất hai lúa, chân đất vàn cao, lúa màu, cát pha. Tiếp tục duy trì các vùng sản xuất rau chất lượng cao theo hướng VietGap tập trung quy mô 02 ha trở lên tại 25 vùng, diện tích 86 ha và phát triển trong vườn hộ, nhà lưới. Trồng hoa cúc trong nhà màng, các loại đào, mai cảnh tại các xã bán sơn địa và mở rộng diện tích trồng nấm tại các xã Thạch Xuân, Lưu Vĩnh Sơn... Thực hiện tốt giải pháp kỹ thuật khoanh nuôi, bảo vệ rừng tự nhiên, quản lý bảo tồn đa dạng sinh học. Triển khai các biện pháp kỹ thuật lâm sinh trong trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, trồng bổ sung, nâng cấp chất lượng rừng, đẩy mạnh thâm canh rừng nguyên liệu, phát triểm lâm nghiệp đa chức năng, trồng rừng kết hợp chăn nuôi, trồng cây ăn quả, tăng cường bảo vệ rừng, hoàn thành cấp chứng chỉ rừng bền vững diện tích 2.000 ha...  Đến nay, toàn huyện đã phát triển 153 nhà lưới sản xuất rau củ quả, hoa giá trị cao với diện tích gần 76.000 m 2 , lắp đặt hệ thống tưới tự động điều khiển qua smartphone, bộ hẹn giờ trong nhà lưới và hệ thống tưới tự động tại các vùng sản xuất tập trung quy mô từ 01 ha với tổng diện tích 61,14 ha và 395 vườn hộ có diện tích từ 500 m 2 trở lên; 20 cơ sở sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn Vietgap (trong đó có 04 cơ sở sản xuất cam, bưởi, 02 cơ sở sản xuất dưa lưới, 05 cơ sở sản xuất rau củ quả, 07 cơ sở sản xuất lúa). Tiêu biểu là mô hình ứng dụng công nghệ IOT trồng hoa lan hồ điệp trong nhà màng với quy mô 2.500 m 2 của công ty trách nhiệm hữu hạn Trí Đức Hà Tĩnh (xã Thạch Khê).

Mô hình nuôi lươn không bùn của anh Lê Anh Đức, thôn Quý Hải, xã Thạch Ngọc

Lĩnh vực chăn nuôi, tiếp tục chăm sóc, mở rộng phát triển tổng đàn lợn 43.600 con, bò 22.250 con, trâu là 4.300 con, 1.680.000 con gia cầm theo hướng tập trung, gia trại, tách khỏi khu dân cư, tổ chức lại chăn nuôi nông hộ; chuyển đổi hình thức chăn nuôi bò nhốt chất lượng cao, bán chăn thả, thực hiện liên kết giữa các trang trại và các hợp tác xã, tổ hợp tác cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm, đẩy mạnh chuyển đổi số tự động hóa chuồng nuôi, chủ động tiêm phòng, kiểm soát dịch bệnh và thúc đẩy các chương trình nâng cao chất lượng nguồn giống đảm bảo chăn nuôi an toàn. Ngoài duy trì các đối tượng chủ lực, truyền thống như tôm, cá, trâu, bò, gà, vịt.., những năm gần đây, hàng trăm hộ dân đã tiếp cận trao đổi kinh nghiệm sản xuất, đưa vào nuôi thử nghiệm nhiều đối tượng mới như lươn, ốc bươu, chồn hương… mở ra hướng đi bền vững. Bên cạnh đó, duy trì phát triển 1.123 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó mặn lợ 398 ha, nước ngọt 725 ha. Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản, tổ chức khai thác thủy sản vùng lộng, ven bờ, thực hiện tốt nội dung chống khai thác IUU...

Tuy vậy, liên kết trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ, đầu tư cải tạo đồng ruộng sau chuyển đổi một số vùng ở một số địa phương chưa mạnh mẽ; sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường chưa cao; hấp thu chính sách phát triển nông nghiệp chưa đồng đều; thực hiện một số chỉ tiêu về tiêm phòng vẫn còn thấp,…

Thời gian tới, huyện Thạch Hà tiếp tục bám sát Kế hoạch sản xuất của tỉnh, chỉ đạo, hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tập trung chỉ đạo, điều hành sản xuất, nhất là chú trọng các giải pháp về kỹ thuật, liên kết sản xuất, kiểm soát dịch bệnh, tạo đột phá chất lượng giống trong chăn nuôi, đầu tư cải tạo đồng ruộng sau chuyển đổi. Kêu gọi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tiếp tục tích tụ ruộng đất hình thành các vùng sản xuất tập trung, hàng hóa gắn với liên kết. Phát triển chăn nuôi quy mô lớn, tổ chức lại chăn nuôi nông hộ theo hướng nuôi có kiểm soát, an toàn dịch bệnh và đảm bảo môi trường. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; hoàn thành việc cấp chứng chỉ rừng bền vững. Khuyến khích các cơ sở nuôi thủy sản thâm canh, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tự động hóa, quy trình nuôi an toàn dịch bệnh, chú trọng công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.

Phan Thị Hương (Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thạch Hà)


    Ý kiến bạn đọc