Khu dân cư kiểu mẫu Nam Trà, xã Hương Trà, huyện Hương Khê
Kết quả chung toàn tỉnh
Tỉnh Hà Tĩnh đã xác định quan điểm nhất quán, tạo sự đồng thuận trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách mạnh mẽ, phát huy dân chủ, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới; sớm hoàn thành Quy hoạch xây dựng nông thôn mới cấp xã (từ năm 2012) và tiếp tục được điều chỉnh, bổ sung; chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến, tạo sức lan tỏa. Cùng với việc ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, toàn tỉnh đã đa dạng hóa hình thức huy động nguồn lực, tổng cộng đã huy động được trên 81.000 tỷ đồng, trong đó vốn cộng đồng dân cư chiếm 20,5% để xây dựng nông thôn mới; xây dựng, nâng cấp 7.439 km đường giao thông nông thôn, 172 nhà văn hóa xã, 155 khu thể thao xã, 1.085 nhà văn hóa và khu thể thao thôn... Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp giai đoạn 2010 - 2018 đạt trên 3,7%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%, bình quân hằng năm giải quyết việc làm cho trên 15.000 lao động, trong đó 6.000 - 8.000 người đi lao động ở nước ngoài. Đến nay, các chỉ tiêu về nông thôn mới đều đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra. Bình quân đạt 18,3 tiêu chí/xã (tăng 14,8 tiêu chí so với năm 2010), không còn xã dưới 12 tiêu chí; có 169 xã (chiếm 73,8%) đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 04 xã đạt chuẩn nâng cao. Năm 2018 huyện Nghi Xuân được công nhận huyện nông thôn mới. Huyện Can Lộc được đề nghị Trung ương thẩm định, xét công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong năm 2019; 100% số xã của thành phố Hà Tĩnh và thị xã Hồng Lĩnh đạt chuẩn nông thôn mới; toàn tỉnh có 298 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, hơn 3.000 vườn mẫu. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,82%. Hệ thống chính trị được tăng cường, củng cố; an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững.
Cách làm hay, kết quả nổi bật của các địa phương
Các huyện, thành phố, thị xã đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; thành lập các đoàn, tổ công tác, phân công nhiệm vụ cho các thành viên bám sát chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các địa phương cơ sở. Cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, các hội thi, hội diễn bằng hình thức sân khấu hóa; in ấn, phát hành tài liệu; xây dựng phóng sự, tin bài, chuyên đề về xây dựng nông thôn mới; biểu dương các điển hình tiên tiến. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tổ chức các phong trào thi đua, các cuộc vận động, như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Nông dân giúp đỡ nhau làm kinh tế, sản xuất giỏi”, “Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi”, “Hội Người cao tuổi xây dựng nếp sống văn minh”, “60 ngày cao điểm xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Tháng cao điểm xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu”, “Ngày thứ 7 xây dựng nông thôn mới”... với sự tham gia tích cực, đông đảo của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Các địa phương đã ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, trong đó có các đề án phát triển chăn nuôi, phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch, làng nghề; tăng cường liên kết sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ nhằm tạo sản phẩm hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân. Ngoài nguồn vốn ngân sách, Nhân dân đã tự nguyện đóng góp kinh phí, ngày công, hiến đất để xây dựng các công trình điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế, kênh mương, nhà văn hóa...
Huyện Nghi Xuân: Sau 05 năm xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả tích cực, ngày 25/12/2016, Ủy ban nhân dân huyện ban hành Đề án số 05/ĐA-UBND xây dựng huyện Nghi xuân đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 và quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện. Đến hết năm 2018, huyện Nghi Xuân được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện nông thôn mới, hoàn thành mục tiêu trước 02 năm.
Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ (người đứng thứ 4, bên phải) trao Bằng công nhận huyện Nghi Xuân đạt chuẩn nông thôn mới
Tính chung trong năm 10 năm, Nghi Xuân đã huy động trên 2.789,5 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới, trong đó vốn ngân sách Nhà nước cấp trực tiếp 674,4 tỷ đồng, còn lại là ngân sách huyện, vốn lồng ghép, xã hội hóa và Nhân dân đóng góp; đã xây dựng, nâng cấp 120 km đường trục xã, gần 200 km đường trục thôn, 186 km kênh mương thủy lợi. Toàn huyện có 705 mô hình kinh tế (100 mô hình lớn, 116 mô hình vừa 489 mô hình nhỏ) và trên 1.000 mô hình chăn nuôi quy mô nhỏ gắn với phát triển kinh tế nông hộ; thành lập mới 140 tổ hợp tác, 83 hợp tác xã, 198 doanh nghiệp. Huyện đã tăng cường thu hút đầu tư, trong 03 năm gần đây đã có 65 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 9.000 tỷ đồng, trong đó một số dự án tại Xuân An, Xuân Lĩnh thu hút lượng lớn lao động nông thôn. Ngoài 10 tiêu chí khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh, huyện Nghi Xuân đề ra tiêu chí thứ 11 là mỗi thôn có ít nhất một câu lạc bộ văn nghệ dân gian hoạt động hiệu quả. Đến nay đã có 60 thôn (thuộc 17 xã) đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, các thôn còn lại đã hoàn thành 50% tiêu chí trở lên; có 330 vườn đã được công nhận vườn mẫu. Một số thôn điển hình như: thôn Phong Giang (Tiên Điền), Hương Mỹ (Xuân Mỹ), Mỹ Lộc, Khang Thịnh (Xuân Viên), Trung Lộc, Yên Nam (Xuân Yên), Thành Phú (Xuân Thành), Trường Thanh (Xuân Trường)... từng bước trở thành điểm du lịch trải nghiệm nông thôn mới.
Người dân thôn Yên Nam, xã Xuân Yên ra quân dọn vệ sinh môi trường
Huyện Can Lộc: Thành lập được 893 mô hình sản xuất cho doanh thu từ 100 triệu đồng trở lên (bình quân 40 mô hình/xã), trong đó có 61 mô hình lớn cho doanh thu trên 01 tỷ đồng/năm, 110 mô hình vừa cho doanh thu từ 500 triệu đến dưới 01 tỷ đồng và 722 mô hình nhỏ cho doanh thu từ 100 - 500 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,82%. Đến nay, 21/21 xã đã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới (trong đó 18 xã đã được công nhận đạt chuẩn). Các xã sau khi đạt chuẩn đều tiếp tục nỗ lực nâng chất lượng các tiêu chí, nhất là xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Ngày 24/9/2019, Ban Chỉ đạo Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững và mỗi xã một sản phẩm tỉnh đã bỏ phiếu (đạt tỷ lệ 100% số phiếu) đề nghị Trung ương thẩm định, xét công nhận huyện Can Lộc đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong năm 2019.
Cán bộ, nhân dân xã Khánh Lộc làm đường giao thông
Huyện Cẩm Xuyên: Kinh tế phát triển theo hướng hàng hóa có tính liên kết. Người dân đóng góp 333,6 tỷ đồng tiền mặt, hiến 811.202,8 m 2 đất và đóng góp 949.876 ngày công trị giá khoảng 245,9 tỷ đồng. Toàn huyện đã xây dựng được 1.404 mô hình kinh tế; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy; chất lượng giáo dục được nâng lên; chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân được cải thiện; an ninh chính trị và trật tự xã hội cơ bản được giữ vững. Đến nay, đã có 17/25 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 18,12 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 14 tiêu chí; có 43 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, 639 vườn mẫu, một số khu dân cư trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới, như: Yên Mỹ (xã Cẩm Yên), Tân An (xã Cẩm Bình), Chu Trinh (xã Cẩm Duệ)...
Một số nông sản thu hoạch từ các vườn mẫu
Huyện Đức Thọ: Tổ chức tốt Hội thi tuyên truyền xây dựng nông thôn mới bằng hình thức sân khấu hóa; tổ chức được 1.183 lớp tập huấn với 78.714 lượt người và 2.451 cuộc tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới cho 395.590 lượt người tham gia; sản xuất 603 chương trình phát thanh, truyền hình, 8.460 tin, bài, phóng sự về xây dựng nông thôn mới. Huy động được nhiều sức dân để xây dựng nông thôn mới, trong đó 12.474 hộ hiến đất với tổng diện tích 984.590m 2 . Toàn huyện làm mới 397,18km đường giao thông, nâng tỷ lệ cứng hóa đường trục xã đạt 97%, trục thôn đạt 85%. Đã có 23/27 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 19,3 tiêu chí/xã, hoàn thành 6/9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 39 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 4,44%; 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở và có nhà văn hóa, trạm y tế khang trang, đạt chuẩn; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 91,5%, có 144/147 thôn đạt danh hiệu “Thôn văn hoá” (chiếm 98%); 92% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”.
