Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương
EmailPrintAa
16:24 05/03/2019

Trong năm 2018, nhiều địa phương đã nỗ lực vượt khó, hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Công cuộc xây dựng nông thôn mới không chỉ làm thay đổi diện mạo làng quê mà còn để lại nhiều bài học kinh nghiệm trong củng cố hệ thống chính trị, đoàn kết, huy động sức dân, phát triển kinh tế xã - hội.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh kiểm tra mô hình nuôi bò tại xã Hương Quang

Xã Hương Quang

Hương Quang là xã nằm ở vùng biên giới Việt - Lào (thuộc huyện Vũ Quang), có diện tích tự nhiên 838 ha, chủ yếu là rừng núi, đất sản xuất nông nghiệp chỉ 12,4 ha, dân số ít (có 196 hộ dân với 757 nhân khẩu). Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chậm so với các xã khác, nhưng với nỗ lực, quyết tâm cao, năm 2018 xã đã hoàn thành 20 tiêu chí nông thôn mới.

Đồng chí Hà Văn Yên, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã cho biết, thực hiện tiêu chí thu nhập là khó khăn nhất, bởi xã thuần nông, các hộ dân thuộc diện tái định cư do thực hiện Dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang; địa bàn xa trung tâm huyện và đường Hồ Chí Minh nên phát triển thương mại - dịch vụ rất khó khăn. Trước thực trạng đó, công tác chỉ đạo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân được Đảng ủy và Ban Chỉ đạo nông thôn mới xã đặt lên hàng đầu.

Với phương châm cán bộ, đảng viên gương mẫu làm trước để người dân làm theo, Đảng ủy đã quán triệt gia đình cán bộ, đảng viên đi đầu trong xây dựng vườn mẫu và mô hình kinh tế. Hiện nay, 100% cán bộ, công chức xã sinh sống tại địa bàn đều có vườn mẫu.

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã có vợ là giáo viên mầm non, công việc vợ chồng đều bận nhưng đã tranh thủ trồng được hơn 300 gốc cam đã cho quả và nuôi 10 đàn ong, 100 con gà thịt, đàn vịt trời gần 100 con/lứa và nuôi bò nhốt.

Gia đình đồng chí Nguyễn Tiến An, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã hiện có 1,5 ha với gần 500 gốc cam, trong đó một nửa số cây đã cho quả, ngoài ra còn có 30 tổ ong lấy mật.

Gia đình đồng chí Nguyễn Trọng Thế, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã nuôi 15 con lợn nái, thường xuyên nuôi 60 con lợn thịt/lứa, 200 con gà thịt, trồng gần 500 gốc cam, trong đó ¼ số cây cam đã cho thu nhập, nuôi 15 đàn ong.

Hai gia đình đồng chí Nguyễn Trường Thọ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã và Nguyễn Văn Hiệu, Bí thư Đoàn xã đã đầu tư xây dựng chuồng trại, chăn nuôi lợn liên kết với Công ty Cổ phần chăn nuôi CP, có quy mô 1.200 con lợn thịt/lứa...

Để giúp các hộ dân xây dựng mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập, Đảng ủy chỉ đạo các ngành và tổ chức đoàn thể chú trọng công tác đào tạo, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho nhân dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các hộ tiếp cận các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất của huyện, của tỉnh. Thời gian qua, xã đã tổ chức 08 lớp tập huấn kỹ thuật cho 759 lượt người (chủ yếu là kỹ thuật chăn nuôi gà, nuôi ong, trồng cây ăn quả...); tổ chức 02 lớp dạy nghề cho 71 lao động về kỹ thuật trồng cây ăn quả có múi. Năm 2018, Ủy ban nhân dân xã đã hỗ trợ 538 triệu đồng cho các hộ xây dựng mô hình kinh tế (trong đó, hỗ trợ 15 mô hình trồng ổi Đài Loan 219 triệu đồng, hỗ trợ nuôi ong 139 triệu đồng, hỗ trợ cho 60 hộ nuôi gà 30 triệu đồng mua gà giống; hỗ trợ 30 mô hình nuôi bò, mỗi mô hình 05 triệu đồng).

