Một số kinh nghiệm qua 10 năm xây dựng nông thôn mới ở huyện Hương Sơn
EmailPrintAa
14:18 08/03/2022

Với sự nỗ lực, kiên trì triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới từ cấp huyện đến cơ sở; với nhiều cách làm sáng tạo, huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư, đến nay, huyện Hương Sơn đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới, được Đoàn kiểm tra liên ngành của Trung ương thống nhất đề nghị Hội đồng thẩm định Trung ương bỏ phiếu công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Đồng chí Bí thư Huyện ủy (bên phải) và lãnh đạo huyện kiểm tra mô hình trồng cam bù - loại cây đặc sản của Huyện

Triển khai xây dựng nông thôn mới gặp nhiều khó khăn, thách thức, bởi là huyện thuần nông, diện tích rộng, địa hình đồi núi chia cắt, kết cấu hạ tầng còn thiếu và yếu; việc huy động các nguồn lực và thu ngân sách còn thấp, hằng năm chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai,... Tuy nhiên, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở luôn xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Tùy theo tình hình thực tiễn của từng năm, từng giai đoạn để xây dựng kế hoạch cụ thể, ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra các chính sách phù hợp, kịp thời; phát huy tốt vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; tổ chức hàng ngàn cuộc kiểm tra, giám sát, đôn đốc từng xã, thôn, tổ liên gia thực hiện từng nội dung, phần việc, tiêu chí cụ thể.

Với quan điểm “lấy sức dân để chăm lo cuộc sống cho dân”, mọi việc đều “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và dân hưởng thụ”, cấp ủy, chính quyền và các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân đồng lòng, chung sức xây dựng nông thôn mới; phát huy dân chủ rộng rãi, vận dụng linh hoạt các chủ trương, chính sách, nhân ra diện rộng những cách làm hay, sáng tạo; đồng thời kết hợp vận động các nguồn lực từ doanh nghiệp, người xa quê... hỗ trợ, chung sức xây dựng nông thôn mới. Song song với đó, Huyện bố trí hợp lý ngân sách và lồng ghép, huy động các chương trình, dự án khác để tập trung xây dựng nông thôn mới; thực hiện có hiệu quả giải pháp “nâng đầu, đỡ cuối” vừa hỗ trợ các xã đăng ký về đích để hoàn thành các tiêu chí, vừa nâng đỡ các xã đặc biệt khó khăn xây dựng các tiêu chí khó, làm tiền đề, động lực để phấn đấu về đích trong những năm tiếp theo.

Trong hơn 10 năm qua, toàn huyện đã huy động các nguồn lực được trên 6.000 tỷ đồng, trong đó Nhân dân đóng góp bằng tiền, ngày công, tài sản giá trị gần 3.800 tỷ đồng; không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.

Gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của Huyện

Khởi điểm bình quân mỗi xã chỉ đạt 1,7/20 tiêu chí, đến nay 100% xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, 02 xã nông thôn mới nâng cao, đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới, thị trấn Phố Châu và thị trấn Tây Sơn đạt chuẩn đô thị văn minh. Có 118 thôn đạt chuẩn khu dân cư kiểu mẫu (chiếm 52,7%); 100% vườn hộ được cải tạo, đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, có hiệu quả kinh tế, trong đó 877 vườn đạt chuẩn vườn mẫu; có 47 sản phẩm đạt chuẩn OCOP (chiếm 18,9% tổng sản phẩm toàn tỉnh). Toàn huyện có 1.712 mô hình kinh tế cho thu nhập mỗi năm từ 100 triệu đến trên 1 tỷ đồng; 100% đường trục xã, liên xã được bê tông hóa, nhựa hóa đạt chuẩn, trên 85% đường trục thôn đạt chuẩn, trên 80% đường ngõ xóm đạt chuẩn; 100% số xã có hệ thống điện được đầu tư theo đúng quy hoạch, đảm bảo cấp điện ổn định, an toàn; 63/66 trường học đạt chuẩn quốc gia (95,45%) và 25/25 trạm y tế đạt chuẩn, đáp ứng tốt nhu cầu học tập và khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn. Kết cấu hạ tầng và các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng khang trang, diện mạo nông thôn huyện Hương Sơn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện và nâng cao; thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 42,5 triệu đồng (tăng hơn 2,9 lần so với năm 2010); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 32,73% (năm 2010) xuống còn 2,4%. Hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố và tăng cường, dân chủ cơ sở được phát huy; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.