Khu dân cư kiểu mẫu Châu Nội, xã Tùng Ảnh (nguồn ảnh: Báo Hà Tĩnh)
Huyện Hương Khê: Phong trào thi đua “Cả huyện chung sức xây dựng nông thôn mới” được cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân tích cực hưởng ứng. Người dân tham gia đóng góp tiền mặt, ngày công, hiến đất, tài sản để xây dựng, cải tạo các công trình công cộng như nhà văn hóa thôn, đường giao thông…, tiêu biểu như bà Lê Thị Tin (xã Lộc Yên) hiến 1.100m 2 đất làm kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, ông Trần Minh Huệ (xã Hương Bình) hiến 500 m 2 đất, ông Lê Danh Chức (xã Phú Phong) hiến 200 m 2 đất vườn mở rộng đường trục xã... Tổng nguồn lực huy động từ Nhân dân đạt 636,78 tỷ đồng (tiền mặt 135,56 tỷ đồng, ngày công quy tiền 311,28 tỷ đồng, hiến đất quy tiền 60,67 tỷ đồng, tài sản khác 129,26 tỷ đồng). Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện đã huy động lực lượng, kinh phí giúp đỡ các xã, thôn, hộ gia đình với tổng kinh phí 54,41 tỷ đồng. Toàn huyện có 07 khu dân cư và 285 vườn hộ thuộc 21 xã đạt chuẩn, tiêu biểu như: Thôn Nam Trà (xã Hương Trà), thôn Phú Thành (xã Phú Gia), thôn La Khê (xã Hương Trạch); vườn của gia đình ông Đinh Phúc Tiến, ông Đinh Văn Thảo (xã Hương Trà), ông Nguyễn Trọng Lương, ông Lê Khắc Trường, bà Trịnh Thị Hương (xã Phú Gia),… Tại Cuộc thi khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu cấp tỉnh lần thứ nhất, Hương Khê có 03 khu dân cư và 15 vườn mẫu tham gia dự thi và đạt giải, trong đó thôn Nam Trà, xã Hương Trà đạt Giải đặc biệt.
Cán bộ, Nhân dân xã Hương Xuân lao động, mở rộng khuôn viên nhà văn hóa
Huyện Hương Sơn: Tổ chức 144 lớp đào tạo cho cán bộ xã, thôn; 965 lớp tập huấn cho 64.970 lượt người về xây dựng nông thôn mới. Toàn huyện đã huy động được 4.954,67 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 1.883,53 tỷ đồng (chiếm 38%), con em xa quê ủng hộ hơn 123 tỷ đồng (chiếm 2,5%), kết hợp với các nguồn vốn khác, đã xây dựng mới, nâng cấp được 1.122,8 km đường giao thông nông thôn, 315 km rãnh thoát nước trong khu dân cư, 125,8 km kênh mương; xây mới, cải tạo 128 trường học; nâng cấp 27 nhà văn hóa xã, xây mới 139 và nâng cấp 116 nhà văn hóa thôn; xây dựng 4.152 nhà ở... thành lập mới 1.581 mô hình sản xuất (120 mô hình doanh thu trên 01 tỷ đồng/năm, 161 mô hình doanh thu từ 500 triệu đến 01 tỷ đồng/năm, 1.300 mô hình doanh thu từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng/năm); thành lập mới 385 doanh nghiệp, 147 hợp tác xã, 235 tổ hợp tác (tăng 288 doanh nghiệp, 117 hợp tác xã, 235 tổ hợp tác so với năm 2011). Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 33,75 triệu đồng, gấp 3,11 lần so với năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nông thôn mới còn 3,58%, có 246/272 (90,04%) thôn đạt danh hiệu “Thôn văn hóa”, 85% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Toàn huyện đã có 16/30 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, có 17 khu dân cư kiểu mẫu, 201 vườn mẫu; hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố, dân chủ ở cơ sở được phát huy, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Đường về xã Sơn Mai
Huyện Lộc Hà:
Có nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế để thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng và đóng góp xây dựng các công trình. Từ năm 2010 đến nay, toàn Huyện đã huy động trên 2.419 tỷ đồng, trong đó người dân địa phương đóng góp 78 tỷ đồng tiền mặt, hiến 159.705m 2 đất, tự nguyện tháo dỡ 12.458 m 2 tường rào, đóng góp 500.690 ngày công trị giá 80 tỷ đồng. Các địa phương phát huy tốt nội lực của dân là Thạch Bằng, Thạch Châu, Hồng Lộc, Tân Lộc…; điển hình là các hộ gia đình: Tô Xuân Hoa, Nguyễn Đức Hồ (xã Thạch Bằng); Nguyễn Tiến Kim, Lê Bá Chất (xã Thạch Châu); Mai Trọng Thịnh, Bùi Văn Sơn (xã Hồng Lộc); Nguyễn Khắc Nguyên, Trần Văn Đồng (xã Thịnh Lộc). Đồng thời, các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn huyện và con em xa quê đã đóng góp hơn 72 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Đến nay, huyện đã có 8/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Người dân xã An Lộc làm thủy lợi nội đồng
