Kết quả và kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương
EmailPrintAa
10:47 09/03/2018

Thời gian qua, Phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh diễn ra sôi nổi trong toàn tỉnh. Đã xuất hiện nhiều điển hình về thực hiện phong trào với cách làm hay, hiệu quả thiết thực.

Nhân dân thôn 7 xã Xuân Phổ làm vệ sinh đường làng

Xã Xuân Phổ

Xuân Phổ là một xã bãi ngang ven biển của huyện Nghi Xuân, có 1.210 hộ, 4.257 nhân khẩu. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đã có nhiều nỗ lực, xây dựng Xuân Phổ đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015. Phát huy kết quả đạt được, địa phương tiếp tục phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Để có nguồn lực, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân bằng cách xây dựng đề án sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế và phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương. Tập trung chỉ đạo sản xuất hết diện tích, cơ cấu các loại giống hợp lý, ưu tiên sản xuất các loại hoa màu. Chú trọng phát triển chăn nuôi, đưa chăn nuôi thành nguồn thu nhập chính. Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, chuyển từ trồng cây lấy gỗ sang trồng cây dược liệu. Đối với thủy sản, chuyển từ nuôi trồng quảng canh sang thâm canh với tổng diện tích 75,4 ha. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, thương mại. Hiện nay toàn xã có 856 lao động làm nghề tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, dịch vụ thương mại, hộ kinh doanh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 9,6%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Kinh tế nông, lâm, thủy sản chiếm 26,63%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng chiếm 53,44%; thương mại, dịch vụ 19,93%.

Đường liên thôn, xã Xuân Phổ

Từ nguồn vốn được cấp và huy động xã hội hóa, xã đã củng cố 02 khu dân cư (thôn 7 và thôn 9), tiếp tục xây dựng 03 thôn (thôn 2, thôn 5 và thôn 6) thành khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; xây dựng được thêm 922m mương bê tông nội đồng; lắp hệ thống đường điện chiếu sáng trên 2.500 m; xây dựng 20 vườn mẫu; thành lập và ra mắt 03 câu lạc bộ dân ca ví dặm...

Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp; nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua; huy động mọi nguồn lực để hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu tại 09 thôn.

Xã Thạch Thắng

Xã Thạch Thắng nằm ở phía Đông - Nam huyện Thạch Hà, có 05 thôn,  địa hình sâu trũng, không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Nhưng với sự sâu sát, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền trong chỉ đạo, điều hành và sự đồng thuận, tham gia tích cực của người dân, xã đã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2017, trước 02 năm so với kế hoạch.

Trung tâm hành chính xã Thạch Thắng

Có được kết quả đó, theo đồng chí Nguyễn Văn Tài - Bí thư Đảng ủy xã, trước hết là nhờ đổi mới mạnh mẽ, toàn diện trong công tác cán bộ, củng cố tổ chức bộ máy Đảng, hệ thống chính trị; nâng cao trách nhiệm, tinh thần gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Đảng ủy xây dựng chương trình, kế hoạch công tác bám sát các chỉ tiêu, kế hoạch của huyện, tình hình thực tiễn của địa phương để giải quyết những vụ việc tồn đọng, những vấn đề nhân dân quan tâm, đảm bảo ổn định, đồng thời ban hành các nghị quyết, cơ chế thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Thực hiện quy chế dân chủ, việc xây dựng đường giao thông, nhà văn hóa, đến chủ trương nhập thôn… đều được tổ chức cho nhân dân biết, bàn bạc công khai, thống nhất thực hiện. Về chủ trương nhập thôn, ban đầu một số người dân băn khoăn, không muốn thay đổi địa điểm sinh hoạt, Đảng ủy đã chỉ đạo tuyên truyền, vận động, tổ chức cho một số hộ đi tham quan thực tế ở những địa phương làm tốt, từ đó thay đổi nhận thức, đồng tình cao. Từ 10 thôn nhập lại thành 05 thôn, góp phần giảm số lượng cán bộ và phụ cấp, tăng nguồn kinh phí hoạt động các phong trào. Các công trình nhà văn hóa, đường giao thông… đều huy động tối đa sức dân để hoàn thành. Cơ chế dân chủ không chỉ khuyến khích người dân tự nguyện đóng góp mà còn khơi dậy tình làng, nghĩa xóm. Những gia đình có nhiều nhân lực, điều kiện cùng các đoàn viên, hội viên giúp đỡ gia đình neo đơn, khó khăn trong việc chỉnh trang vườn, tu sửa nhà ở, công trình phụ.

Bên cạnh đó, xã tranh thủ sự chỉ đạo, hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị trong huyện, đơn vị đỡ đầu là Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh và sự đóng góp của con em xa quê với tổng nguồn lực gần 4,4 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng.

Vườn mẫu gia đình bà Thạch Thị Hoa, thôn Nam Thắng

Địa phương tập trung xây dựng các khu dân cư mẫu, vườn mẫu. Đã có 14 vườn được công nhận vườn mẫu, hầu hết các vườn còn lại được quy hoạch, chỉnh trang, bố trí các loại cây trồng hợp lý, đem lại giá trị kinh tế. Ý thức về xây dựng môi trường sạch đẹp, văn minh cũng đã hình thành trong nhận thức, hành động của mỗi người.

Đến nay, toàn xã đã xây dựng được 32 mô hình kinh tế, trong đó có 03 mô hình cho thu nhập từ 2 - 3 tỷ đồng/năm, thành lập 06 hợp tác xã, 10 tổ hợp tác, 04 doanh nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người đạt 30,58 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,4%.

Bài học xây dựng nông thôn mới ở Thạch Thắng là biết phát huy dân chủ, vai trò của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ đoàn kết, người dân đồng thuận. Tin rằng, với sự đoàn kết, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền cùng sự đồng lòng của người dân, xã Thạch Thắng sẽ tiếp tục có được những bước tiến vững chắc hơn.

Dương Trí Thức - Phan Thị Hương


    Ý kiến bạn đọc