Lãnh đạo huyện biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới

Quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện Hương Sơn rút ra một số kinh nghiệm:

Thứ nhất, công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân phải đi trước và duy trì thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình thực hiện Chương trình; chú trọng tuyên truyền trực tiếp, trực quan và thực chất. Các chủ trương, chính sách, các phong trào phải đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và từng người dân bằng nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả.

Thứ hai, làm tốt công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai; phân công nhiệm vụ cụ thể và địa bàn phụ trách cho từng đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, cán bộ các phòng, ban, ngành, đoàn thể, thành viên Ban Chỉ đạo cấp huyện, cán bộ cấp xã đến thôn xóm, đặc biệt là Ban Phát triển thôn trong thực hiện nhiệm vụ. Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Cấp ủy, Ban Chỉ đạo các cấp phải chủ động, sáng tạo, quyết liệt, thường xuyên kiểm tra, sâu sát cơ sở để đôn đốc, nhắc nhở, đánh giá, nắm bắt ý kiến, nguyện vọng, khó khăn của người dân, thôn xóm để tháo gỡ.

Thứ ba, khẳng định người dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới; tạo điều kiện cho người dân thực thi quyền chủ thể của mình trong thực tế và thực hiện tốt quy chế dân chủ. Xây dựng nông thôn mới là người dân làm và người dân thụ hưởng. Sự đoàn kết, đồng lòng, ý thức tự giác, tự nguyện của người dân được phát huy chính là nguồn lực to lớn, có tính quyết định đến thành công trong xây dựng nông thôn mới.

Thứ tư, phát huy vai trò, gắn trách nhiệm đối với người đứng đầu, người phụ trách trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình. Thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, cập nhật kiến thức, kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở, thôn xóm, cộng đồng đảm bảo đủ năng lực, chủ động, sáng tạo, tâm huyết, “ở đâu cán bộ mạnh ở đó phong trào mạnh và thực hiện sẽ thành công”. Cán bộ phải quyết liệt trong lãnh đạo, gương mẫu đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ để Nhân dân noi gương làm theo.

Thứ năm, kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện sát với thực tiễn, tác động trên nhiều lĩnh vực và có tính khả thi cao.

Thứ sáu, chú trọng việc xây dựng, nhân rộng, biểu dương kịp thời các mô hình, điển hình ở từng khu dân cư, từng địa phương; tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới giữa các địa phương, thôn xóm, người dân; chọn điểm khó, điểm nghẽn để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động làm bằng được, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư.

Thứ bảy, thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong cộng đồng dân cư, con em thành đạt xa quê và các doanh nghiệp có tiềm lực và tâm huyết với nông thôn, khai thác các nguồn thu tại địa phương “lấy sức dân để lo cho dân” tạo nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi công cộng thuộc nhóm không hỗ trợ của Nhà nước.

Những kết quả đạt được rất đáng phấn khởi nhưng cũng chỉ mới là bước đầu. Xác định Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, lâu dài, “có điểm xuất phát nhưng không có điểm kết thúc”, thời gian tới, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân huyện Hương Sơn tiếp tục kiên trì, bền bỉ và nỗ lực để củng cố và nâng cao các tiêu chí xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới. Mục tiêu là mỗi năm xây dựng ít nhất 02 xã nông thôn mới nâng cao; đến năm 2025 có 01 - 02 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 100% thôn đạt chuẩn khu dân cư kiểu mẫu, huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, góp phần xây dựng Hà Tĩnh đạt chuẩn tỉnh nông thôn mới.

Bùi Nhân Sâm (Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch HĐND huyện Hương Sơn)


    Ý kiến bạn đọc