Đến nay, toàn xã có 87 mô hình trồng cây ăn quả và chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ, 30 mô hình nuôi ong, đạt tỷ lệ 61,9% số hộ có mô hình. Bên cạnh đó, Đảng ủy, chính quyền chú trọng phát triển các hình thức kinh tế tập thể, năm 2018 hỗ trợ thành lập mới 07 tổ hợp tác. Hiện xã có 02 doanh nghiệp, 05 hợp tác xã và 07 tổ hợp tác đang hoạt động có hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều lao động. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người đạt 33 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều còn 08 hộ (4,02%), hộ cận nghèo còn 12 hộ (6,03%).

Đường liên thôn ở xã Hương Quang

Từ những kết quả đã đạt được, năm 2019, Đảng ủy xã Hương Quang tiếp tục chỉ đạo tập trung phát triển kinh tế vườn hộ, nâng cao hiệu quả canh tác trên cùng một diện tích đất, xây dựng 3 - 4 mô hình cây, con chủ lực; xây dựng khu dân cư Kim Thọ đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, đồng thời đăng ký xã nông thôn mới nâng cao.

Xã Kỳ Tiến

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020 và các quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện về giao chỉ tiêu xã Kỳ Tiến đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018, Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình  mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; xây dựng khung kế hoạch chi tiết để thực hiện.

Khu dân cư kiểu mẫu - thôn Hoàng Diệu

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Cao Quang Quyền, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Cấp ủy Đảng, chính quyền xã đã tranh thủ sự quan tâm giúp đỡ của cấp trên, huy động các nguồn lực của địa phương. Điều quan trọng nhất là từng bước nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới. Đảng ủy, chính quyền đã chỉ đạo tăng cường thông tin tuyên truyền, qua đó tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân, góp phần hoàn thành một số tiêu chí tưởng như khó đạt được”.

Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân quản lý và dân hưởng lợi”, cấp ủy, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, vận động nhân dân thực hiện các tiêu chí và từng phần việc cụ thể, theo hướng tiêu chí, phần việc nào thuận lợi, có tầm ảnh hưởng, sức lan tỏa lớn, tạo động lực cho các tiêu chí, phần việc khác thì triển khai trước; tận dụng mọi nguồn lực của địa phương, nhất là nguồn lực trong nhân dân, không trông chờ ỷ lại vào vốn của Nhà nước, của cấp trên.

Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã đã rà soát và bàn cơ chế ưu tiên nguồn lực cho các tiêu chí: Giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường; đồng thời tập trung cải tạo vườn tạp, chỉnh trang nhà ở, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, đường mẫu và vườn mẫu. Đây là những tiêu chí không đòi hỏi nhiều ngân sách nhưng lại là những tiêu chí khó hoàn thành, đòi hỏi sự vào cuộc thực sự tự giác của mỗi người dân và sự đôn đốc, kiểm tra thường xuyên của cán bộ. Trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới, vai trò chủ thể của người dân được coi trọng và phát huy. Phong trào hiến đất, hiến cây, hiến công trình, chỉnh trang vườn hộ, vệ sinh môi trường, trồng hàng rào xanh... từng bước thực hiện có hiệu quả từ hộ gia đình, tổ liên gia và các thôn xóm.

Nhờ vậy, trong năm 2018, xã Kỳ Tiến đã hoàn thành điều chỉnh quy hoạch và cắm mốc quy hoạch; tiến hành giải phóng mặt bằng mở rộng 2,5 km tuyến đường liên xã, hoàn thành đổ bê tông, đưa vào sử dụng 1,5km; làm mới 2,765 km đường bê tông trục thôn; hoàn thành 4,36 km rãnh thoát nước; trồng 2,7 km hàng rào xanh, 1.200 cây xanh dọc tuyến giao thông và trung tâm văn hóa thôn; hoàn thành nhà văn hóa thôn Hoàng Diệu, thôn Bình Lợi; chỉnh trang, tu sửa khuôn viên nhà văn hóa xã, nhà văn hoá và khu thể thao 06 thôn, nhà học đa chức năng Trường Tiểu học, 06 phòng học Trường Mầm non; giải phóng mặt bằng và đổ bê tông 4,9 km đường trục thôn và ngõ xóm...

Người dân làm đường giao thông

Những kết quả đạt được trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh trong những năm qua đã minh chứng cho quyết tâm, sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn xóm; sự đồng thuận của người dân chung sức xây dựng nông thôn mới; thể hiện trách nhiệm, tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu.