Huyện Thạch Hà: Đã tổ chức 236 lớp đào tạo cho cán bộ cấp xã, cấp thôn; mở 1.340 lớp tập huấn về các cơ chế, chính sách xây dựng nông thôn mới, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” với 92.088 lượt người tham gia; xây dựng 2.427 tin bài, phóng sự, tổ chức chương trình tuyên truyền lưu động “Chung sức xây dựng nông thôn mới”; tổ chức đối thoại tại các xã, thị trấn, thôn, tổ dân phố để tháo gỡ những vướng mắc và định hướng xây dựng nông thôn mới. Ngân sách huyện đã hỗ trợ 207,320 tỷ đồng cho các xã; hướng dẫn, hỗ trợ thành lập mới: 1.308 mô hình sản xuất, kinh doanh cho doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên (trong đó 165 mô hình doanh thu trên 01 tỷ đồng/năm), 279 doanh nghiệp, 199 hợp tác xã, 404 tổ hợp tác.
Toàn huyện đã tổ chức 675 đợt ra quân, huy động gần 1,5 triệu lượt cán bộ các cấp và người dân tham gia chỉnh trang khu dân cư, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu. Tổng nguồn lực huy động đạt 7.973.401 triệu đồng, xây dựng mới và nâng cấp 1.102 km đường giao thông nông thôn; hệ thống kênh mương thủy lợi, trạm bơm được nâng cấp; cơ sở vật chất văn hóa, hệ thống chợ được sửa chữa, xây mới, cơ bản đáp ứng nhu cầu hội họp, sinh hoạt của cư dân nông thôn. Toàn huyện có 396 vườn mẫu, 58 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu đạt và cơ bản đạt chuẩn, 91,07% thôn đạt danh hiệu “Thôn văn hóa”, 89,6% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, 90,3% trạm y tế có bác sỹ, chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân được cải thiện.
Khu dân cư kiểu mẫu thôn Yên Nghĩa, xã Thạch Lưu
Huyện Vũ Quang: Toàn huyện đã huy động 2.785 tỷ đồng (ngân sách nhà nước 280 tỷ đồng, vốn lồng ghép 986 tỷ đồng, vốn tín dụng 586 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 228 tỷ đồng, cộng đồng dân cư 703 tỷ đồng); người dân hiến 43.400 m 2 đất trị giá gần 80,5 tỷ đồng, đóng góp hơn 400 nghìn ngày công trị giá 169 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Đến nay, huyện Vũ Quang đã có 11/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 4/9 tiêu chí huyện nông thôn mới, có 29/73 khu dân cư kiểu mẫu, 464 vườn mẫu, 1.825 mô hình sản xuất hiệu quả; thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 36,01 triệu đồng, tăng gấp 3,5 lần so với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo từ 45,85% giảm còn 9,44%; các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế, môi trường có nhiều chuyển biến tích cực; hệ thống chính trị được củng cố; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Ủy ban nhân dân huyện khen thưởng các tập thể có thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới
Thành phố Hà Tĩnh: Tổng kinh phí huy động 704,5 tỷ đồng, trong đó Nhân dân đóng góp 103,9 tỷ đồng, nguồn đỡ đầu tài trợ và con em xa quê đóng góp 13,5 tỷ đồng; có 38,02km đường trục xã, liên xã, 64,97km đường thôn, liên thôn đã được nhựa hóa, bê tông hóa (đạt 100%); xây dựng mới, nâng cấp 21,59km kênh mương (đạt 84,6%); xây dựng mới 05 nhà văn hóa xã, 23 nhà văn hóa thôn; 100% số chợ đã được chuyển đổi mô hình quản lý sang doanh nghiệp/hợp tác xã quản lý; thành lập mới 25 tổ hợp tác, 29 hợp tác xã, 405 doanh nghiệp; 100% số hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, 6/6 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, có 13 khu dân cư kiểu mẫu (tiêu biểu là các thôn Liên Nhật - xã Thạch Hạ, Thanh Tiến - xã Thạch Môn, Bình Minh - xã Thạch Bình...), 104 vườn mẫu. Tỷ lệ hộ nghèo còn 2,05%. Kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới góp phần quan trọng đưa thành phố Hà Tĩnh trở thành đô thị loại 2. Ngày 24/9/2019, Ban Chỉ đạo Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững và mỗi xã một sản phẩm tỉnh đã bỏ phiếu (đạt tỷ lệ 100% số phiếu) đề nghị Trung ương thẩm định, xét công nhận thành phố Hà Tĩnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong năm 2019.