Hân hoan với việc Kỳ Tiến là xã duy nhất của huyện Kỳ Anh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2018, ông Lê Công Mãnh, Trưởng thôn Hồ Hải tâm sự: “Có được kết quả này là nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và nỗ lực của toàn dân. Những con đường quanh co, lầy lội trước kia, nay được bê tông hóa sạch sẽ, những ngôi nhà kiên cố của người dân mọc lên ngày càng nhiều. Được hưởng thụ nhiều lợi ích từ chương trình này, chúng tôi động viên nhau tích cực tăng gia sản xuất để phát triển kinh tế hộ bền vững hơn nữa”.

Xã Thạch Điền

Năm 2018, xã Thạch Điền đạt chuẩn nông thôn mới trước 02 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra. Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực, quyết tâm của hệ thống chính trị và người dân mà một trong những nhân tố quan trọng là nhờ chăm lo xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW.

Chi bộ thôn Tân Đông là một trong hai chi bộ được lựa chọn để xây dựng mô hình điển hình thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn có 95% giáo dân sinh sống, Chi bộ thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là huy động đóng góp về sức người, sức của để xây dựng nông thôn mới. Đối với các phần việc như xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, chỉnh trang nhà ở, xây dựng vườn mẫu, các đảng viên trong Chi bộ đã cùng cán bộ xã, huyện đến từng hộ dân, tổ liên gia tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp, hiến đất, tài sản, thống nhất phương án và tập trung nhân lực để làm. Việc phá dỡ tường rào, mở rộng các tuyến đường, xây bồn hoa, rãnh thoát nước, chỉnh trang khu dân cư… được phát động thường xuyên. Các tổ liên gia theo quy hoạch, hướng dẫn tự tổ chức lực lượng hoàn thành khối lượng việc đảm bảo yêu cầu và tiến độ. Nhờ đó, thôn đã huy động được nguồn nhân lực để hoàn thành các tiêu chí khu dân cư kiểu mẫu.

Cùng với xây dựng mô hình thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, Đảng bộ xã đã quan tâm việc quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao trình độ lý luận chính trị, thực hiện cam kết tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu hàng năm của cán bộ, đảng viên. Đảng bộ đã tổ chức 03 cuộc giám sát chuyên đề thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Chỉ thị số 05-CT/TW ở 03 chi bộ để kịp thời kiểm điểm, chấn chỉnh vai trò, năng lực của người điều hành và nhiệm vụ của đảng viên…

Đảng bộ xác định nêu cao vai trò của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên đối với nhiệm vụ được giao là tiêu chí để đánh giá cán bộ. Cán bộ, công chức theo địa bàn được phân công thường xuyên về các thôn để vận động, hướng dẫn, cùng làm với nhân dân. Đồng chí Lê Thị Tố Như, cán bộ địa chính, nông nghiệp, nông thôn mới xã cho biết: “Hầu như tuần nào, ngày nào, kể cả thứ 7, chủ nhật, nhất là giai đoạn nước rút cuối năm thì toàn thể cán bộ, công chức (trừ bộ phận trực giao dịch với người dân) đều tập trung cùng nhân dân triển khai làm đường, trồng cây, xây rãnh thoát nước, bồn hoa, chỉnh trang vườn… với khí thế sôi nổi, tinh thần nghiêm túc, hăng say”.

Chiến sỹ lực lượng vũ trang cùng nhân dân xây rãnh thoát nước

Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của cấp trên và sự đồng lòng chung sức của cán bộ, người dân mà trong năm 2018, toàn xã đã tổ chức 03 đợt thi đua cao điểm, huy động trên 35.000 lượt người tham gia, đầu tư trên 06 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp các công trình trường học, trạm y tế, khu trung tâm xã, xây dựng 02 khu dân cư kiểu mẫu, 18 vườn mẫu; cải tạo chỉnh trang 247 vườn, phát huy hiệu quả 22 mô hình chăn nuôi; làm mới trên 14,4 km đường giao thông nông thôn, 13,6 km rãnh thoát nước, 3,5 km bồn hoa, gần 01 km kênh mương nội đồng; huy động phương tiện, vật liệu với tổng trị giá hàng tỷ đồng để phát quang, giải tỏa hành lang giao thông.

Dương Trí Thức - Trần Mạnh Hải - Phan Thị Hương


    Ý kiến bạn đọc