Một khu dân cư tại xã Thạch Đồng
Thị xã Kỳ Anh: Trong 04 năm qua (kể từ khi thành lập), phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được triển khai rộng khắp trong toàn Thị xã với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân. Đến nay, đã có 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới (xã Kỳ Hưng năm 2016, xã Kỳ Hoa năm 2017, xã Kỳ Ninh năm 2018), xã Kỳ Hà cơ bản hoàn thành các tiêu chí, xã Kỳ Nam đã đạt 11/20 tiêu chí. Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên; thu nhập bình quân năm 2018 đạt 35,970 triệu đồng/người, tăng 1,42 lần so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 13,93% xuống còn 7,43%; tỷ lệ lao động có việc làm đạt 97,59%, kinh tế tập thể có nhiều chuyển biến tích cực, đã và đang trở thành một thành phần kinh tế quan trọng, thu hút và tạo việc làm cho nhiều lao động.
Trụ sở làm việc xã Kỳ Hoa
Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chung sức xây dựng nông thôn mới
Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới”, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đồng hành, đỡ đầu, hỗ trợ các địa phương thực hiện các tiêu chí nông thôn mới thông qua việc hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, tặng quà, đóng góp ngày công lao động... Tiêu biểu là Bộ đội Biên phòng tỉnh, các đơn vị thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh.
Đặc biệt, Ban cán sự Đảng, Đảng ủy Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã chỉ đạo thành lập Tổ công tác xây dựng nông thôn mới, ban hành văn bản triển khai phong trào thi đua đến toàn thể cán bộ, công chức, tổ chức ký giao ước thi đua giữa các đơn vị; hỗ trợ các địa phương thực hiện tốt tiêu chí thứ 19 về An ninh trật tự, an toàn xã hội tại các vùng nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh nhận đỡ đầu xã Xuân Hội (Nghi Xuân) và xã Hương Bình (Hương Khê), 13/13 đơn vị Kiểm sát nhân dân cấp huyện nhận đỡ đầu 13 xã trên địa bàn xây dựng nông thôn mới. Trong 10 năm qua, cán bộ, công chức ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã đóng góp tiền và vật chất trị giá trên 1,5 tỷ đồng; huy động cán bộ, công chức với trên 1.000 ngày công lao động tham gia làm đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, giúp đỡ người dân chỉnh trang vườn hộ…; tổ chức quyên góp và phối hợp với Báo Bảo vệ pháp luật trao 2.000 suất quà trị giá hơn 01 tỷ đồng cho người dân bị lũ lụt tại các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Can Lộc. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã tổ chức 03 đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại xã Xuân Hội và Hương Bình. Được sự hỗ trợ của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và các cấp, các ngành, xã Xuân Hội đã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2018, xã Hương Bình đã hoàn thành 13/20 tiêu chí, phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2020.
Lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh trao tiền hỗ trợ cho xã Hương Bình
Một số tồn tại, hạn chế
Bên cạnh kết quả đạt được, nhìn chung, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế: Sản xuất, kinh doanh, nhất là sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chưa nhiều, giá trị gia tăng thấp; năng suất, chất lượng lao động chưa cao. Hiệu quả hoạt động nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp chưa cao, thiếu bền vững. Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu, chưa có giải pháp hiệu quả để duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp các công trình; một số công trình chưa tính đến sự phát triển lâu dài, hiệu quả thấp, thậm chí gây lãng phí, nhất là khi sáp nhập thôn, xã; khó khăn, bất cập trong thu gom, xử lý rác thải. Nguồn vốn ngân sách trực tiếp để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và vốn huy động từ doanh nghiệp còn hạn chế. Sự vào cuộc của người dân ở một số địa phương chưa cao, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, xem xây dựng nông thôn mới là việc của cấp ủy, chính quyền. Sự lãnh đạo, chỉ đạo có thời điểm chùng xuống, một số cán bộ năng lực, trình độ hạn chế, tâm huyết, trách nhiệm chưa cao. Tình hình tại nạn, tệ nạn xã hội ở một số địa bàn có xu hướng gia tăng, an ninh trật tự còn tiềm ẩn yếu tố mất ổn định.
Một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới
Phát huy kết quả đạt được, phấn đấu tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới trong giai đoạn 2021 - 2025. Các địa phương quyết tâm sớm hoàn thành, nâng cao chất lượng các tiêu chí, trong đó: Huyện Nghi Xuân phấn đấu đạt huyện nông thôn mới kiểu mẫu, điển hình về văn hoá và là trung tâm kinh tế văn hoá phía Bắc của tỉnh. Huyện Thạch Hà phấn đấu đến hết năm 2019 có 30/30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 01 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu, 02 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; năm 2020 cơ bản hoàn thành các tiêu chí của huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện Lộc Hà phấn đấu xây dựng 5/13 xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2019 và hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới trong năm 2020. Huyện Hương Sơn năm 2019 có thêm ít nhất 09 xã đạt 20 tiêu chí, 01 xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao; năm 2020 có thêm ít nhất 05 xã đạt 20 tiêu chí, 01 xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao; giai đoạn 2020 - 2025 xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu điển hình về du lịch sinh thái. Thị xã Kỳ Anh tập trung mọi nguồn lực đưa xã Kỳ Nam đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2019, các xã còn lại phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, từng bước xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu... Các địa phương khác tiếp tục phấn đấu hoàn thành và nâng cao chất lượng các tiêu chí.
Để đạt mục tiêu trên, các địa phương xác định sẽ tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững, mỗi xã một sản phẩm nhằm nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị, trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Huy động mọi nguồn lực đầu tư để tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở để Nhân dân tham gia đóng góp, bàn bạc, giám sát việc thực hiện các công trình, dự án. Ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh. Tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết quy mô lớn, theo vùng quy hoạch để phát triển, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm chủ lực. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp; kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, các đơn vị hành chính cấp xã tinh gọn. Nâng cao trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của các đoàn, tổ công tác chỉ đạo cơ sở; xây dựng Văn phòng Điều phối nông thôn mới huyện, cán bộ chuyên trách cấp xã đáp ứng ngày càng cao vai trò điều phối xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Tăng cường quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực; đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị vững mạnh. Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa; quan tâm phát triển giáo dục, chăm sóc sức khỏe, thực hiện tốt các chính sách xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Phát động các đợt thi đua xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết, biểu dương, nhân rộng những cách làm tốt, sáng tạo của các tổ chức, cá nhân.
Nhóm tác giả : Đặng Ngọc Bảo - Nguyễn Thị Ngọc Trâm - Bùi Nguyễn Hà - Hà Thị Oanh - Mai Thị Ngọc Hà - Kiều Thị Hằng - Dương Trí Thức - Phạm Công Hà - P han Thị Hương - Nguyễn Thị Thủy - Nguyễn Trung Thành - Trần Viết Hợp - Nguyễn Thị Quỳnh Trang
Tin mới cập nhật
- Huyện Hương Sơn tiếp tục tập trung xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ( 17/01)
- Thủ tướng: 9 vấn đề quan trọng để phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh ( 31/12)
- Huyện Thạch Hà tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp ( 27/12)
- Huyện Thạch Hà tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp ( 27/12)
- Sơn Ninh nỗ lực xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn nâng cao ( 13/12)
- Huyện Hương Khê thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất gắn với xây dựng nông thôn mới ( 03/12)